Xuất khẩu qua Amazon: Cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp Việt

14:14 | 16/05/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chạm được vào thị trường thương mại toàn cầu là niềm mơ ước của tất cả doanh nghiệp (DN) Việt. Khi đã đặt chân được vào Amazon Global Selling thì khi đó có nghĩa là sản phẩm Việt đã được công nhận toàn cầu, có giá trị toàn cầu.

Mới đây, Bộ Công Thương và Amazon đã thống nhất Chương trình hợp tác trong vòng 3 năm (2019-2021) nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu toàn cầu; xây dựng thương hiệu cho các DN, các sản phẩm của DN trên môi trường thương mại điện tử của Amazon. Để nhìn nhận rõ hơn về cơ hội cho DN Việt, bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Phát triển Kinh doanh, Công ty TNHH XNK đầu tư và Thương mại Nguyễn Lê đã có những chia sẻ thực tế từ kinh nghiệm của DN mình.

Thưa bà, được biết, Nguyễn Lê vừa được lựa chọn là một trong 100 DN liên kết bán hàng trên Amazon Global Selling, bà có thể chia sẻ về câu chuyện này?

Bà Nguyễn Thị Thoa: Nguyễn Lê với thương hiệu Zenna là một trong số 100 DN được chọn lựa hợp tác, bán hàng trên Amazon. Chúng tôi phải trải qua 3 lần đáp ứng các yêu cầu, từ phía Cục Xúc tiến thương mại, thị trường Mỹ và Amazon Global Selling… mới có được kết quả như vậy.

Cần nói thêm là, đối với các thị trường phát triển như Mỹ thì hàng hóa phải đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thân thiện với môi trường và tuân thủ tất cả những tiêu chuẩn mà các cơ quan chức năng đề ra, nhất là sản phẩm ăn uống, dược phẩm, mỹ phẩm…

Khi chúng tôi bắt đầu tham gia các buổi làm việc do một nhóm độc lập của Amazon thực hiện đã thấy, ngay từ bước tiếp cận đầu tiên đối với trang thương mại điện tử này đã không hề dễ dàng, nhất là các tiêu chuẩn, tiêu chí đưa ra rất ngặt nghèo, mang tính toàn cầu… buộc sản phẩm tham gia phải đáp ứng, DN “vào guồng” phải thích ứng.

Rất may mắn là sản phẩm của chúng tôi đã có những chứng chỉ chứng nhận quốc tế trước đó, đáp ứng được tiêu chí toàn cầu mà Amazon đặt ra nên quá trình kiểm nghiệm, đánh giá diễn ra đơn giản hơn, nhanh chóng hơn.

Xuất khẩu qua Amazon: Cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp Việt - ảnh 1
 Xuất khẩu qua Amazon: Cơ hội 'vàng' cho doanh nghiệp Việt.
Theo bà, ý nghĩa lớn nhất của việc sản phẩm được bán trên Amazon là gì?
Điều lớn nhất mà chúng tôi mong muốn đó là người tiêu dùng trong nước chấp nhận và tin dùng sản phẩm của DN chúng tôi nói riêng và hàng Việt nói chung. Dường như lâu nay người tiêu dùng chưa có được niềm tin lớn đối với hàng Việt.
Do đó, với sự chọn lựa, hợp tác của Amazon Global Selling dựa trên kiểm tra, đánh giá nghiêm túc về các tiêu chuẩn sản phẩm, hay nói cách khác là khi thị trường thế giới, nhất là thị trường Mỹ chấp nhận sản phẩm của chúng tôi thì người tiêu dùng Việt cũng sẽ nhờ đó mà tin dùng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn thông qua chương trình hợp tác bán hàng trên Amazon Global Selling với những thành công bước đầu, DN góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt, thương hiệu Quốc gia Việt Nam.
Tại sao Nguyễn Lê lại chọn hướng kinh doanh theo con đường thương mại điện tử và bà đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác với Amazon Global Selling trong lĩnh vực thương mại điện tử cũng như kỳ vọng gì về sự thay đổi doanh số, lợi nhuận bán hàng?
Ngay từ khi thành lập, DN của chúng tôi đã hướng đến tiếp cận thị trường theo hình thức thương mại điện tử thay vì thực hiện theo phương thức kinh doanh truyền thống.
Nếu tiếp cận theo phương thức truyền thống thì cần phải có địa điểm, showroom…DN sẽ phải có vốn nhiều hơn và chi phí sản phẩm sẽ tăng cao hơn khá nhiều. Trong khi đó, phân phối thẳng đến cho các đại lý, chúng tôi sẽ tối ưu hóa tối đa về chi phí, giá thành và DN không phải lo lắng về vấn đề đội giá thành sản phẩm.
Để chạm được vào thị trường thương mại toàn cầu là niềm mơ ước của tất cả DN Việt và cần một sự nỗ lực rất lớn, nhất là đối với DNNVV. Bởi đặt chân được vào Amazon Global Selling có nghĩa là sản phẩm Việt đã được công nhận toàn cầu, có giá trị toàn cầu.
DN sẽ nhanh chóng đưa mặt hàng của mình tiếp cận 1 triệu khách hàng mới ở những thị trường có thương mại điện tử tăng trưởng nhanh nhất. Nói cách khác, khi đã thuộc vào hệ thống phân phối của trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới này, cơ hội gia tăng doanh số xuất khẩu cho sản phẩm là rất lớn.
Ước tính, năm 2018, gần 20.000 DNNVV đã đạt vượt doanh thu 1 tỷ USD trên Amazon. Chúng tôi kỳ vọng và tự tin sẽ đạt được mức doanh thu này trong tương lai. Tuy nhiên, khi đưa hàng sang Amazon Global Selling không chỉ đơn thuần là mua 10 đồng, bán ra 11 đồng là có lời mà thực ra là một bài toán không đơn giản.
Bà vừa nói, đưa hàng bán trên Amazon Global Selling là một bài toán không đơn giản. Vậy theo bà, khó khăn mà Nguyễn Lê cũng như DN Việt phải đối mặt là gì?
Hiện nay, DN chúng tôi chỉ đang trong giai đoạn chiến lược. Sắp tới, DN sẽ có cuộc làm việc với Amazon Global Selling để tính toán về mức giá cả.
Theo khảo sát của DN, để hàng hóa lên “kệ” của Amazon Global Selling, DN  còn phải thực hiện các công đoạn về logistics, kho vận… Đưa hàng sang Mỹ, riêng sản phẩm của chúng tôi bắt buộc phải xuất đi bằng đường hàng không và đây là yếu tố sẽ làm chi phí tăng lên.
Tiếp sau đó, DN còn phải tính toán về chi phí lưu kho bãi, chi phí quản lý hàng, mua công cụ 4.0… Đó là một bài toán khá “nhức đầu” mà DN phải tính toán. Bên cạnh đó, một điểm khó khăn nữa đối với các DN lần đầu tiên bán hàng trên Amazon là tìm hiểu các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, dịch vụ thanh toán...
Xin trân trọng cảm ơn bà!