32,1 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19: Đổi mới chất lượng để thích ứng

22:13 | 09/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đổi mới chất lượng lao động thích ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là thích ứng trước tác động tiêu cực của COVID-19 khiến 32,1 triệu lao động Việt Nam bị ảnh hưởng…
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu tình hình lao động việc làm quý IV/2020 và cả năm 2020 sáng 6/1 tại Hà Nội, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Quang Vinh cho biết, tình hình lao động, việc làm quý IV năm 2020 có nhiều chuyển biến tích cực, thu nhập của người làm công hưởng lương có xu hướng tăng so với các quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý IV mặc dù giảm so với quý III nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2011-2020.
 
Tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Theo đó, 69,2% người bị giảm thu nhập; 39,9% phải giảm giờ làm, nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng. Tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.
 
 
32,1 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19: Đổi mới chất lượng để thích ứng - ảnh 1
Năm 2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 
 
Bà Valentina Baccuci, Phó Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế tại Việt Nam cho biết, tình trạng suy thoái kinh tế đã làm giảm sút việc làm. Thiên tai, dịch bệnh đã góp phần làm tồi tệ thêm về vấn đề việc làm. Đối với những người có việc làm ở quý IV, chất lượng việc làm thấp hơn ở cuối năm trước. Nhìn chung, việc làm ngoài khu vực nông nghiệp có tăng lên.
 
Tuy nhiên, có rất nhiều lý do để chúng ta lạc quan về vấn đề việc làm, nền kinh tế đã có những hồi phục, việc làm đã tăng lên. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng và dịch vụ đã có những khả quan, doanh nghiệp đánh giá những tín hiệu tích cực.
 
“ Điều tra về vấn đề việc làm có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành và đưa ra các giải pháp cho nền kinh tế trong giai đoạn tới đây, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp như hiện nay.”, bà Valentina Baccuci nhấn mạnh.
 
Bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống cho biết, tính chung năm 2020, số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi là gần 1,2 triệu người, tăng 277,8 nghìn người so với năm 2019. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 2,51%; trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,68%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,93%.
 
Hơn một nửa số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động năm 2020 đang làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 53,7%, giảm 15,6 điểm phần trăm so với năm trước. Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,2%, tăng 10,7 điểm phần trăm. Khu vực dịch vụ chiếm 26,1%, tăng 4,9 điểm phần trăm. Như vậy, tình trạng thiếu việc làm hiện nay không chỉ tập trung ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mà đang tăng lên ở cả khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
 
Thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV/2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212 nghìn đồng so với quý trước và giảm 108 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
 
Năm 2020, thu nhập bình quân tháng đạt 5,5 triệu đồng, giảm 128 nghìn đồng so với năm trước. Thu nhập bình quân tháng người lao động của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần, tương ứng 6,4 triệu đồng và 4,5 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn của lao động nông thôn 1,5 lần, tương ứng là 7 triệu đồng và 4,7 triệu đồng.
 
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt 6,6 triệu đồng, giảm gần 100 nghìn đồng so với năm trước. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,1 lần, tương ứng 6,9 triệu đồng và 6,2 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn lao động nông thôn 1,2 lần, tương ứng là 7,4 triệu đồng và 6 triệu đồng.
 
Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị quý IV/2020 mặc dù giảm so với quý III nhưng vẫn ở mức cao nhất so với cùng kỳ trong 10 năm trở lại đây.
 
Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2020 là gần 1,2 triệu người, giảm 60,1 nghìn người so với quý trước và tăng 136,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2020 là 2,37%, giảm 0,13 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,33 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
 
“ Đại dịch COVID-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị quý IV/2020 cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua.”, bà Vũ Thị Thu Thủy cho biết.
 

Gỡ 3 "nút thắt" về việc làm

 
Gỡ 3 "nút thắt" về việc làm trong năm 2021 do tác động của COVID-19 là giải pháp mà Tờ Lao động đã đưa ra, đặc biệt là thông qua giải pháp đổi mới chất lượng lao động thích ứng với yêu cầu tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đào tạo lại lao động.
 
 
32,1 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19: Đổi mới chất lượng để thích ứng - ảnh 2
Các nút thắt về việc làm của người lao động cần được tháo gỡ
 
Theo đó, cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.
 
Tích cực triển khai các gói hỗ trợ đặc thù, đa dạng hóa các hình thức trợ cấp, mở rộng các chương trình đào tạo hướng nghiệp phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là lao động nữ, lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động phi chính thức nhằm ổn định an sinh xã hội, tạo động lực cho người lao động làm việc, góp sức vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.
 
Thị trường lao động Việt Nam có khoảng 75% lao động không được đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Đây là hạn chế lớn của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch vẫn đang lan rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Chất lượng nguồn lao động chưa cao sẽ là rào cản ngăn cách cơ hội thích ứng và bắt kịp với các xu hướng công nghệ mới, các phương thức kinh doanh mới của thế giới.
 
Vì vậy, trong thời gian tới, Việt Nam cần tích cực đổi mới, triển khai các chính sách đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với yêu cầu tăng trưởng và phát triển kinh tế.
 
Bàn riêng về giải pháp tăng chất lượng nguồn nhân lực lao động nông thôn, tờ Tuổi trẻ dẫn lời của TS. Đỗ Năng Khánh - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số cho lao động nông thôn cần được chú trọng đặc biệt.
 
Ông Khánh cho biết, việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng số cho lao động nông thôn hiện nay Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng đề án "Chuyển đổi số, đào tạo nhân lực công nghệ thông tin và dạy học trực tuyến trong giáo dục nghề nghiệp" và đề án "Phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong cho lực lượng lao động".
 
Dự kiến sẽ trình Chính phủ và triển khai từ năm 2021, phù hợp với lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.
 
Minh Hoa