Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) để được coi là "kỳ lân" phải được định giá vốn hóa từ 1 tỷ USD trở lên. Việt Nam từng trải qua một giai đoạn khan hiếm kỳ lân. Sau khi VNG đạt giá trị 1 tỷ USD, phải đến 5 năm sau mới xuất hiện kỳ lân công nghệ thứ 2 là VNLife. Sau đó, Việt Nam có thêm 3 kỳ lân nữa trong 3 năm từ 2019 đến 2021.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 4 kỳ lân công nghệ gồm VNG, Sky Mavis, VNLife và M_Service (MoMo)

Mới đây, Forbes Vietnam vừa điểm lại các kỳ lân của Việt Nam cũng như các startup đang cận kề trạng thái kỳ lân, các startup triển vọng trở thành kỳ lân với mô hình kinh doanh độc đáo hoặc lợi thế cạnh tranh, có khả năng tiến xa.

Theo Forbes, nếu các thế hệ công ty khởi nghiệp đầu tiên của Việt Nam (2000-2006) tập trung trong lĩnh vực phân phối game, thương mại điện tử, thanh toán, truyền thông số với những cái tên tiêu biểu như VNG, Vatgia, Peacesoft, VCCorp, 24H thì giai đoạn thứ hai (2007-2014) với sự xuất hiện của Tiki, Foody, Batdongsan.com.vn, Amanotes có xu hướng tập trung vào việc củng cố hoạt động kinh doanh theo chiều dọc để tạo thành hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm chính ban đầu. Thế hệ kế tiếp, từ năm 2015 tới nay bùng nổ cả về số lượng lẫn loại hình với điểm chung tập trung vào xây dựng nền tảng công nghệ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh.

Hiện các startup được đánh giá là triển vọng nhất đều thuộc những lĩnh vực có dư địa tăng trưởng mạnh trong 2-3 năm tới như thương mại điện tử, fintech/blockchain, logistic, game…

Dưới đây là 7 doanh nghiệp được Forbes điểm danh là những startup triển vọng có thể vươn mình trở thành những kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

Năm 2010, khi nhà sáng lập Tiki Trần Ngọc Thái Sơn 30 tuổi, anh nhận thấy nhu cầu lớn trong việc mua và đọc sách của người tiêu dùng, đặc biệt là sách ngoại ngữ. Mong muốn có một công cụ để mọi người có thể mua sách dễ dàng hơn, với 5.000 USD tiền tiết kiệm, Trần Ngọc Thái Sơn đã lập ra trang thương mại điện tử Tiki. Tiki, viết tắt của Tiện lợi và Tiết kiệm, là phương châm hoạt động của sàn thương mại điện tử này.

Tháng 11/2021, Tiki nhận được 258 triệu USD đầu tư trong vòng gọi vốn thứ 5. Vòng đầu tư này được dẫn dắt bởi tập đoàn bảo hiểm AIA và các nhà đầu tư danh tiếng khác như Mirae Asset, Taiwan Mobile, Yuanta Fund, STIC Investments…

Sau gần 12 năm thành lập, với quy mô gần 4.000 nhân viên và 20 triệu khách hàng đăng ký, Tiki vươn mình trở thành sàn thương mại điện tử lớn thứ ba tại Việt Nam tính theo số lượng truy cập, xếp sau Shopee (SEA Ltd) và Lazada (Alibaba).

Liên tục gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư, Tiki đang được tạo đà để đẩy sớm IPO tại Mỹ. Tiki kỳ vọng việc IPO vào cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023 có thể giúp nâng định giá lên trên 1 tỷ USD, qua đó đưa Tiki trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

Giao hàng tiết kiệm (GHTK) được thành lập vào năm 2013 bởi một nhóm doanh nhân, trong đó có ông Mai Thanh Bình, người sáng lập công ty game Garena Việt Nam, đồng thời là Phó Chủ tịch VNLife. GHTK ra đời với sứ mệnh là một đơn vị vận chuyển chuyên nghiệp dành cho thương mại điện tử. 

Hiện GHTK có hai cổ đông lớn là SEA (công ty đang sở hữu chi phối tại Shopee, Shopee Food, Shopee Pay) và Kerry Logistics (tập đoàn chuyển phát Hong Kong, Trung Quốc).

Theo công bố, vào năm 2021, công ty đã tạo ra doanh thu 300 triệu USD và xử lý gần 250 triệu đơn đặt hàng. Hiện GHTK đã có mặt tại 63 tỉnh thành trên cả nước với quy mô đạt hơn 20 trung tâm vận hành, số lượng xe tải đường bộ hơn 1.000 xe, trên 700 chi nhánh với tổng diện tích hạ tầng kho bãi lên đến trên 220.000 mét vuông.

Công ty đã cấu trúc lại danh mục tài chính, đang hướng đến một đợt IPO trong nước vào quý IV/2022 nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành kỳ lân tiếp theo của Việt Nam.

Được thành lập vào năm 2013 bởi tiến sĩ Nguyễn An Nguyên, Trusting Social là công ty Fintech (tài chính công nghệ) hàng đầu trong việc ứng dụng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (Machine learning) và dữ liệu lớn (Big data) vào mô hình đánh giá mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng.

Trusting Social ra đời với sứ mệnh hỗ trợ và cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho những người chưa có lịch sử tín dụng, hay hiểu đơn giản là dùng công nghệ để giúp nhiều người dưới chuẩn của ngân hàng có thể vay được tiền.

Tháng 4/2022, tập đoàn Masan đầu tư 65 triệu USD để sở hữu 25% cổ phần Trusting Social Việt Nam. Thành quả đầu tiên của hợp tác này là một loại thẻ tín dụng tương tự thẻ của ngân hàng. Công ty đặt mục tiêu trong năm nay sẽ phát hành 1 triệu thẻ.

Kyber Network được sáng lập bởi Loi Luu (CEO), Yaron Velner (CTO) và Victor Tran (Kỹ sư trưởng).

Được phát triển trên nền tảng Blockchain Ethereum, Kyber Network cung cấp sàn giao dịch phi tập trung (DeX), giúp người dùng có thể giảm thiểu rủi ro trong thế giới tiền mã hóa (cryptocurrency) thông qua việc sử dụng giao dịch phát sinh của Kyber Network.

Với công nghệ blockchain, quá trình giao dịch trên Kyber Network là hoàn toàn đáng tin cậy và minh bạch. Kyber Network tập trung vào các sản phẩm chính gồm sàn giao dịch phi tập trung KyberSwap và nền tảng quản lý tài sản số Krystal. Trong đó, KyberSwap là một trong những sàn giao dịch phi tập trung (DEX) lớn nhất hiện nay.

Năm 2017, thương vụ gọi vốn thành công 52 triệu USD của Kyber Network trở thành thương vụ gọi vốn bằng tiền mã hóa lớn nhất trong lịch sử startup Việt Nam và top 10 startup thế giới.

Lưu Thế Lợi và Trần Huy Vũ, hai đồng sáng lập đã được vinh danh trong danh sách Forbes 30 Under 30 ở lĩnh vực Tài chính - Đầu tư vào năm 2017.

Amanotes được thành lập năm 2015 bởi Nguyễn Tuấn Cường và Võ Tuấn Bình khi cả hai chung ý tưởng về việc lập một startup tập trung vào trò chơi âm nhạc tương tác. Với phương châm “ai cũng có thể chơi nhạc”, hai nhà sáng lập mong muốn tạo ra các ứng dụng giúp mọi người đi từ việc thích nghe nhạc sang thích chơi nhạc.

Mục tiêu kinh doanh của Amanotes là xây dựng hệ sinh thái âm nhạc hoàn chỉnh, tạo ra những ứng dụng cho cộng đồng yêu nhạc cũng như hỗ trợ các nhà lập trình độc lập đưa sản phẩm đến người dùng.

Mới đây, Amanotes lập một kỳ tích hiếm hoi của game âm nhạc khi Magic Tiles 3 do cán mốc hơn 600 triệu lượt tải toàn cầu. Đây cũng là thành tích đầu tiên đến từ một nhà phát hành ứng dụng Việt Nam.

Sau 7 năm thành lập, Amanotes trở thành nhà phát hành trò chơi điện tử dẫn đầu thế giới trong phân khúc trò chơi âm nhạc với 2,6 tỷ lượt tải trên Google Play và Apple Store, hơn 120 triệu người dùng hằng tháng và hơn 15 triệu người dùng hằng ngày.

Đáng chú ý, Amanotes chưa từng trải qua vòng gọi vốn nào nhưng vẫn phát triển lớn mạnh.

Phần mềm quản lý bán hàng KiotViet thuộc công ty cổ phần Phần mềm Citigo được sáng lập bởi Trần Nguyên Hạo và Tony Nguyễn. Bản thân Citigo đã xuất hiện từ năm 2010, với hoạt động kinh doanh cốt lõi là tư vấn phát triển sản phẩm, giải pháp phần mềm và gia công lập trình viên chuyên nghiệp.

Ý tưởng về KiotViet xuất hiện khi họ nhận ra rằng các doanh nghiệp nhỏ đang vật lộn với việc quản lý hoạt động và nhân rộng doanh nghiệp mà không có phần mềm doanh nghiệp nào dễ sử dụng. Từ đó, KiotViet cung cấp các giải pháp phần mềm theo dõi giao dịch, hàng tồn kho và hoạt động thanh toán cho các cửa hàng nhỏ. Nền tảng này cũng cung cấp nguồn nhân lực và các tính năng quản lý tiền lương. Nền tảng đầu cuối của KiotViet làm tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ tới 40%.

Năm 2019, KiotViet đã cung cấp giải pháp công nghệ bán hàng cho 50.000 khách hàng và huy động 6 triệu USD từ Jungle Ventures và Traveloka. Đến năm 2021, KiotViet đã số hóa cho khoảng 150.000 doanh nghiệp, huy động thành công 45 triệu USD.

Được thành lập năm 2021 bởi Lương Duy Hoài, Giao Hàng Nhanh (GHN) là startup tiên phong trong lĩnh vực e-logistics, thuộc hệ sinh thái Scommerce với 6 dịch vụ khác biệt trên cùng một nền tảng.

Năm 2018, công ty này nhận vốn đầu tư từ Olympus Capital Asia và đến cuối năm 2019, Temasek đầu tư hơn 100 triệu USD vào Scommerce.

 

Giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều biến động cho thị trường, vốn đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam vẫn đạt được mức cao kỷ lục trong năm 2021.

Cụ thể, tổng đầu tư mạo hiểm cho các startup Việt Nam năm 2021 đạt 1,4 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với con số 874 triệu USD kỷ lục trước đó vào năm 2019. Khẩu vị của các nhà đầu tư đã nhanh chóng dịch chuyển để tập trung vào các nhóm ngành không bị tác động mạnh bởi đại dịch.

Các ứng dụng hội thảo trực tuyến cũng góp phần tăng cường tương tác, khiến cho việc hạn chế di chuyển trong bối cảnh đại dịch không còn là rào cản lớn trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư.

 

Thực hiện: Phương Lê