2018 - Thời điểm phải cất cánh

22:12 | 03/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Những chia sẻ tâm huyết nhân dịp đầu xuân 2018 của GS.TSKH Vũ Minh Giang đều hướng về hy vọng: Năm 2018, Việt Nam bắt đầu chạy trên đường băng và cất cánh.

2018 - Thời điểm phải cất cánh - ảnh 1
  GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
 Giáo dục-tạo lòng tin, gia cố tổ chức

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội: Năm 2017, ngành giáo dục triển khai nhiều chương trình có tính chất cải cách.

"Khi triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, chúng ta mới thấy khó hơn mình nghĩ. Khó hơn trước hết vì trong thời gian dài phát triển giáo dục gần như bị mặc nhiên nghĩ là phải có chương trình thế này, trường lớp thế kia, mà quên cái cần thiết là đi theo cách tiếp cận nào".

GS.TSKH Vũ Minh Giang lấy đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc "chúng ta chưa thể hài lòng với những gì đã đạt được, mức GDP bình quân 2.385 USD/người cũng chưa có gì để vui mừng" để nhấn mạnh Việt Nam vẫn còn sử dụng lãng phí hai nguồn tài nguyên quý giá là nhân lực tài năng và cơ hội.

Giáo dục đại học mới chỉ dạy sinh viên nâng cao kiến thức và kỹ năng để ra tranh việc với người khác, chứ chưa dạy để các em tạo việc làm. Đó là điều khác biệt với các nước tiên tiến. Thị trường lao động, vì thế, đầy rất nhanh.

"Ai cũng chỉ muốn vào doanh nghiệp này, cơ quan nhà nước kia, làm thuê cho người nọ..., rất ít người nghĩ đến việc tạo ra việc làm cho người khác. Khởi nghiệp bị hạn chế, chỉ sống dựa dẫm vào Nhà nước, làm tiêu hao nguồn lực sẵn có, không tạo ra chuỗi giá trị mới".

Ông Giang nhận định: Người Việt hay sống về tương lai, khá lạc quan, nên với những điều đạt được thì dễ thỏa mãn, hài lòng. Đó là lý do chúng ta chưa có những bước phát triển đột phá.

Chính vì vậy, năm 2018, Việt Nam phải bắt đầu chạy trên đường băng và cất cánh. Thời kỳ san lấp để có đường băng tốt đã hoàn tất. Muốn máy bay cất cánh, phải gia cố để nó chịu được áp lực. Giáo dục và đào tạo cần những bước đổi mới có tính chất quyết định, không thể cứ loanh quanh những giải pháp kỹ thuật cụ thể, mà cần thay đổi căn bản triết lý giáo dục, cách tiếp cận giáo dục.

Học sinh tất cả các bậc học đang đứng trước thời kỳ cách mạng 4.0, với rất nhiều phương tiện để học. Các trường học cần có sự thay đổi phù hợp với thời đại 4.0. Cần dạy cho học sinh kỹ năng, cách học cả trong lớp và ngoài lớp. Chú trọng phản biện trái chiều. Điều quan trọng là phải dạy cho học sinh cách tìm ra điều cần tìm chứ không phải chỉ đặt ra câu hỏi tại sao học sinh chưa biết vấn đề đó.

Với ý nghĩa đó, sự thay đổi tư duy trong giáo dục là quan trọng nhất. Giáo dục không thể khoán trắng cho nhà trường, trong khi nhà trường dạy học sinh theo những công thức rất chung chung.

Cần chú trọng đến giáo dục ở gia đình và thay đổi cách suy nghĩ "dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em" theo kiểu "muốn gì cho nấy, đòi hỏi sao đáp ứng vậy". Nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam không để ý đến điều này, cứ mải miết cõng con trên lưng mà không biết rằng đang làm hại con mình.

Người lớn phải là một tấm gương để xây dựng nhân cách tốt đẹp của trẻ em. Từ đó, góp phần ngăn chặn hiện tượng suy thoái đạo đức, lối sống trong giới trẻ hiện nay.

Quyền lực được kiểm soát nếu lắng nghe tiếng dân

GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, một trong những dấu ấn đặc biệt trong năm 2017 là trong cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết xử lý một số trường hợp mà trước nay vẫn dè chừng cho là chỉ "tắm từ vai trở xuống", tức là chưa đụng đến những người có chức vụ cao, như có người từng ở vị trí Ủy viên Bộ Chính trị.

Điều này đã tạo lòng tin trong nhân dân, để người dân hiểu rằng tham nhũng có thể chống được nếu có đủ quyết tâm, nếu làm thật sự, có thể chế tốt.

Nhân dân vẫn đang theo dõi công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ được thực hiện tiếp theo thế nào, không chỉ những vụ đại án đã được nêu, mà còn những trường hợp khác nữa. Hiện tượng tham nhũng không chỉ tập trung ở vài người, mà còn ở những dự án này, dự án khác, cấp nào cũng có.

Các vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử mới là xử lý phần ngọn. Phần gốc, phần nền tảng "vì sao lại có tham nhũng" phải xử lý triệt để, chứ không phải cứ "đánh" ông này lại ra ông kia.

2018 - Thời điểm phải cất cánh - ảnh 2
Để triệt tiêu cái gốc tham nhũng, theo ông Giang, cần triệt bỏ nguồn gốc tham nhũng, ấy là kiểm soát quyền lực. Đúng như ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là "phải nhốt quyền lực trong cái lồng pháp luật".

Hệ thống pháp luật VN chưa đủ mạnh, chưa đủ chế tài để giám sát quyền lực. Do đó, bên cạnh các biện pháp có tính chất mạnh mẽ, quyết liệt như đang làm, cần phải tìm ra cơ chế để quyền lực được kiểm soát. Đây không phải việc dễ, cần giải pháp đồng bộ, từ cơ chế, pháp luật, tổ chức và cả giáo dục...

Quyền lực sẽ được kiểm soát nếu tiếng nói của người dân được lắng nghe, được trân trọng, người dân có quyền tham gia quá trình chính trị, tham gia các quyết sách lớn. Nếu để người dân được nói tiếng nói của mình thì họ biết hết "ông nào là ông nào".

Nếu cứ phớt lờ dư luận, đến khi bệnh trọng mới lôi ra xử, dù có tuyên mức án tử hình hay chung thân cũng đã mất tất cả tài sản, uy tín, con người. Còn nếu biết lo phòng bệnh từ sớm và hữu hiệu phải dựa vào dân.

Minh Hoa (theo Tuổi trẻ)