10 start-up xã hội xuất sắc nhất tranh tài tại SOIN Challenge 2017
10 sáng kiến, dự án khởi nghiệp xã hội được lựa chọn, ươm mầm bởi Dự án Ươm tạo Sáng kiến Xã hội (Social Innovation - SOIN) thuộc hạng mục "Sáng tạo không giới hạn" (SOIN Unlimited) chuẩn bị bước vào vòng chung kết ngày 13/1.
Ông Chu Văn Thắng, Điều phối viên Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, IPP cho biết: “IPP hoan nghênh cuộc thi Sáng tạo Xã hội do CSIP cùng các đối tác triển khai. Đây là sân chơi ý nghĩa, thiết thực nhằm ươm mầm những ý tưởng của các cá nhân, tổ chức mong muốn tạo tác động xã hội bằng các giải pháp kinh doanh sáng tạo và bền vững. Hoạt động này cũng sẽ đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu quan trọng của IPP trong việc thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.”
Top 10 là những start-up nổi bật, khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ 4.0, hướng đến giải quyết nhiều vấn đề xã hội như ô nhiễm môi trường, phân loại rác thải, xử lý nước, chăm sóc dinh dưỡng, tâm lý cho người dân Việt Nam...Khởi động từ tháng 9/2017, cuộc thi đã tiếp nhận gần 150 hồ sơ đăng ký tham dự trên cả nước sau 3 tháng phát động.
Start-up GaT (Give and Take The Book)
GaT ra đời với mục đích thúc đẩy văn hoá đọc và tăng cường khả năng tiếp cận tri thức của cộng đồng. GaT là một ứng dụng CNTT trên nền tảng mobile và web giúp kết nối người dùng có chung sở thích đọc sách thông qua trao đổi và mượn sách mọi lúc và mọi nơi. Thành viên nòng cốt của nhóm sáng lập dự án làm trong lĩnh vực phát triển phần mềm và đam mê đọc sách, mong muốn tạo ra một sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và cộng đồng. Dự án đã hoàn thiện phiên bản đầu tiên trên mobile và web từ tháng 8 năm 2017. Hiện tại dự án đang trong quá trình thu thập đánh giá ý kiến người dùng để chuẩn bị cho việc hoàn thiện và phát triển các phiên bản tiếp theo của sản phẩm.
Start-up mGreen - Dự án phân loại rác và tích điểm đổi quà
Từ thực trạng rác không được phân loại gây ô nhiễm môi trường, thiếu nguồn rác tái chế cho sản xuất và smartphone ngày càng phổ biến, mGreen đã đưa ra giải pháp CNTT để giải bài toán phân loại rác từ nguồn và tạo thói quen phân loại rác cho người dân. Một số giải pháp nhằm cung cấp phương tiện cho các hộ dân để tự phân loại rác như sọt , thẻ tích điểm, ứng dụng gọi thu gom rác và có biện pháp khuyến khích người dân phân loại rác tái chế. Nhóm sáng lập bao gồm Tiến sĩ CNTT Bùi Thiên Hà và Trần Thị Thoa.
Start-up SharingFarming.Net - Farmer 4.0 - Sàn của người Nông dân
Sharing Farming ra đời nhằm nâng cao chất lượng đầu vào, ổn định đầu ra và xây dựng thương hiệu cho 13 triệu nông dân cùng với giải quyết nhu cầu thực phẩm an toàn và rõ nguồn gốc của người tiêu dùng. Dự án sẽ trang bị tại mỗi tỉnh một nền tảng thương mại điện tử Multi site với mô hình mỗi xã 1 sàn, mỗi nông dân 1 website (20.000 website/tỉnh) tích hợp mobile app và tích hợp hệ thống ERP, hệ thống thanh toán, tiến tới ứng dụng các công nghệ truy xuất nguồn gốc, công nghệ thực tế ảo, công nghệ blockchain nhằm xây dựng hệ sinh thái Nông trại - Nông dân - Người tiêu dùng Đội ngũ chúng tôi gồm: Võ Phi Vũ, Nguyễn Thị Vân Anh, Nguyễn Văn Luýt, Nguyễn Vũ Linh, Lưu Tường Bách, Trần Thanh Việt, là những chuyên gia giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh doanh và xuất thân từ gia đình nông dân nên rất thấu hiểu khách hàng. Dự án đã có các sản phẩm công nghệ: Hệ thống Multi site, Hệ thống Mobile app, Hệ thống ERP, Hệ thống thanh toán để triển khai giải pháp tại các tỉnh, thành.
Start-up sản xuất phân hữu cơ an toàn bằng chế phẩm sinh học
Phân hữu cơ Bavifa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường bởi phân bò tại Ba Vì, Hà Nội, đồng thời tạo ra nguồn phân bón và đất trồng giàu dinh dưỡng, thân thiện môi trường. Chế phẩm sinh học được áp dụng vào công thức ủ giúp đạt chất lượng cao và bền vững. Đồng sáng lập gồm chị Sầm Thị Kim Quý, Phạm Ngọc Anh và Trần Dạ Hương.
Dự án lấy cảm hứng từ vùng đất Ba Vì linh thiêng nhưng đang gặp vấn đề về ô nhiễm môi trường do 10 tấn phân bò thải ra mỗi ngày không được xử lý gây ô nhiễm nghiêm trọng và lãng phí tài nguyên. Thương hiệu đang được đăng ký bản quyền, thành phần của sản phẩm đã được kiểm nghiệm đạt chuẩn chất lượng và đang xin giấy phép lưu hành. Mô hình kinh doanh đang trong giai đoạn xây dựng.
Start-up Connector - Chatbot tư vấn tâm lý
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự đoán đến năm 2020 tại Việt Nam sẽ có khoảng 10% dân số có những khó khăn tâm lý. Theo khảo sát của dự án Plan International (11.2016) trên 31000 học sinh, 50% các em trong số này mong muốn có các hoạt động hỗ trợ tâm lý tại trường học.
Trước thực tế đó, Chatbot CONNECTOR là giải pháp kết nối nhu cầu hỗ trợ tâm lý của học sinh và các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý với các chức năng đánh giá - sàng lọc bằng các công cụ tâm lý chuẩn hoá, đưa ra các khuyến nghị cho các vấn đề tâm lý và các kiến thức khoa học về sức khoẻ tinh thần cho học sinh. Nhóm sáng lập của chúng tôi là những sinh viên đến từ rất nhiều trường Đại học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Với sức trẻ, sự tâm huyết và sáng tạo; chúng tôi mong muốn cải thiện chất lượng đời sống tinh thần và chung tay xây dựng trường học hạnh phúc cho học sinh Việt Nam.
Start-up biến rác thành tiền
Biến rác thành tiền cung cấp dịch vụ phát túi chuyên dụng cho phân loại rác và thu gom rác từ khách hàng (hộ gia đình, công ty, trường học...). Rác thải sẽ được dự án bán cho các nhà máy tái chế. Dự án đang trong giai đoạn tư vấn để xây mô hình hoạt động ở Việt Nam, cần đầu tư và kết nối trong nước .
Đội ngũ ba người sáng lập có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành buôn bán rác thải giữa các nước, có mong muốn đưa mô hình này về Việt Nam để góp phần cải thiện môi trường ở Việt Nam.
Start-up sáng chế công cụ học tập khoa học và chương trình học sáng tạo, GaraSTEM
Với mong muốn thay đổi cách dạy học truyền thống mang nặng tính lý thuyết và đào tạo một thế hệ các nhà sáng chế và khoa học, cùng với sự ủng hộ hiện nay của chính phủ về giáo dục STEM, dự án GaraSTEM ra đời. GaraSTEM đang cung cấp các chương trình học khoa học, công nghệ với các dụng cụ học tập do chính nhóm phát triển và sản xuất vào các trường tiểu học và trung học cơ sở.
Nhóm sáng lập gồm. anh Trương Võ Hữu Thiên - thạc sĩ khoa học máy tính tốt nhiệp ở Nhật, Anh Triệu Thừa Quang - nguyên giảng viên của Đại học Khoa học Tự nhiên và chuyên gia Arduino cho người đi làm và anh Phan Nguyễn Trúc Phương – sinh viên cao học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh.
GaraSTEM đã đạt giải cuộc thi Seedstars World và Creative Business Cup và đang trong giai đoạn phát triển kinh doanh.
Start-up Công nghệ mới về xử lý nước - Công nghệ MET
Trước thực trạng vùng nông thôn bị ô nhiễm nghiệm trọng nguồn nước bề mặt và nước ngầm, nhóm sáng lập bao gồm anh Vũ Tiến Anh, Trần Văn Trung, Phan Công Sơn đã mày mò tự nghiên cứu công nghệ lọc nước. Công ty công nghệ MET ra đời sản xuất thiết bị lọc nước giá rẻ từ vật liệu xây dựng tái chế.
Qua quá trình phát triển từ năm 2011, MET đã thành công trong việc phát triển hệ thống lọc nước sinh hoạt và hệ thống xử lý nước thải công nghiệp ,đưa sản phẩm đến nhiều tỉnh thành trên cả nước từ Bắc tới Nam. Công ty đang ở giai đoạn kinh doanh mở rộng.
Start-up Trung tâm Đào tạo Dinh dưỡng Cộng đồng Nutree Center
Béo phì, trẻ em suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai thiếu chất là vấn đề xã hội nhức nhối ảnh hưởng trực tiếp tầm vóc người Việt Nam. Trước thực trạng đó, Nutree Center được thành lập với sứ mệnh cải thiện sức khỏe, thể chất và vóc dáng của người Việt thông qua hoạt động tư vấn dinh dưỡng.
Xuất phát từ đam mê cá nhân và tầm nhìn cộng đồng, Nutree được xây dựng bởi các bạn trẻ nhiệt huyết với sự cộng tác của nhiều chuyên gia trong ngành. Dự án đã hoạt động được một năm và tổ chức các lớp học trực tiếp về dinh dưỡng. Dự án sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm đào tạo và tư vấn trong giai đoạn tiếp theo
Start-up Phân bón hữu cơ Tasa
Ung thư và các bệnh hiểm nghèo ở Việt Nam đang gia tăng từng giờ. Nguyên nhân chính là thực phẩm tồn dư quá nhiều hóa chất từ phân bón hóa học và không khí bị ô nhiễm bởi vấn nạn đốt rơm rạ tràn lan.
Tasa tạo ra một loại phân bón hữu cơ tinh khiết, giàu chất dinh dưỡng từ phân tằm và rơm rạ. Đặng Thị Hòa sáng lập Tasa khi nhiều người thân bị ung thư, và chứng kiến bệnh viện K quá tải. Sản phẩm đã bán ra thị trường và bắt đầu mở rộng quy mô.