VN-Index mất mốc 1.200 điểm, dòng tiền ‘bắt đáy’ xuất hiện
Kết phiên sáng 4/4, VN-Index thu hẹp mức giảm còn 47,8 điểm, tương đương 3,9%. Khối lượng khớp lệnh đạt 1,24 tỷ đơn vị.
UPCoM-Index cũng chỉ còn giảm hơn 1 điểm, về 90 điểm. Ngược lại, HNX-Index nới rộng lao dốc lên 10 điểm, tương đương giảm 4,6%, kéo chỉ số về dưới 211 điểm.
Dòng tiền tham gia mua vùng giá thấp giúp thu hẹp áp lực giảm so với đầu phiên. Số lượng mã giảm trên HOSE ghi nhận 424, song chỉ còn 128 mã sàn. Ngược lại, sắc xanh gia tăng khi có 68 mã tăng điểm cuối phiên sáng, còn lại 26 mã đi ngang tham chiếu.
Rổ VN30 đã có 5 mã tăng gồm VIC, SSB, VNM, VHM, LPB. Đây đồng thời là các mã hỗ trợ tốt nhất cho thị trường, cùng với BHN, VCG, TMP, TDM hay CVT.
Chiều ngược lại, áp lực chỉ số vẫn đến từ VCB, BID, CTG, FPT, GAS, HPG, GVR, VPB, MBB, TCB – với tổng cộng 21,6 điểm kéo giảm.
Về thanh khoản, cuối phiên sáng, giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt hơn 27.000 tỷ đồng, thấp hơn so với cùng kỳ phiên trước (30.800 tỷ đồng). HNX và UPCoM có giá trị giao dịch lần lượt 1.275 tỷ đồng và 621 tỷ đồng.
Khối ngoại nới rộng bán ròng lên 2.545 tỷ đồng, tương đương hơn 83 triệu đơn vị trên HOSE. Họ cũng bán ròng gần 6 tỷ đồng trên UPCoM, nhưng mua ròng 19 tỷ đồng tại HNX.
Các mã bị bán ròng mạnh nhất phiên sáng gồm FPT (-495 tỷ đồng), MBB (-367 tỷ đồng), ACB (-266 tỷ đồng), SSI (-258 tỷ đồng), VCB (-226 tỷ đồng). Bên cạnh đó, TPB, TCB, FUEVFVND, PNJ, HPG, VNM cũng bị bán ròng 88 - 200 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại mua ròng lớn nhất đối với SHB (147 tỷ đồng), KDH (48 tỷ đồng) hay VIC (38 tỷ đồng)…

Diễn biến VN-Index từ 2024 đến 9h45 phiên 4/4. (Biểu đồ: TradingView).
VN-Index mở cửa phiên 4/4 tại 1.159 điểm, giảm khoảng 71 điểm tương đương 5,8% so với tham chiếu. Chỉ số đại diện thị trường chứng khoán đã về vùng thấp nhất kể từ tháng 1/2024, tức hơn một năm. Đến 9h26, VN-Index vẫn giằng co quanh 1.160 điểm.
Sàn HOSE ghi nhận sắc đỏ chủ đạo, với 429 mã giảm (192 mã sàn), trong khi chỉ có 17 mã tăng và 13 mã đi ngang.
Diễn biến tại HNX tương tự, khi chỉ số giảm 14 điểm về 207 điểm. UPCoM-Index cũng lao dốc 3 điểm về 87 điểm.
Rổ VN30 có 29 mã giảm, trừ SSB. Đa phần các mã đều lao dốc, trong đó 13 mã sàn.
Tổng quan, giống phiên trước, xu hướng giảm đang quét qua tất cả nhóm ngành, khi các mã đều chủ yếu giao dịch ở mức giảm sâu.
Về thanh khoản, sau 30 phút đầu phiên, HOSE có giá trị khớp lệnh gần 10.000 tỷ đồng, tương ứng với hơn 477 triệu đơn vị. HNX và UPCoM ghi nhận giá trị giao dịch lần lượt 630 tỷ đồng và 200 tỷ đồng. Tổng giá trị khớp lệnh cả HOSE, HNX và UPCoM đang đạt gần 10.700 tỷ đồng
Về khối ngoại, họ tiếp tục mạnh tay bán ròng, chủ yếu trên HOSE với giá trị gần 1.200 tỷ đồng. Khối này tập trung xả FPT (-278 tỷ đồng), MBB (-226 tỷ đồng), ACB (-133 tỷ đồng). Ngoài ra các mã TPB, HPG, TCB, SSI, SAB, HCM, VPB, VCB bị bán vói quy mô từ 30 -100 tỷ đồng.
Ngược lại, khối ngoại mua ròng nhiều nhất tại SHB (60 tỷ đồng), VIC (37 tỷ đồng) hay KDH (20 tỷ đồng).
Xu hướng lao dốc của thị trường đến từ tâm lý bi quan của nhà đầu tư sau công bố áp thuế đối ứng của Mỹ, trong đó Việt Nam có mức thuế 46%, thuộc nhóm cao nhất.
Theo phân tích của SHS, nếu kịch bản xấu xảy ra, VN-Index có thể giảm 15% - 20% so với đỉnh 1.342 điểm trước khi ổn định (tức giảm 201 - 268 điểm, về 1.074 – 1.141 điểm). Nếu thị trường diễn biến tốt hơn, mức điều chỉnh có thể chỉ quanh 10%.
Rủi ro đến từ việc sử dụng margin cao, có thể khiến thị trường giảm mạnh hơn dự kiến. Nhà đầu tư không cần quá lo lắng. Chính sách thương mại có thể thay đổi nhanh chóng, và việc quan trọng là lựa chọn đúng doanh nghiệp.
Các công ty hàng đầu có sức chống cự với khủng hoảng, suy thoái mạnh nên sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện tại.