3 cách giúp bạn đối phó sếp tồi, “sống sót” trước áp lực vô hình từ những cảm xúc tiêu cực
Tạo ra một môi trường tâm lý thoải mái cho nhân sự là cách để mọi người làm việc hạnh phúc hơn, gắn bó hơn, có được sự tự tin, sáng tạo hơn trong công việc. Theo một báo cáo của Gallup năm 2017, năng suất cũng tăng lên tới 12% khi mọi người cảm thấy được đánh giá cao và có cảm hứng trong công việc.
Ngược lại, nếu những vị sếp khó tính, nóng nảy và thường trút sự phẫn nộ vào nhân viên của mình có thể dẫn đến sự lo lắng tràn lan và mức độ căng thẳng tăng cao trong nhóm của họ.
Cách mà bạn phản ứng với lãnh đạo mới là yếu tố quyết định đến tâm trạng và cảm xúc ngày làm việc.
Một môi trường làm việc có vấn đề thường khiến não chúng ta nảy sinh phản ứng bị đe dọa. Khi các nhà quản lý khó tính bắt đầu thường xuyên thể hiện một loạt các hành vi bốc đồng - chẳng hạn như tâm trạng thất thường, can thiệp quá sâu và thường xuyên chỉ trích - thì nhân viên có xu hướng lo lắng, hoang mang. Điều này ngăn cản tư duy phân tích, sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề.
Dưới đây là ba chiến lược để tạo cảm giác an toàn về tâm lý cho bản thân khi sếp của bạn là người thường xuyên để lại những cảm xúc tiêu cực như vậy.
1. Phù hợp với kỳ vọng
Người quản lý thiếu kỹ năng lãnh đạo thường không trình bày rõ ràng các mục tiêu, chỉ đưa ra những kết luận mơ hồ có thể khiến nhân viên không thể phát triển, gây ra hiểu lầm, chậm trễ, đem lại kết quả kém, làm trầm trọng thêm bầu không khí lo lắng.
Cách tốt nhất để nắm bắt một phần tâm lý của quản lý là phải xác định được những kỳ vọng của họ. Cách khắc phục nhanh nhất là chủ động tham gia và tìm hiểu kết quả chính xác mà người quản lý đang tìm kiếm, các mốc thời gian dự kiến để hoàn thành công việc và cách đo lường thành công.
Bạn có thể coi những khó khăn mà sếp gây ra là cơ hội để thử thách và rèn luyện bản thân.
Đặt câu hỏi cho cấp trên nếu cần để có được sự rõ ràng, càng cụ thể càng tốt. Trong quá trình giao tiếp, bạn cũng có thể chia sẻ hiểu biết của bạn về mục tiêu và kỳ vọng cuối cùng, đảm bảo bạn đang đi đúng hướng. Nếu có thể, hãy lấy thông tin này từ người quản lý bằng cả lời nói và văn bản để quy trách nhiệm theo cả hai hướng.
2. Tìm mục đích của bản thân
Thay vì lo lắng và cứ mải miết phỏng đoán tâm trạng của sếp, không biết bao giờ phải hứng chịu sự thất thường trong tâm lý của cấp trên thì bạn nên chú trọng tìm kiếm ý nghĩa trong công việc của chính mình nhiều hơn.
Từ việc nâng cao tâm trạng làm việc sẽ thúc đẩy chúng ta công tác chăm chỉ hơn. Việc tìm ra mục tiêu nghề nghiệp cũng giúp chúng ta nâng cao khả năng tự chống chọi với nghịch cảnh.
Hãy nghĩ xem công việc của bạn mang lại lợi ích cho ai và cuộc sống của bạn được cải thiện những gì nhờ việc bạn đang làm hàng ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể trò chuyện cùng cấp trên của mình về vấn đề này. Các nhà quản lý giỏi nhất thường có thể vạch ra cho bạn mục đích - lý do của nhiệm vụ đang thực hiện một cách vĩ mô và dễ hiểu, qua đó giúp bạn đi tìm động lực thúc đẩy hoàn thành công việc.
Bằng cách khai thác động lực này, các nghiên cứu khoa học thần kinh đã chỉ ra rằng nó sẽ mang lại cho chúng ta cảm giác ấm áp và yêu thương công việc của mình hơn. Do vậy, chúng ta có thể đối phó với những cảm xúc tiêu cực mà một người quản lý khó tính có thể tạo ra.
Cách đối phó sếp tồi là đi tìm mục tiêu của bản thân để tự tạo ra động lực cho mình.
Điều này có vẻ dễ dàng hơn đối với một số nghề đặc thù, chẳng hạn như nhân viên y tế và giáo viên, nhưng dù làm việc ở ngành nghề nào, chiến lược này cũng sẽ giúp bạn nhìn vào bức tranh toàn cảnh.
Ví dụ, một phi công thương mại không chỉ nhìn nhận công việc của mình là quá trình vận chuyển khối lượng hành khách từ điểm A đến điểm B, mà là quá trình gắn kết gia đình và những người thân yêu lại với nhau. Công việc của anh ta có thể là bước đầu tiên cho cuộc sống mới của một người, hoặc là phương tiện cung cấp nhiều nguồn lực cần thiết cho những ai đang thực sự có nhu cầu.
Trong bức tranh toàn cảnh, mỗi chúng ta đều đóng góp một phần dù là nhỏ nhất vào chuỗi cung ứng vô hình của mạng lưới nhân loại rộng lớn. Chúng ta chỉ cần đứng đủ xa để nhìn thấy nó.
3. Đầu tư vào sự xuất sắc của bạn
Khi chúng ta nhanh nhẹn thực hành, học hỏi và liên tục đầu tư phát triển chuyên môn của mình, một nền tảng tự tin vững chắc sẽ được tạo ra, là lá chắn phòng thủ về mặt tâm lý cho mỗi người trước những khó khăn trong môi trường làm việc. Dù có bị quản lý đối xử bất công hay không, chúng ta vẫn có thể tự bảo vệ mình và đối phó sếp tồi một cách khôn ngoan.
Khi đã có năng lực trong tay, bạn sẽ không ngại ngần đối phó sếp tồi.
Ví dụ điển hình cho tình huống này là cựu Giám đốc điều hành PepsiCo Indra Nooyi, khi còn làm cố vấn trẻ ở Boston vào những năm 1980, các đối tác nam tại công ty thậm chí không bao giờ nhìn vào mắt bà trong các cuộc họp.
Bất cứ khi nào bà đưa ra quan điểm, họ sẽ phản bác ngay và nhận xét nó là “điều sáo rỗng”. Đổi lại, nếu một đồng nghiệp nam khác đưa ra cùng một quan điểm thì sẽ được khen ngợi vì tính "thực tế" của nó.
Tuy nhiên, với sự chăm chỉ học hỏi và rèn luyện nền tảng năng lực xuất sắc, bà đã bắt đầu nhận được sự tôn trọng của họ. Trong một hội đồng lãnh đạo vào năm 2015 , Nooyi nói, "Trong thâm tâm, tôi biết tôi có thể làm điều này tốt hơn bất kỳ ai khác. Nếu mọi chuyện xảy ra vấn đề, tôi biết chắc rằng họ sẽ phải tìm đến và nhờ vả mình. Đó là vì tôi biết chắc chắn năng lực của mình ở vị trí nào và xứng đáng nhận được những gì.”
Xem thêm: Kỹ năng phỏng vấn xin việc ưu tú, bà Michelle Obama chinh phục nhà tuyển dụng nhanh chóng
Phương Thúy