(DNVN) - Trưng bày các sản phẩm truyền thống như lụa đũi, thảo dược và đặc biệt là các thiết kế được lấy cảm hứng từ chất liệu Việt để hướng ra quốc tế, Boutique 88 nằm trên đường Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ, Hà Nội trở thành một điểm dừng chân thú vị cho khách hàng trong nước và quốc tế….
Cô chủ xinh đẹp Minh Hương - người con gái gốc Hà Nội, đam mê thời trang và là “dân ngoại ngữ chính hiệu”. Tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, chị kết hôn với một nhà ngoại giao người Bỉ. Theo chồng trên các hành trình công tác, 20 năm ở nước ngoài, chị đã học hỏi rất nhiều kiến thức, tiếp xúc được rất nhiều nền văn hóa trên thế giới, nhất là được tham gia nhiều hoạt động thời trang. Chị có điều kiện mang sản phẩm thời trang Việt đi và thiết kế sao cho phù hợp với văn hóa của các nước mà chị tới. Đó cũng như một mối duyên để trở về Việt Nam lần này, khi cuộc sống gia đình ổn định, con cái đã trưởng thành bên châu Âu, chị được theo đuổi đam mê, tiếp tục làm những điều đã lỡ trong 20 năm ra nước ngoài chị không làm được.
Công việc đầu tiên của chị trong lần trở về này là làm cho một hãng thời trang của người Tây Ban Nha. Họ sang Việt Nam du lịch cách đây 15 năm và họ rất mê sản phẩm thủ công của Việt Nam. Sau một năm làm việc cho họ, chị chuyển sang lĩnh vực kết nối các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các đại sứ quán với các nghệ sĩ tại Việt Nam, tất nhiên trong đó không thể thiếu mảng thời trang.
“Tiếp xúc với nhiều nhà thiết kế, nhiều nghệ sĩ, tìm hiểu được nguồn cung cấp hàng thủ công của Việt Nam và mong muốn nâng tầm giá trị của sản phẩm truyền thống Việt, mình quyết định cùng đồng sự mở Boutique 88 trên đường Tô Ngọc Vân-nơi rất đông du khách trong nước và quốc tế qua lại, dừng chân. Đã có đủ các dịch vụ tại đây như ăn, uống, ngủ nghỉ, bọn mình làm nốt mảnh ghép cuối cùng của sắc màu Việt, đó là mặc”, chị Minh Hương kể.
Ngang qua Boutique 88, du khách nhận thấy từ hoa cắm trên lọ, các màu lụa đũi, các thiết kế thời trang độc đáo… đều rất giống hình ảnh và tính cách của cô chủ. Đó là sự tràn trề nhiệt huyết, không gian sắc màu truyền thống nhưng lại hướng về phương Tây. Khách Tây trầm trồ về sản phẩm thủ công của Việt Nam được thiết kế và may rất tinh tế. Khách Việt tìm thấy nơi đây những sản phẩm độc đáo đến từ các vùng miền, nhưng lại qua bàn tay khéo léo sắp đặt và thiết kế mang hơi hướng rất Tây.
Chị Minh Hương coi Boutique 88 không chỉ là cửa hàng, mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và thời trang, nơi mọi người đến mua sắm, giao lưu và cũng là nơi tạo cơ hội ủng hộ, giúp đỡ các nhà thiết kế trẻ đã tốt nghiệp học viện thời trang chuyên nghiệp, tạo sân chơi cho họ “bung lụa”. Chị tập hợp được 7 nhà thiết kế, trong đó có 2 nhà thiết kế người đến từ Anh, một người từng là giảng viên của Học viện Thời trang London. Các nhà thiết kế đều dùng chất liệu vải và phụ liệu thuần Việt, có cơ hội cùng nhau giao lưu ý tưởng Đông-Tây. Lụa Nha Xá, lụa Hà Đông, khăn đũi Hòa Tiến (Nghệ An) đều được tôn vinh tại đây.
Thêm một điều thú vị, Boutique 88 còn quy tụ được các dược phẩm sạch, bao gồm sản phẩm tinh dầu, sen hay các loại thảo dược, xà phòng, cà phê.
Boutique 88 thường xuyên tổ chức các workshop về trà, cắm hoa nghệ thuật, vẽ để tạo thêm sức hút. Các hoạt động này bổ trợ cho nhau rất tốt, biến Boutique 88 như một “vườn ươm startup” – tạo cơ hội cho nhiều hợp tác xã, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm sạch được quảng bá, bày bán sản phẩm. Khách hàng tới đây còn nhầm tưởng tới sản phẩm truyền thống cao cấp của Thái Lan, Ấn Độ. Đó cũng chính là lý do chỉ trong một thời gian ngắn, Boutique 88 đã khởi đầu rất thuận lợi, ngày càng cải thiện và phát triển.
“Mình sẽ đi tìm nhiều nguồn sản phẩm truyền thống khác để tạo cơ hội thêm cho nhiều nhà cung cấp địa phương. 88 Boutique sẽ phát triển mạnh hơn mảng truyền thông online, tổ chức và kết các sự kiện thời trang, văn hóa ẩm thực. Mọi hoạt động đều sẽ quay về bản sắc Việt để hướng ra quốc tế”, chị Minh Hương say sưa nói về dự định sắp tới của mình.