1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý qua Cơ chế một cửa quốc gia
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, Cơ chế một cửa quốc gia được triển khai chính thức từ tháng 11/2014. Tính đến ngày 10/6/2018, 11 Bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với gần 1,26 triệu hồ sơ của 22.000 doanh nghiệp được xử lý thông qua Cơ chế một cửa quốc gia .
Cụ thể: Bộ Công Thương - 6 thủ tục; Bộ Khoa học và Công nghệ - 4 thủ tục; Bộ Giao thông vận tải - 12 thủ tục; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - 13 thủ tục; Bộ Tài nguyên và Môi trường - 4 thủ tục; Bộ Thông tin và Truyền thông - 1 thủ tục; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - 1 thủ tục; Bộ Y tế - 5 thủ tục; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - 1 thủ tục; Bộ Quốc phòng - 03 thủ tục liên ngành đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; 03 thủ tục liên ngành (Tài chính, Giao thông vận tải, Công an, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đối với tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối Cơ chế một cửa quốc gia với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc.
Theo đánh giá của bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, con số 53 thủ tục hành chính đã được triển khai là rất khiêm tốn so với mục tiêu đề ra.
Dự kiến đến cuối năm 2018, Bộ Tài chính và các bộ, ban ngành liên quan đặt chỉ tiêu sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên Cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020 theo rà soát mới nhất của các Bộ, ngành.
Chưa đi vào thực chất
Theo phản ánh của các doanh nghiệp và cơ quan khảo sát độc lập, việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua cơ chế này, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến.
Còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ dư thừa, chồng chéo giữa các cơ quan; mức độ tiêu chuẩn hóa, đơn giản hóa, hài hòa hóa quy trình thủ tục còn thấp.
Năng lực chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ trong thực hiện thủ tục hành chính còn yếu. Cơ chế một cửa quốc gia đang nhằm vào mục tiêu giải quyết trực tiếp thủ tục hành chính phục vụ cho khâu thông quan mà chưa chú trọng nhiều đến việc chia sẻ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như công tác điều hành của các cơ quan chính phủ.
Cùng với đó, hệ thống công nghệ thông tin chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu và khối lượng công việc phải xử lý.
“Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính chưa kết nối đầy đủ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước cũng như tạo tiện ích để rút ngắn thời gian vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa tại cảng biển, sân bay quốc tế, kho bãi; thanh toán và kiểm soát chứng từ thanh toán cho các giao dịch thương mại xuyên biên giới... qua đó rút ngắn thời gian thông quan tại cửa khẩu”, bà Mai nói.
Nguyên nhân của những bất cập trên xuất phát từ việc một số loại hồ sơ, giấy tờ theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc theo thông lệ quốc tế vẫn chưa được chấp nhận sử dụng dưới hình thức điện tử; việc tổ chức và giám sát thực hiện ở các cấp thừa hành còn chưa đồng bộ, chưa toàn diện và chưa kịp thời.
Trong khi, tư duy yêu cầu cung cấp chứng từ, thông tin dư thừa vẫn còn tồn tại trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật. Tại những địa bàn chưa triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện trên quy trình cũ, dựa trên hồ sơ giấy.
Bản thân doanh nghiệp cũng chưa thực sự chủ động tìm hiểu, chấp hành các quy định về giao dịch điện tử trên cơ chế một cửa quốc gia.
Cùng với đó, khung pháp lý cho phép chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với nhau để thực hiện công tác quản lý nhà nước chưa đầy đủ.
“Phạm vi thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia mới hạn chế ở cơ chế khai/nộp thông tin, chứng từ và ra quyết định hành chính trực tiếp ở khâu thông quan, chưa có các dịch vụ giá trị gia tăng phục vụ việc trao đổi thông tin giữa tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng cũng như chưa chú trọng nhiều đến trao đổi thông tin điều hành giữa các cơ quan chính phủ. Thủ tục, cơ chế đầu tư hệ thống công nghệ thông tin còn phức tạp”, bà Mai chỉ rõ.
Phải nỗ lực và quyết tâm rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu
Mục tiêu nâng tổng số lên 196 thủ tục hành chính đến cuối năm 2018 là “rất tham vọng”, đó là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai trước câu hỏi của phóng viên “liệu có đạt được không” tại cuộc họp báo.
“Để đạt được mục tiêu “tham vọng” này, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn từ các bộ ngành. Trong đó, ngành hải quan phải là đơn vị trung tâm kết nối công nghệ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo đó, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ sở pháp lý và cải cách thủ tục hành chính thông qua việc Xây dựng và ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Rà soát và tiến hành sửa đổi, bổ sung các nghị định, quy định về thủ tục hành chính theo hướng: cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết; đơn giản hóa quy trình, hồ sơ, chứng để áp dụng tối đa chứng từ điện tử...
Xây dựng và công bố bộ dữ liệu quốc gia về biểu mẫu và chứng từ điện tử trong lĩnh vực hành chính và thương mại để áp dụng chung cho tất cả các thủ tục hành chính thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Xây dựng nghị định quy định về kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.
Song song với các biện pháp đó, cần thực hiện tốt việc xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ thông tin; đào tạo, tuyên truyền và hỗ trợ cũng như đảm bảo tài chính.
“Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại” dự kiến tổ chức vào ngày 24/7 sắp tới sẽ góp phần quan trọng trong việc tìm ra giải pháp triển khai hiệu quả hơn nữa Cơ chế một cửa quốc gia thời gian tới”, bà Mai thông báo.