669 dòng thuế nhập khẩu về 0%: Doanh nghiệp lo, người tiêu dùng hưởng lợi
Tuy nhiên, phải đến năm 2024, Việt Nam mới có thể gỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với những mặt hàng cuối cùng. Theo đó, năm 2024 chúng ta sẽ xóa bỏ thuế suất nhập khẩu đối với 16 dòng thuế xăng dầu còn lại, khi đó mức độ tự do hóa của Việt Nam trong ASEAN lên đến 98,5%.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ đàm phán về lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với 31 dòng thuế thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá. Ngoài chuyện thuế quan, chúng ta cũng xóa bỏ hàng rào phi thuế quan gồm: cấp phép nhập khẩu tự động; hạn ngạch thuế quan; giấy phép…; các biện pháp minh bạch hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu thương mại; hệ thống hỗ trợ xử lý các vấn đề đầu tư phục vụ cho thương mại…
Thách thức lớn với DN
ASEAN được xem là khu vực phát triển năng động nhất thế giới, và là 1 trong 4 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việc giảm thuế sẽ tạo thuận lợi cho Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang các nước ASEAN. DN trong nước sẽ phải cạnh tranh liên tục với các DN các nước vì sản phẩm thế mạnh từ các nước đang tiếp tục vào thị trường Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam cũng đang được các nước cho hưởng nhiều ưu đãi, việc mở rộng xuất khẩu rất thuận lợi. Việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu đã đem đến nhiều cơ hội cho các DN trong nước nhập khẩu nguồn nguyên liệu phong phú với giá rẻ hơn, nguồn thiết bị máy móc chất lượng tốt hơn sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, thời điểm gỡ bỏ hàng rào thuế quan cũng chính là lúc tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các DN và hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, các DN trong nước cần có phương án để cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm.
Những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng bao gồm: ô tô, xe máy; phụ tùng, linh kiện ô tô xe máy; thực phẩm; hoa quả nhiệt đới; tủ lạnh; điều hòa; sữa và các sản phẩm từ sữa...
Về mặt hàng hoa quả nhiệt đới, gần đây hoa quả của Thái Lan nhập vào thị trường Việt Nam rất nhiều, giá cả lại không quá đắt đỏ như hoa quả nhập khẩu từ Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản… khi thuế mặt hàng này về 0% thì chắc chắn giá sẽ giảm và lượng hàng nhập khẩu sẽ càng gia tăng. Người tiêu dùng sẽ có xu hướng càng ưu tiên mua hàng ngoại. Hàng nông sản, hoa quả Việt sẽ gặp khó khăn trong trong vài năm tới. Điều này sẽ tạo nên áp lực cho các DN, người nông dân sẽ phải cải tiến, thay đổi về giống, chất lượng cây trồng. Đồng thời khâu đóng gói, bảo quản để hoa quả đến tay người dùng đảm bảo về chất lượng cũng cần được đầu tư hơn, để trái cây Việt vẫn có chỗ đứng ngay trên sân nhà.
Về mặt hàng dầu thực vật, Việt Nam không có lợi thế về nguồn nguyên liệu thô để làm ra dầu ăn. Trong khi đó, các nước như Indonesia, Thái Lan, Malaysia và cả Singapore đều có thể tự chủ được nguồn nguyên liệu nên sẽ tiết kiệm được chi phí hơn rất nhiều so với sản phẩm của Việt Nam. Một điểm bất lợi nữa đối với DN Việt đó là trước đây thường nhập khẩu dầu thô hoặc hạt nguyên liệu từ các nước ngoài khối ASEAN như Braxin, Argentina... nhưng đến năm 2018 nếu nhập từ các nước ngoài khu vực ASEAN thì sản phẩm sẽ không đáp ứng tiêu chí nguồn gốc xuất xứ, và sẽ không được hưởng thuế ưu đãi nếu xuất khẩu sang thị trường ASEAN. Điều này sẽ khiến mặt hàng dầu ăn sẽ khó có thể tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do trong khu vực ASEAN”.
Đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa, vấn đề đặt ra là liệu các nhà sản xuất sữa trong nước có cạnh tranh được với các mặt hàng sữa nhập khẩu từ ASEAN hay không? Nhìn sang thị trường ASEAN có thể thấy, các nước trong khu vực không có thế mạnh về sữa như Việt Nam bởi điều kiện khí hậu của Việt Nam lý tưởng hơn cho việc chăn nuôi bò sữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các quốc gia trong khu vực không có sữa để bán cho Việt Nam. Thay vào đó, họ hoàn toàn có thể nhập khẩu sữa nguyên liệu từ Australia hay New Zealand và đảm bảo tỷ lệ 40% theo quy tắc xuất xứ giữa các nước ASEAN để được hưởng thuế 0%.
Ngoài câu chuyện về thuế, còn chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh, vấn đề quy mô sản xuất như thế nào sẽ đặt ra đối với mặt hàng sữa. Đó là những vấn đề các DN trong nước cần quan tâm để có thể hạ giá thành sản phẩm. Tín hiệu đáng mừng là sản phẩm sữa của Việt Nam cũng đã bắt đầu thâm nhập thị trường ASEAN. TH True Milk đã bán sữa thành phẩm trong các siêu thị của Philipines, điều này cũng tạo cho DN sự tự tin là họ không chỉ ở thế phòng thủ để chống chọi lại sự tấn công từ bên ngoài, mà họ còn chủ động thâm nhập vào thị trường trong khu vực.
Với mặt hàng đường, theo ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) Group, để cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ từ năm 2018, các DN phải tập trung đầu tư cho công nghệ, hiện đại hóa quá trình sản xuất để giảm nhân công, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm. “Chọn hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng lực cạnh tranh là việc các DN mía đường cần làm”, Chủ tịch TTC Group nhấn mạnh. Trong khi đó, Vinamilk cũng tham gia kinh doanh mía đường khi quyết định đầu tư sở hữu 65% cổ phần của Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, và ra mắt Công ty Cổ phần Đường Việt Nam (Vietsugar).
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt, hàng hoá của các nước phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) được Bộ Công Thương quy định. Theo đó, hàng nghìn mặt hàng có xuất xứ từ các nước thuộc ACFTA sẽ được áp dụng mức thuế 0% khi xuất khẩu vào Việt Nam và ngược lại.
Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), việc đàm phán về thuế quan luôn phải song hành với nguyên tắc xuất xứ. Nếu không đáp ứng được nguyên tắc nguồn gốc xuất xứ thì không có cách nào hàng hóa có thể được hưởng thuế quan 0%.
Người tiêu dùng và nhà nhập khẩu hưởng lợi
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, việc giảm thuế theo cam kết hội nhập sẽ rất có lợi cho DN nhập khẩu. Bởi khi thuế nhập khẩu cắt giảm và về 0% sẽ giúp cho các DN nhập khẩu giảm được chi phí, tiền thuế nhập khẩu không phải nộp mà được sử dụng để đầu tư, kinh doanh… từ đó tăng sức cạnh tranh cho DN.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, khi thuế nhập khẩu hàng hóa giữa các nước ASEAN gần như bị xóa bỏ hết thì chắc chắn làn sóng hàng ngoại ồ ạt vào thị trường trong nước là điều tất yếu. Khi thuế về 0%, người dân sẽ được hưởng lợi vì được mua hàng giá rẻ, có thêm cơ hội lựa chọn hàng hóa.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ký kết và hoàn tất đàm phán 16 Hiệp định Thương mại tự do. Trong đó có 12 Hiệp định đã ký kết và 4 Hiệp định đang đàm phán. Hiệp định thương mại tự do ASEAN–Hong Kong, Trung Quốc là Hiệp định mới nhất trong tổng số 16 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.
Các thỏa thuận này cũng hướng các quốc gia tới sự chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa, quốc gia nào có thế mạnh ở lĩnh vực nào thì tập trung sản xuất trong lĩnh vực đó. Lĩnh vực nào không mạnh thì có thể thu hẹp dần hoặc chuyển sang lĩnh vực khác. Do vậy, sự chủ động của DN và người dân trong hội nhập sẽ giúp cho họ không phải đối mặt với cái được gọi là mặt trái của hội nhập.
"Nhìn về góc độ vĩ mô, nhà nước sẽ thất thu thuế, đặc biệt là các mặt hàng có mức thuế suất cao như ô tô, xe máy, xăng dầu... người lao động có thể mất việc làm khi DN sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu", ông Nam cho biết.
Minh Hoa (theo Diễn đàn DN)