Xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng kỷ lục trong tháng 10

09:49 | 30/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sau 10 tháng tăng kỷ lục đạt 18,72 tỷ USD, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019.
Theo cơ quan thống kê, mặc dù dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng hoạt động xuất/nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương, trong đó điểm sáng là đóng góp của khu vực kinh tế trong nước.
 

Cán cân thương mại xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.

 

Tính riêng trong tháng 10/2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,7 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước và tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 229,27 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
 
Trong 10 tháng có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Điện thoại và linh kiện là hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 42 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
 
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu 10 tháng của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm so với cùng kỳ năm trước như: rau quả giảm 12,5%; hạt điều giảm 3,4%; cà phê giảm 0,7%; cao su giảm 4,2%...
 
Xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng kỷ lục trong tháng 10 - ảnh 1
 
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 10 tháng, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 123,8 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 54% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.
 
Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 81,8 tỷ USD, tăng 1,5% và chiếm 35,7%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 16,8 tỷ USD, giảm 1,5% và chiếm 7,3%. Nhóm hàng thủy sản đạt 6,9 tỷ USD, giảm 2,5% và chiếm 3%.
 
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng với kim ngạch đạt 62,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14%. Thị trường EU đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3%. Thị trường ASEAN đạt 18,9 tỷ USD, giảm 11,6%. Hàn Quốc đạt 16,3 tỷ USD, giảm 2,6%. Nhật Bản đạt 15,6 tỷ USD, giảm 7%.
 
Tháng 10/2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 24,5 tỷ USD, tăng 1,2% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 210,55 tỷ USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2020 có 34 mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch nhập khẩu.
 
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu 10 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 194,93 tỷ USD, giảm 0,02% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 15,62 tỷ USD, tăng 6,5% và chiếm 7,4%.
 
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 65,8 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 5,3%; thị trường ASEAN đạt 24,4 tỷ USD, giảm 8,5%; Nhật Bản đạt 16,5 tỷ USD, tăng 2,5%; thị trường EU đạt 11,8 tỷ USD, tăng 4,2%; Hoa Kỳ đạt 11,6 tỷ USD, giảm 2,4%.
 
Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9/2020 xuất siêu 3 tỷ USD; 9 tháng xuất siêu 16,52 tỷ USD; tháng Mười ước tính xuất siêu 2,2 tỷ USD. Tính chung 10 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.
 
Có thể thấy, câu chuyện nổi cộm đáng chú ý nhất trong XK hàng hóa từ đầu năm đến nay là việc Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8. Qua 2 tháng EVFTA có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 20.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 đi 28 nước EU. Kim ngạch hàng hóa cấp C/O trong tháng 8/2020 là 310 triệu USD và trong tháng 9/2020 là 519 triệu USD. Kim ngạch tăng lên, thể hiện DN đã nắm bắt được quy định để vận dụng ưu đãi.
 
Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản… Trong số đó, mặt hàng tận dụng tốt nhất là giày dép, thủy sản…
 

Xuất siêu cả năm khoảng 7 tỷ USD

 

Theo Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát kỹ từng lĩnh vực, ngành hàng để cập nhật lại kịch bản điều hành, xem xét các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và XK cho những tháng cuối năm. Qua đánh giá cho thấy khả năng có thể đạt được ở các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và thương mại nội địa cả năm 2020 đều tích cực hơn so với đánh giá hồi tháng 7/2020. Căn cứ bối cảnh tình hình hiện nay, dự kiến XK hàng hóa của Việt Nam cả năm 2020 sẽ có thể đạt mức tăng từ 3-4%.
 
Xuất khẩu Việt Nam vẫn tăng trưởng kỷ lục trong tháng 10 - ảnh 2
 
Về kết quả xuất/nhập khẩu (XNK) cả năm nay, trong báo cáo Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn đưa ra những con số chi tiết hơn. Ước cả năm, tổng kim ngạch XNK đạt khoảng 527 tỷ USD, tăng 1,8% so với năm 2019.
 
Trong đó, kim ngạch XK hàng hóa đạt khoảng 267 tỷ USD, tăng khoảng 1% so với năm 2019; kim ngạch NK hàng hóa đạt khoảng 260 tỷ USD, tăng khoảng 2,6% so với năm 2019; thặng dư thương mại hàng hóa khoảng 7 tỷ USD.
 
Tỷ trọng XK của DN có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch XK, giảm so với năm 2019 (khoảng 67,8%); XK của DN trong nước cả năm ước tăng 9,87% so với năm 2019.

Trong những tháng cuối năm, để tiếp tục thúc đẩy XK, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và có các biện pháp quyết liệt hơn nữa trong khai thác, tiếp cận các thị trường trọng điểm, duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường XK, nhất là đối với các mặt hàng XK chủ lực; tập trung rà soát thủ tục hành chính về XNK nhằm thúc đẩy XK, tạo thuận lợi và hỗ trợ hiệu quả cho các DN.
 
Nguyễn Dung(t/h)