2020: Ngân hàng còn nhiều thách thức nhưng tỉ giá tiếp tục ổn định

12:50 | 30/12/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: Bước sang năm 2020, thách thức cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như những khó khăn nội tại...

2020: Ngân hàng còn nhiều thách thức nhưng tỉ giá tiếp tục ổn định - ảnh 1
Chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: Đức Tân/DNVN. 
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hệ thống ngân hàng Việt Nam bước vào năm 2020 trước nhiều thách thức, dưới tác động của tình hình thế giới và từ nội tại ngành ngân hàng Việt.

Theo đó, sự dai dẳng và khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tiếp tục tạo thách thức về hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Điều này tác động trực tiếp tới vấn đề tỷ giá của ngành ngân hàng cũng như hệ thống ngân hàng Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc tìm hướng đi chiến lược.

Xét về nội tại ngành ngân hàng, vấn đề xử lý nợ xấu vẫn rất chậm, không theo mong đợi, cho dù ghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mở hướng cách đây hơn 2 năm. Những quy định liên quan đến thủ tục chuyển nhượng, buôn bán, thanh lý bất động sản… vẫn chồng chéo, phức tạp. Đặc biệt, khi mà thị trường BĐS đang có chiều hướng suy giảm thì quá trình giải quyết tài sản thế chấp của ngân hàng sẽ khó khăn hơn.

2020: Ngân hàng còn nhiều thách thức nhưng tỉ giá tiếp tục ổn định - ảnh 2
Nguồn: Internet. 
Cùng với xử lý nợ xấu, nhiều ngân hàng sẽ gặp khó khi hướng tới việc hoàn thiện theo tiêu chuẩn Basel II – tiêu chuẩn mà NHNN đã quy định về tỷ lệ an toàn vốn và quy định về hệ thống kiểm soát hoạt động của Thống đốc, theo thông tư Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Bước sang năm 2020, theo chuyên gia Hiếu, sẽ còn khoảng 50% các ngân hàng phải hoàn thiện tiêu chuẩn Basel II. Tiêu chuẩn này là sự công nhận ngân hàng đã đáp ứng được những nguyên tắc quản trị rủi ro cao hơn, hoạt động an toàn, bền vững hơn và tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống ngân hàng trước mọi biến động của thị trường. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn này, các ngân hàng phải tính toán lại cơ cấu nguồn vốn, tăng mẫu số tỷ lệ an toàn vốn sao cho đạt được tỷ lệ an toàn vốn 8%. Áp lực tăng vốn chủ sở hữu của ngân hàng nhằm đáp ứng yêu cầu này là một thách thức không nhỏ, trong điều kiện gọi vốn của ngân hàng nhỏ và vừa đang gặp khó.

Đó là chưa kể tới thách thức đến từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Vấn đề bảo mật về hoạt động nghiệp vụ, tình hình tin tặc ngày càng diễn ra tinh vi hơn sẽ khiến hệ thống ngân hàng Việt rất dễ gặp phải rủi ro mới. Tuy nhiên, điều này không ngăn được xu hướng tích cực về sự ứng dụng phát triển công nghệ tài chính (fintech) của hệ thống ngân hàng Việt trong năm 2020. Nhiều ngân hàng hiện cũng đã phát triển riêng cho mình mảng thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển công nghệ bằng việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Đầu tư cho công nghệ thông tin hiện đại cũng như chiến lược hợp tác hợp lý sẽ giúp ngân hàng đương đầu với các thử thách trong năm 2020.

Đánh giá, dự báo về vấn đề tỉ giá, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỉ giá là điểm sáng nhất trong bức tranh hoạt động ngân hàng trong năm 2019. Tỉ giá của Việt Nam duy trì được sự ổn định trong biên độ hẹp trước biến động thị trường quốc tế. Có thể khẳng định NHNN đã thành công trong điều hành chính sách tỉ giá giữ ổn định giá trị VND.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khẳng định: Thông tư số 22/2019/TT của NHNN quy định các tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực đầu năm 2020 sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu vay vốn mua bất động sản của người có thu nhập thấp, cũng như các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước.