6 trường hợp áp dụng 'can thiệp sớm' tại các ngân hàng yếu kém

Huyền Phương 16:24 | 05/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng can thiệp sớm phù hợp, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn tại các TCTD, tránh dẫn đến tình trạng gây trục lợi.

6 trường hợp áp dụng "can thiệp sớm"

Theo dự thảo luật các tổ chức tín dụng (TCTD) đang được trình Quốc hội kỳ này, có 6 trường hợp sẽ được áp dụng việc can thiệp sớm.

Thứ nhất, không duy trì được tỉ lệ khả năng chi trả như quy định tại luật này trong thời gian 3 tháng liên tục;

Thứ hai, không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn quy định tại luật này trong thời gian 6 tháng liên tục;

Thứ ba, số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 20% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Thứ tư, xếp hạng dưới mức trung bình trở xuống theo quy định của NHNN;

Thứ năm, có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN;

Thứ sáu, bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của NHNN.

Ủy ban Kinh tế cho rằng việc can thiệp sớm theo quy định của dự thảo Luật thực chất là xử lý TCTD đã lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ của từng TCTD, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp như khuyến nghị, cảnh báo, giám sát tăng cường, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

Không lạm dụng các biện pháp can thiệp sớm

Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với nội dung một số biện pháp can thiệp sớm mà NHNN áp dụng, tuy nhiên đề nghị tùy theo thực trạng, mức độ rủi ro của tình trạng cần can thiệp sớm mà áp dụng các biện pháp từ hạn chế đến không cho phép hoặc đình chỉ/tạm đình chỉ...

Đồng thời, không phân tách thành hai khoản như dự thảo Luật, khi hiện chỉ có trường hợp quy định tại khoản 2 (khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán) thì mới áp dụng các biện pháp mạnh hơn.

Bên cạnh đó, UBKT đề nghị bổ sung thêm biện pháp hạn chế hoặc không cho phép TCTD thực hiện các khoản đầu tư; cụ thể hóa thêm các biện pháp hạn chế hoặc yêu cầu đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tránh quy định về các biện pháp “hạn chế cần thiết khác” hoặc “yêu cầu cần thiết khác” để bảo đảm minh bạch, tránh tình trạng lạm dụng quy định.

Đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đề nghị cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của cổ đông lớn/thành viên góp vốn, trách nhiệm của chủ sở hữu trong việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị của TCTD gắn với thời gian, lộ trình cụ thể, nhất là yêu cầu về tăng vốn điều lệ/vốn được cấp.

Dự thảo Luật cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho TCTD cho vay đặc biệt.

Cần tăng trách nhiệm của cổ đông, thành viên góp vốn để tránh trục lợi

Dự thảo quy định 4 loại phương án áp dụng đối với TCTD được can thiệp sớm, gồm: (1) Phương án khắc phục; (2) Phương án hỗ trợ trước kiểm soát đặc biệt; (3) Phương án sáp nhập, hợp nhất; (4) Phương án giải thể TCTD. Đối với mỗi phương án, dự thảo Luật đưa ra các hình thức hỗ trợ khác nhau cả với TCTD được can thiệp sớm và TCTD hỗ trợ.

Theo Ủy ban Kinh tế, các phương án nêu trên chủ yếu là các biện pháp xử lý TCTD bị kiểm soát đặc biệt theo Luật hiện hành, chưa phản ánh đúng bản chất của việc “can thiệp sớm” cũng như chưa quy định thời hạn cụ thể để khắc phục sớm tình trạng can thiệp sớm.

Bên cạnh đó, các biện pháp xử lý chưa cho thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn, dẫn đến dễ gây trục lợi, làm tăng thêm ảnh hưởng hệ lụy đến kinh tế vĩ mô vì theo quy định tại dự thảo Luật đang phải sử dụng thêm nguồn lực của Nhà nước quá lớn không chỉ đối với các TCTD được kiểm soát đặc biệt mà còn đối với các TCTD được can thiệp sớm, TCTD hỗ trợ TCTD được can thiệp sớm.

Mặc khác, theo quy định hiện hành thì một số TCTD yếu kém hiện nay đã đủ điều kiện đặt vào kiểm soát đặc biệt, nếu áp dụng theo quy định tại dự thảo Luật này thì sẽ không được kiểm soát đặc biệt mà chỉ được can thiệp sớm, có thể gây rủi ro lớn hơn cho an toàn của hệ thống TCTD.

Một số ý kiến cho rằng thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục can thiệp sớm theo quy định của dự thảo Luật là khá dài, kinh nghiệm xử lý các ngân hàng yếu kém của các nước trong thời gian qua cho thấy các quyết định xử lý phải được đưa ra và thực hiện nhanh chóng; các biện pháp xử lý chưa thực sự phù hợp, thậm chí dàn trải và có thể không giải quyết kịp thời được tình hình khi không có thời hạn cụ thể.

Từ các vấn đề trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị cần rà soát lại toàn bộ các quy định tại Chương về can thiệp sớm theo hướng hạn chế tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc phải có điều kiện rất cụ thể, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ vay tiền từ NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, TCTD với lãi suất 0% và việc cho vay đặc biệt không có TSBĐ; cân nhắc không sử dụng nguồn cho vay đặc biệt từ Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và TCTD;

Đối với các trường hợp cảnh báo sớm, cần rà soát, luật hóa những trường hợp thực hiện giám sát tăng cường mà đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tiễn để thể hiện đúng bản chất của việc can thiệp sớm”, không chuyển các biện pháp xử lý trong trường hợp kiểm soát đặc biệt thành trường hợp can thiệp sớm.

Thứ hai, tăng trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn, người quản lý, giám sát TCTD để xảy ra tình trạng TCTD yếu kém, đồng thời quy định chế tài đủ mạnh mẽ, quyết liệt đối với các đối tượng nêu trên để tăng cường hiệu quả thực thi chính sách, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc, quy định về xử lý tổn thất, thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Lao động.

Thứ ba, phân định, quy định phù hợp biện pháp xử lý TCTD bị rút tiền hàng loạt.

Thứ tư, làm rõ các biện pháp áp dụng đối với TCTD và đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài bảo đảm phù hợp.

Thứ năm, làm rõ trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát của NHNN đối với việc triển khai các phương án.

Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát, quy định các trường hợp cần áp dụng can thiệp sớm phù hợp hơn, theo hướng luật hóa những trường hợp thực hiện giám sát tăng cường mà đã được thực hiện ổn định, có hiệu quả trong thực tiễn để thể hiện đúng bản chất của việc can thiệp sớm”, không chuyển các trường hợp kiểm soát đặc biệt thành trường hợp can thiệp sớm.  

Một số ý kiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của TCTD cũng như cơ quan quản lý nhà nước khi để xảy ra các trường hợp như trên mà chưa có các biện pháp xử lý kịp thời ngay từ ban đầu.