6 vấn đề cần tháo gỡ trong bức tranh kinh tế của ĐBSCL

16:07 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI chi nhánh tại TP. Cần Thơ cho biết có rất nhiều vấn đề tại ĐBCSL cần tháo gỡ và đưa ra những giải pháp mới trong thời gian tới để DN phục hồi và duy trì phát triển.

Doanh nghiệp ĐBSCL đang kiệt sức

Sáng 31/8, phát biểu tại buổi “Đối thoại doanh nghiệp mang tên Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn COVID-19”, ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh tại TP. Cần Thơ cho biết: Trong đợt dịch diễn ra từ năm 2020 lần đầu tiên bùng phát mặc dù có hơi ngỡ ngàng nhưng trong giai đoạn đó chúng ta chống dịch khá tốt (dịch ít bị lây lan, khống chế được dịch trong thời gian ngắn) mặc dù qua các đợt dịch thứ 2, thứ 3 nhưng chúng ta có kinh nghiệm và khống chế tốt hơn… Những ảnh hưởng đó hầu như đến từ khủng hoảng các nguồn cung ứng ở các quốc gia cung ứng nguyên liệu trên thế giới như chúng ta đang phụ thuộc trong ngành chế biến chế tạo thì những nguồn nhập khẩu từ các quốc gia khác và đặc biệt từ Trung Quốc.

Tuy nhiên đến đợt dịch lần thứ tư hiện nay thì khủng hoảng diễn ra trên toàn miền Nam. Khu vực miền Nam đặc biệt khu vực miền Đông Nam Bộ, TP. HCM trung tâm và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)… nơi ảnh hưởng nặng nề về sản xuất chế biến, trong khi đó sản xuất chế biến là những mặt hàng quan trọng trong việc chế biến, chế tạo lương thực thực phẩm cũng như cung ứng trong chuỗi chế biến.

Ông Nguyễn Phương Lam nói rằng, hình hình dịch bệnh hiện nay tại khu vực phía Nam và 19 tỉnh thành đã tê liệt hoàn toàn. Đây là một khủng hoảng kinh tế nặng nề nhất trong lịch sử tại Việt Nam, nền kinh tế chúng ta chưa bao giờ gặp cuộc khủng hoảng lớn như vậy.

Từ cuối tháng 4/2021 khi dịch bùng phát ở TP.HCM, thì trong vòng 2 tháng toàn bộ khu vực miền Tây toàn bộ 13 tỉnh, TP đã bị nhiễm bệnh. Tính đến nay tổng số ca nhiễm tại ĐBCSL là trên 60 nghìn ca nhiễm. Mặc dù con số 60 nghìn ca nhiễm không lớn như TP. HCM nhưng lại nằm rải rác ở 13 tỉnh, ở các TP, các huyện… làm ảnh hưởng, tê liệt tới các hoạt động khác. Đặc biệt khi hiện nay Chính phủ đang áp dụng Chỉ thị 16, 16+ nghiêm ngặt hơn thì toàn bộ 13 tỉnh ĐBSCL nằm trong số 19 tỉnh phía Nam đóng băng trong việc sản xuất.

Đồng thời, ảnh hưởng tại ĐBSCL khác với ảnh hưởng của những khu vực khác. Nếu như ngành chế biến chế tạo nguyên vật liệu có thể lưu trữ được, có thể chờ đợi được nhưng tại ĐBSCL khó hơn do các ngành chủ lực của ĐBSCL là chế biến nông thuỷ sản. Ngành chế biến nông thuỷ sản như: tôm, cá, rau, củ, quả… không thể không thu hoạch, mà không thu hoạch được thì đó là tổn thất lớn cho nông dân.

Thứ hai, nếu có thu hoạch được trong giai đoạn này thì không có nơi bảo quản nông sản. Trong khi điều kiện bảo quản khác hoàn toàn với các ngành chế biến khác. Bảo quản nông thuỷ sản phải có kho lạnh, phải có điều kiện bảo quản nhất định và thời hạn bảo quản cũng có thời gian… nếu việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nhiên liệu. Chính vì vậy sẽ ảnh hưởng đến các nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và đó là đặc biểm của ĐBSCL mà các doanh nghiệp đang gặp phải.

Phát biểu tại buổi đối thoại, ông Lam cũng đặt ra câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu trong một thời gian nữa các nguồn nguyên liệu không còn? Nếu sau thời gian giãn cách các lĩnh vực, ngành nghề khác có nguyên vật liệu có thể nhập khẩu, chế biến chế tạo được thì nông sản thuỷ sản làm thế nào trong thời gian ngắn có được? Bởi điều này hiện nay khiến các hộ nông dân, HTX, trang trại hầu như đóng băng và không tái sản xuất. Điều đó có thể sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng về lương thực, khủng hoảng về sản xuất, khủng hoảng về nông thuỷ sản. Hàng loạt từ người nông dân đến các trung gian thu mua đến các doanh nghiệp sẽ bị tê liệt trong một thời gian và ảnh hưởng này sẽ kéo dài sau đại dịch rất nhiều so với những ngành, lĩnh vực sản xuất chế biến khác. 

Ông Lam cũng cho hay, những ghi nhận ban đầu cho thấy chỉ trong 3 tháng (tháng 6- cuối tháng 8/2021) thì ĐBSCL đã có gần 10 ngàn doanh nghiệp đóng cửa, rời khỏi thị trường. Trong khi con số này, theo thống kê 6 tháng đầu năm thì chỉ khoảng 6 ngàn doanh nghiệp đóng cửa nhưng trong 3 tháng gần đây con số đã thay đổi rất lớn. Còn các doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động thì chiếm khoảng 90%... Điều này cho thấy thiệt hại rất lớn trong thời gian tới.

Về doanh thu khảo sát trong quý II/2021, hầu như các doanh nghiệp cũng giảm sút từ 40-50% và chỉ có một nửa doanh nghiệp đáp ứng được kế hoạch sản xuất kinh doanh 50% công suất. 

Kết thúc buổi đối thoại, ông Lam đưa ra những vấn đề hiện tại của ĐBSCL đang gặp phải như sau:

Thứ nhất, bất cập trong việc phối hợp giữa các địa phương với nhau. Thời gian qua, có rất nhiều những quy định, chính sách, rào cản tại từng địa phương chồng chéo lẫn nhau. Khó khăn của ĐBSCL khác với TPHCM đó là 13 tỉnh có 13 chỉ đạo khác nhau, 13 chính sách khác nhau, 13 quy định khác nhau. Trong khi đó quá trình sản xuất đòi hỏi phải lưu thông từ cánh đồng, đến nhà máy rồi ra tới thị trường… thì không chỉ nằm ở một địa phương. 

Thứ hai, các doanh nghiệp đều có những than phiền lẽ ra trong quá trình hạn chế sản xuất phải ưu tiên cho ngành sản xuất và vacxin thì cần phải ưu tiên cho người lao động. Một số địa phương làm rất tốt điều nay nhưng cũng còn nhiều địa phương chưa chủ động dẫn tới việc doanh  nghiệp muốn sản xuất cũng không có nhân lực để thực hiện. 

Thứ ba, hiện nay mô hình 3 tại chỗ hoặc hai cung đường một điểm đến, các doanh nghiệp đều đánh giá không khả thi trong thời gian dài hay trong thời gian sắp tới vì sẽ tạo ra sự hao tổn và không an toàn cho doanh nghiệp.

Thứ tư, những chính sách nhà nước chưa ban hành kịp thời, trong đó có chính sách về tài chính, ngân hàng. Hiện nay doanh nghiệp đã đề nghị rất nhiều ở VCCI hay các hiệp hội khác… Tuy nhiên NHNN cũng vừa mới dự thảo sửa đổi Thông tư 01 nhưng chưa ban hành, đến nay doanh nghiệp vẫn đang còn nhiều băn khoăn. Nhiều doanh nghiệp đang đóng cửa những vẫn lo lắng nếu không có sự hỗ trợ nào thì khả năng phá sản sẽ trong tầm tay.

Thứ năm, những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động hiện nay cũng có bất cập. Chính sách, quy định có nhưng khi xuống các địa phương thì quá trình hướng dẫn, triển khai chưa đồng nhất dẫn đến khó khăn cho xã hội, đối với người lao động, đối với doanh nghiệp…

Thứ sáu, về giao thông logistics chưa đánh giá được sự ưu tiên để tạo sự thông suốt trong quá trình vận chuyển và phát triển kinh tế.

“Chúng ta cũng thấy sự nỗ lực của Chính phủ và cả hệ thống chính trị trong thời gian vừa qua, kết quả được xem là rất tốt. Chúng ta kỳ vọng dịch bệnh sẽ kiểm soát được và nền kinh tế  sẽ trở lại hoạt động”, ông Nguyễn Phương Lam nhận định

Phục hồi nền kinh tế với hai công cụ chính: Phủ kín vacxin – biện pháp 5K

Ngoài ra, phát biểu tại buổi đối thoại ông Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết thêm: Hiện nay cả nước và Chính phủ đang tập trung chống dịch, hướng tới mục tiêu kiểm soát được đại dịch, nhanh chóng đưa nền kinh tế Việt Nam vào giai đoạn bình thường mới, phục hồi công đoạn thanh trừng.

Với Nghị quyết 30 của Quốc hội ngày 28/7/2021 và Nghị quyết 56 ngày 6/8/2021 đưa ra mục tiêu cụ thể, thể hiện một sự quyết tâm chính trị rất cao của Bộ chính trị và Trung ương Đảng để vượt qua đại dịch và hạn chế tối đa tình trạng gãy đứt của chuỗi cung ứng, tạo điều kiện phục hồi kinh tế trong giai đoạn bình thường mới. 

Vấn đề tập trung chống dịch, giãn cách xã hội có nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp cao nhất như TP. HCM, một số tỉnh miền Đông Nam Bộ… và những quyết tâm này không mục đích gì khác là làm sao chúng ta sớm kiểm soát được đại dịch COVID-19 để đưa nền kinh tế, đời sống kinh tế xã hội trở lại thời kỳ mà chúng ta đã đạt được vào năm 2020. Có nghĩa là chúng ta có thể phục hồi nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới với hai công cụ chính: phủ kín vacxin và sử dụng biện pháp 5K để chúng ta sống trong giai đoạn có dịch nhưng đã vượt qua giai đoạn đại dịch. 

Bên cạnh đó, ông Lịch cho rằng, ngay trong lúc này chúng ta nên lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp bám trụ để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi đi lên. Bởi doanh nghiệp đang quá khó khăn về kinh tế, tài chính, thị trường nhưng lại thêm cả rắc rối về pháp lý nữa sẽ khiến doanh nghiệp càng khó khăn hơn.

Đồng thời, bên cạnh tìm hiểu những chính sách hiện hành để có những kiến nghị thiết thực giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ĐBSCL phát triển, giữ nền kinh tế không gãy đổ thì cũng nên đề cập đến mối quan hệ giữa các doanh nghiệp TP. HCM với các doanh nghiệp Đông Nam Bộ, ĐBSCL. Ba địa bàn nằm trong chuỗi cung ứng chung thì những vấn đề cần tháo gỡ để tiếp tục kết nối, giữ cho mạch máu kinh tế phát triển… là những vấn đề cần tập trung trao đổi và tìm ra giải pháp kịp thời.

Hoa Trần

Xem thêm: Xuất khẩu thủy sản bị ảnh hưởng ra sao khi dịch COVID-19 còn phức tạp?