10 năm chặng đường xây dựng “những miền quê đáng sống” ở Vĩnh Tường

09:00 | 15/07/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Vốn là huyện thuần nông lại có số đơn vị hành chính nhiều gấp đôi, thậm chí gấp 3 các địa phương khác nên trong hành trình xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Tường đã vấp phải không ít khó khăn, thử thách.

Sau 10 năm nỗ lực bền bỉ với nhiều cách làm hay, sáng tạo, thời điểm này, khi nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV chuẩn bị khép lại, trong thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Tường đã có thêm nhiều “trái ngọt” từ chương trình xây dựng nông thôn mới. Và đích đến huyện nông thôn mới chắc chắn sẽ là hành trang vững chắc để địa phương tiếp tục tiến tới những mục tiêu cao hơn

Thành công từ sự đồng thuận của người dân

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Bình Khiêm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên thực tế, Vĩnh Tường không chỉ có số xã cần phải hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhiều nhất tỉnh mà còn có xuất phát điểm thấp bởi thu nhập của người dân phần lớn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Toàn huyện có 22/26 xã đạt 5 đến 8 tiêu chí, 4/26 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó có xã mới đạt 1/19 tiêu chí nông thôn mới. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu triển khai chương trình, huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn chủ động phối hợp với các xã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng từng tiêu chí cụ thể để xây dựng kế hoạch triển khai, tháo gỡ vướng mắc, chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng; tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức thi công xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các tiêu chí chưa đạt theo nguyện tắc không đầu tư dàn trải mà tập trung nguồn lực cho những xã xây dựng nông thôn mới có điều kiện về đích sớm. Đồng thời, phân công các đồng chí lãnh đạo huyện phụ trách địa bàn; gắn trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo về xây dựng nông thôn mới. Với cách làm này, tiến độ xây dựng nông thôn mới của huyện chuyển biến rõ nét với số xã đăng ký hoàn thành chương trình nông thôn mới qua mỗi năm lại nhiều hơn. Đến nay, huyện đã có 26/26 xã được UBND tỉnh công nhận hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

 10 năm chặng đường xây dựng “những miền quê đáng sống” ở Vĩnh Tường - ảnh 1

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặ nông thôn của Vĩnh Tường

ngày càng khởi sắc với những ""phố trong làng"

 

Điển hình phải kể đến xã Kim Xá - địa phương mới được tỉnh bỏ phiếu xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cách đây không lâu. Năm 2018, Kim Xá nằm trong số các xã cuối cùng của huyện cần hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới. Thế nhưng, các tiêu chí còn lại là: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm... đều là tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn để thực hiện, nếu không có bước đi, cách làm phù hợp sẽ rất khó triển khai. 

Quyết tâm không để lỡ hẹn nông thôn mới, vượt qua những khó khăn, lúng túng ban đầu, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là lấy việc tuyên truyền, vận động làm khâu đột phá, từ đó, giúp nhân dân thấy được lợi ích, trách nhiệm, vai trò chủ thể của mình, tự giác, tự nguyện đóng góp thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, xã đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn các hạng mục hạ tầng cơ sở cần thiết ưu tiên làm trước như sửa chữa, bê tông hóa các tuyến đường liên thôn, ngõ, xóm, kênh mương nước thải cụm dân cư, nhà văn hóa thôn. Cũng từ đây, nhiều dự án, chương trình được lồng ghép hỗ trợ nông dân mạnh dạn đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất với các mô hình kinh tế phù hợp với lợi thế địa phương, đưa Kim Xá cán đích nông thôn mới đúng thời gian cam kết với 100% đường trục xã, liên xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường giao thông nội đồng được cứng hóa; 3/3 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; 8/8 thôn có nhà văn hóa; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 88%; thu nhập bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng/người/năm.

Về Thượng Trưng - một trong 3 xã đầu tiên của huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh "phố trong làng”, bởi hệ thống cơ sở hạ tầng nơi đây đã và đang được xây dựng khang trang, đồng bộ, mang dáng dấp đô thị.

Năm 2013, bước vào xây dựng nông thôn mới, Thượng Trưng mới đạt 10/19 tiêu chí. Vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới từ ngân sách Nhà nước cấp còn hạn chế, chưa kịp thời. Ngoài ra, khi thực hiện tiêu chí môi trường gặp phải nhiều khó khăn do đại đa số người dân không đồng thuận cho xây dựng bãi xử lý rác thải theo quy hoạch. Tuy nhiên, bằng những cách làm năng động, sáng tạo, tăng cường công tác tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, Thượng Trưng đã về đích đúng lộ trình, trở thành địa phương kiểu mẫu trong xây dựng nông thôn mới của huyện.

Cùng chúng tôi đi một vòng thăm thành quả có được từ chương trình xây dựng nông thôn mới, đại diện lãnh đạo UBND xã phấn khởi cho biết, những năm gần đây, cùng với duy trì và nâng cao chất lượng các chí nông thôn mới, địa phương đang tập trung xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng để tiến tới mục tiêu trở thành thị trấn. Hiện hầu hết các tuyến đường liên thôn đều được trải nhựa áp-phan thẳng tắp, hệ thống đèn chiếu sáng đã tới từng ngõ, xóm; cơ sở vật chất các trường học, trạm y tế cũng đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ. Đặc biệt hơn, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thay đổi được tư duy của một bộ phận không nhỏ người dân trong phát triển kinh tế. Một trong những điểm nhấn quan trọng là xã đã chuyển 110 ha đồng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang mô hình trang trại, kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả cho thu nhập gấp nhiều lần trước kia. Ngoài ra, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ chiếm trên 70% tỷ trọng thu nhập, còn lại là nông nghiệp; cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế -xã hội của địa phương và của nhân dân.

Không chỉ Thượng Trưng, Kim Xá, về Vĩnh Tường giờ đây, bên cạnh những con đường mới được nâng cấp, mở rộng, nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên, những tuyến đường hoa, đường bích họa liên tiếp xuất hiện tô thêm sắc màu tươi sáng của làng quê. Những “phố trong làng” mang dáng dấp hiện đại đã thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Tất cả giống như một bức tranh đầy sức sống - điều mà 10 năm trước, những người dân quê lúa Vĩnh Tường chưa thể nghĩ tới…

Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Bình Khiêm cho hay, huyện đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng nội dung và lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ những hiểu biết cụ thể đó, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân sẵn sàng tham gia ủng hộ vật chất và tinh thần để góp sức thực hiện thành công chương trình. Thực tế, từ năm 2010 đến nay, nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt gần 6.825 tỷ đồng, trong đó có hàng trăm tỷ đồng do nhân dân đóng góp.

Huy động nguồn lực đã khó, việc phân bổ nguồn như thế nào để hợp lý và đạt hiệu quả cao nhất còn khó hơn. Trong những năm qua, Vĩnh Tường luôn ưu tiên nguồn lực để cải tạo, nâng cấp, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của nhân dân. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển nông nghiệp, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các chuỗi liên kết trong sản xuất. Huyện luôn nắm rõ mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống cho người, do đó việc cải thiện thu nhập luôn là nhiệm vụ hàng đầu. Nếu như năm 2010, thu nhập bình quân của huyện mới chỉ đạt 14 triệu đồng/người/năm thì đến hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt hơn 46 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,36%.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Bình Khiêm, ngoài những kinh nghiệm kể trên, điều quan trọng nhất, cho dù làm bất cứ việc gì nếu không nhận được sự đồng thuận, nhất trí của nhân dân thì không thể thành công được. Do đó, trong suốt quá trình thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay, huyện luôn đề cao tính dân chủ, mỗi phong trào triển khai đều tham vấn người dân, để người dân tham gia ý kiến rồi đi đến quyết định. Vì lẽ đó, người dân trên địa bàn huyện đều hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới, ngày càng phát huy vai trò chủ thể của mình, chung tay, góp sức vì sự phát triển bền vững của địa phương. Theo kết quả lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới được Ủy ban MTTQ huyện thực hiện tại 28/28 xã, thị trấn với 178 khu dân cư, có 97% các hộ được lấy ý kiến đồng tình với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện, đánh giá tất cả các tiêu chí đều đã đạt chuẩn.

Quyết tâm cho những mục tiêu cao hơn

Xác định xây dựng nông thôn mới là thường xuyên, liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi cán đích nông thôn mới, nhiều xã trong huyện đã tập trung nâng chất lượng các tiêu chí, quyết tâm chinh phục nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bằng những cách làm sáng tạo, trong đó, đặc biệt chú trọng tới sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp.

 

10 năm chặng đường xây dựng “những miền quê đáng sống” ở Vĩnh Tường - ảnh 2 

Giờ đây, người dân các địa phương trong huyện đang nỗ lực tiến tới mục tiêu cao hơn là xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.

Năm 2020, Vũ Di là 1 trong 3 xã được huyện Vĩnh Tường chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Để thực hiện thành công nhiệm vụ được giao, song song với việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, địa phương đã tập trung nâng cấp các tiêu chí động, nhất là tiêu chí môi trường. Nhận thấy trên địa bàn có nhiều doanh nghiệp và trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ khiến lượng nước thải, rác thải hằng ngày thải ra môi trường rất lớn, cùng với duy trì hoạt động của tổ vệ sinh môi trường thực hiện thu gom rác thải đều đặn với tần suất 1 lần/ngày về chôn lấp tại bãi rác tập trung ở 4 thôn, chính quyền địa phương thường xuyên đôn đốc các hộ sản xuất kinh doanh thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý rác thải, nước thải phát sinh tại cơ sở. Đồng thời, vận động các cơ sở nuôi trồng thủy sản không sử dụng thuốc thú y, hóa chất đã hết hạn sử dụng; tổ chức ký cam kết về bảo vệ môi trường và tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống rãnh thoát nước, trồng thêm các tuyến đường hoa, giúp môi trường sống trên địa bàn xã được cải thiện rõ rệt. 

Thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng hệ thống thu gom nước thải khu dân cư và vệ sinh môi trường, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu", từ năm 2019 đến tháng 5/2020, huyện Vĩnh Tường đã triển khai xây dựng, cải tạo được gần 46 km cống, rãnh thoát nước thải. Trong đó, có hơn 28,5 km được xây dựng theo Nghị quyết 38 của HĐND tỉnh và hơn 17,4 km được xây dựng và cải tạo theo nguồn đầu tư công và xã hội hóa. Nhiều địa phương đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia tổng vệ sinh môi trường ở khu dân cư vào ngày mùng 10 hoặc 20 hằng tháng. Điển hình như xã Tam Phúc, vận động nhân dân hiến 26 m2 đất thổ cư để mở rộng đường làng, ngõ xóm, thuận tiện cho việc đi lại của người dân; chính quyền tại 5 xã: Yên Lập, Cao Đại, Đại Đồng, Vĩnh Sơn, Việt Xuân đã tuyên truyền để 5.328 hộ gia đình lắp đặt ống thoát nước ngầm bảo đảm vệ sinh môi trường…

Toàn huyện có 25 xã, thị trấn đăng ký triển khai mô hình trồng tuyến đường hoa trong năm 2020 với tổng số 50 tuyến; 100% xã, thị trấn đăng ký triển khai mô hình vẽ tranh cổ động trang trí, tuyên truyền về bảo vệ môi trường trên các bức tường tại các trục đường thôn nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư và hạn chế việc dán quảng cáo, tờ rơi rao vặt gây mất mỹ quan… Qua đó, góp phần hạn chế tình trạng vứt bừa bãi ra đường, cống, rãnh, nâng cao ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Chủ tịch UBND huyện Trần Việt Cường khẳng định: Điều quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Vĩnh Tường đã và đang tập trung quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được một cách thực chất, bền vững và ngày càng hoàn thiện, tiếp tục hướng đến những mục tiêu cao hơn là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 13/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đến năm 2030 có 26/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 70 triệu đồng/người/năm, nhịp độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt từ 10-11%; giải quyết việc làm mới cho từ 3.000 đến 3.500 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên 80%.
Bích Phượng