Gần hai chục năm về trước, Brian Chesky, một chàng trai trẻ sống ở ngoại ô New York, gặp Joe Gebbia tại trường Thiết kế Rhode Island. Họ ở cùng phòng và liên tục nợ tiền thuê nhà ở San Francisco. Trong lúc vật vã vì chỗ ở, họ nhận ra tất cả phòng khách sạn trong thành phố đều đã hết sạch vì một hội nghị thiết kế lớn sắp diễn ra.
Vậy là, câu chuyện bắt đầu bằng một email:
“Ngày 22 tháng 9 năm 2007,
Brian, tôi đã nghĩ ra cách kiếm tiền bằng việc biến nơi ở của chúng ta thành nhà nghỉ, phục vụ bữa sáng cho các nhà thiết kế. Chúng ta sẽ cung cấp cho họ phòng ở với internet không dây, một bàn làm việc nhỏ, thảm ngủ và bữa ăn sáng”.
Ngoài ra, hai người bạn nghĩ rằng hướng dẫn viên du lịch cũng sẽ là một công việc thú vị để kiếm tiền thời điểm đó.
Trong lúc túng quẫn, Chesky và Gebbia đã tạo một trang web đơn giản AirBed and Breakfast (Chiếc nệm hơi và bữa sáng) với một blog và một bản đồ đến căn hộ của họ. Họ tận dụng những chiếc đệm hơi (airbed) để những khách không thể đặt phòng khách sạn có thể thuê với giá 80 USD/đêm. Thế là đã có 3 vị khách, một người đàn ông Ấn Độ 30 tuổi, một phụ nữ 35 tuổi từ Boston và một ông bố 45 tuổi từ Utah, trả tiền để ở trên những tấm nệm thổi phồng trong không gian gác xép.
Gebbia và Chesky lúc ấy không biết rằng họ đang tạo ra một cuộc cách mạng về “chia sẻ lưu trú”. Đối với họ, chia sẻ nhà không chỉ giải quyết vấn đề về chỗ ở mà nó còn kết nối mọi người lại với nhau, biến những người xa lạ thành bạn bè.
Khi mọi thứ tiến triển khả quan, họ đã mời người bạn cùng phòng cũ của mình, Nathan Blecharczyk, xây dựng nền tảng trực tuyến cho doanh nghiệp. Nathan là nhà đồng sáng lập thứ ba của Airbnb. Và phải mất vài năm để phần còn lại của thế giới nhận ra tầm nhìn của họ.
Trong vòng 4 tháng đầu, bộ ba xây dựng dịch vụ tìm kiếm bạn cùng phòng, nhưng rồi nhận ra trang Roommates.com đã có từ lâu. Các chàng trai trẻ khi đó quay trở lại với ý tưởng “Air Bed and Breakfast” (Giường đệm hơi và bữa sáng). Công ty ra mắt lần thứ hai nhưng chẳng ai để ý đến họ.
Lần thứ ba, họ gom hết 40.000 USD nợ thẻ tín dụng và tái lập lại “tuần lễ nhiệm màu” ở San Francisco một lần nữa. Bộ ba tìm đến lễ hội công nghệ âm nhạc và điện ảnh thường niên South by Southwest (SXSW) năm 2008, nhưng họ chỉ có hai khách hàng, và Chesky là một trong số đó. Trang web trong 12 tháng không ai sử dụng bởi không ai đăng phòng ở lên một trang web không có khách du lịch truy cập. Ngược lại, cũng chẳng khách nào ghé một trang không có phòng để thuê.
Mùa hè năm 2008, các nhà đồng sáng lập hoàn thành phiên bản cuối cùng của trang web “Air Bed and Breakfast”. Họ tập trung vào nguyên tắc: khách hàng chỉ cần đúng 3 lần click chuột là có thể đặt được chỗ ở, nếu không website sẽ không thể thành công vì quá phức tạp. Thế nhưng, tất cả những kinh nghiệm đó không thể thuyết phục được 15 nhà đầu tư thiên thần. 8 người từ chối còn 7 người còn lại phớt lờ. Công ty lâm vào cảnh phá sản và nợ nần.
Không nản lòng, bộ ba tìm đến hội nghị Quốc gia của Đảng Dân chủ sắp diễn ra ở Denver, Colorado để giới thiệu dịch vụ. Kinh nghiệm thành công lần đầu tiên vẫn được họ ghi nhớ, rằng khi có sự kiện lớn dễ dẫn đến cháy phòng, nhất định nhiều người sẽ tìm kiếm các phương tiện khác để tìm chỗ lưu trú. Dự đoán cơn sốt Obama sẽ khiến lượng khách đến thành phố tăng gấp 4 lần, một chiến dịch tiếp thị đã được thực hiện nhằm khuyến khích những người ủng hộ ông Barack Obama chia sẻ nhà ở của họ cho những người ủng hộ khác đến Denver để tham dự hội nghị.
Tìm chủ nhà ở địa phương thì dễ, nhưng thuyết phục khách tin tưởng “ở ké” thì không hề đơn giản. Họ nghĩ đến một chiến lược marketing , lựa chọn những blogger ít tên tuổi nhất như những học sinh trung học và có lượng fan ít ỏi. Những người không quá nổi tiếng sẽ dành nhiều thời gian cho một công ty non trẻ.
Một lần nữa AirBed and Breakfast lại nắm bắt cơ hội thành công. Việc quảng cáo phòng ở Denver diễn ra tốt đẹp, hơn 600 người đã tìm được phòng thông qua trang web, họ kiếm được bộn tiền. Nhóm sáng lập viên còn được đài quốc gia như NBS hay CBS tìm đến phỏng vấn. Tuy nhiên, tất cả doanh thu mang lại chỉ đủ để trả hết một số khoản nợ và tuần sau, số tiền lại trở về không.
Bán ngũ cốc để trang trải cuộc sống
Ý tưởng của 3 chàng trai khi đó vẫn còn khá manh mún. Và do vẫn chưa thể kiếm tiền từ website, họ đã tạm chuyển sang bán ngũ cốc.
Thời điểm đó, Chesky và Gebbia đồng tình rằng họ cần thêm vốn cho một chiến dịch tại từng thành phố. Tận dụng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang diễn ra hết sức gay cấn với sự đối đầu căng thẳng giữa 2 ứng viên của Đảng Cộng hòa John McCain và Đảng Dân chủ Barack Obama, họ nảy ra ý tưởng bán bữa sáng cho khách tham dự hội nghị.
Các hộp ngũ cốc cổ động tranh cử với tên “Obama O’s, ngũ cốc của sự thay đổi” hay “Cap’n McCain’s, người trí thức trong mỗi chiếc hộp” được bán với giá 40 USD mỗi hộp ngay trên hè phố. Số lượng mỗi loại chỉ có giới hạn, đồng thời trên mỗi hộp có đính kèm thông tin về công ty Airbnb. Họ đã gặp một cựu sinh viên của Trường Thiết kế Rhode Island tại Berkeley. Anh này không tham gia vào việc kinh doanh ngũ cốc nhưng có một cửa hàng in. Với tinh thần giúp đỡ các cựu sinh viên "đồng môn", anh đồng ý in 1000 hộp ngũ cốc miễn phí và nếu bán được thì các chàng trai có thể trả cho anh ấy một khoản tiền bản quyền.
Chiến lược tiếp thị này đã thu về 30.000 USD. Việc kinh doanh bên lề này thành công tới nỗi Brian Chesky phải khẳng định với mẹ là “tụi con vẫn đang nghiêm túc với dự án cho thuê nhà, không phải chuyển ngành bán ngũ cốc đâu!”.
Hành trình tìm kiếm nhà đầu tư của “ba chú gián đập mãi không chết”
Phấn khích vì có tiền trong ngân hàng, nhóm lại bắt đầu cuộc tìm kiếm nhà đầu tư. Họ đã tìm cách gặp nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng Paul Graham. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ bắt đầu với câu hỏi đầu tiên quen thuộc là: "Mọi người có thực sự để người lạ ở trong nhà của họ không - họ bị làm sao vậy?"
Một lần nữa, nhóm đối mặt với một nhà đầu tư không nhìn thấy tiềm năng thực sự của ý tưởng họ đang ấp ủ. Sau bài thuyết trình tẻ nhạt, Joe lấy một hộp Obama O’s từ trong túi xách của mình và tặng nó như một món quà chia tay vì nghĩ rằng Paul Graham sẽ từ chối. Thế nhưng, dựa trên linh cảm các chàng trai này có thể thuyết phục mọi người trả 40 USD cho ngũ cốc thì cũng có thể thuyết phục người khác cho người lạ vào nhà, họ đáng được ủng hộ, Paul Graham đã đồng ý đầu tư 20.000 USD và mời công ty tham gia vào một chương trình tăng tốc khởi nghiệp tiếng tăm (Accelerator) của mình mang tên Y Combinator.
“Quào. Mấy cậu y như mấy con gián, đập mãi không chết”, Paul Graham nói với ba chàng trai.
Ba tháng đầu tiên của năm 2009 được các chàng trai trẻ dành cho công việc tăng tốc tập trung vào hoàn thiện sản phẩm cùng ý tưởng. Sau cuộc gặp gỡ trên, Airbnb đã thay đổi trọng tâm kinh doanh từ phục vụ riêng nhu cầu chia sẻ không gian ở chung sang phục vụ nhu cầu tìm kiếm tất cả các loại chỗ ở. Vào tháng 3/2009, họ có 2.500 chỗ lưu trú và gần 10.000 người dùng.
Ngay tại Y Combinator, họ vẫn bị hàng loạt nhà đầu tư từ chối. 2 năm sau, Fred Wilson của Quỹ Union Square Ventures thừa nhận rằng ông đã sai lầm khi không nhìn ra tiềm năng của Air Bed and Breakfast: “Chúng tôi không thể tin tưởng vào một loại hình cho thuê phòng mà khách hàng chỉ được nằm trên đệm mút ở phòng khách, vì thế đã bỏ lỡ cơ hội. Những người khác nhìn thấy tiềm năng của họ, đầu tư cho họ, và phần còn lại đã thuộc về lịch sử” – Wilson viết.
Công ty bắt đầu phát triển. Các nhà sáng lập đưa ra một dự án đầy tham vọng và quảng bá để những người cho thuê nhà cũng cảm thấy yêu thích công ty. Họ đã sử dụng một phần trong số 20.000 USD để bay đến New York thăm và trả tiền để ngụ tại chính những căn nhà đăng cho thuê trên website “Air Bed and Breakfast”. Họ viết nhận xét, và chụp ảnh từng địa điểm một cách chuyên nghiệp.
Họ ngồi trong phòng khách trò chuyện về trải nghiệm của khách, về điều họ yêu thích hoặc cảm thấy không tốt, những điều họ muốn thêm vào. Ý tưởng lắng nghe khách hàng là triết lý kinh doanh phổ biến ngày nay, nhưng rất lạ lẫm vào năm 2009. Chính niềm đam mê kết nối con người đã khiến những nhà sáng lập “Air Bed and Breakfast” tập trung vào việc xây dựng doanh nghiệp mà khách hàng mong muốn.
Vào tháng 3/2009, công ty đã đơn giản hóa Air Bed and Breakfast thành Airbnb. Điều này cũng giúp tránh những hiểu lầm sản phẩm là những chiếc “đệm hơi”. Một trang web mới đã được đưa vào hoạt động. Doanh thu hàng tháng bắt đầu tăng gấp đôi. Cuối cùng, Airbnb đã thu được 600.000 USD đầu tư hạt giống từ Sequoia Capital vào tháng 4/2009.
Chesky cho rằng thành công bước đầu có được nhờ bộ ba luôn kiên trì dù ăn ngũ cốc để sống qua ngày. Brian Chesky nhớ hai năm đầu tiên, mỗi sáng anh thức dậy trong sự hoảng loạn và mơ hồ. “Nhiều người đều nghĩ mình bị điên, không có nhà đầu tư nào ủng hộ, không có tiền. Và đó là cách giảm cân tốt nhất từ trước đến nay”.
Công ty đã huy động được thêm 7,2 triệu USD trong năm 2010. Tới năm 2011, 4 năm sau khi đón những vị khách đầu tiên, Airbnb đã có mặt tại 89 quốc gia, và đạt 1 triệu lượt đặt phòng qua website của họ. Cũng năm này, một số quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đã “bơm” 112 triệu USD cho Airbnb, đưa công ty đạt giá trị hơn 1 tỷ USD và trở thành 1 “kỳ lân” (unicorn) tại Thung lũng Silicon.
Tốc độ phát triển quá nhanh khiến Airbnb cũng gặp phải nhiều rắc rối. Một số chủ nhà để căn hộ bẩn “như một thùng rác”. Nhiều chủ nhà than phiền khách ở bừa bãi. Trước tình hình đó, Airbnb bắt đầu thực hiện một chính sách bảo hiểm trị giá 1 triệu USD tên là “Host Guarantee” có hiệu lực từ mùa hè năm 2012. Tình trạng chủ nhà bị phạt tiền và khách bị đuổi ra khỏi nhà ngày một nhiều hơn. Nhiều thành phố bắt đầu phản ứng việc thuê nhà thông qua Airbnb tăng lên quá nhanh.
Một thách thức lớn khác xảy đến vào năm 2014, khi công ty quyết định thay đổi logo. Logo mới vấp phải sự chỉ trích của nhiều người khi cho rằng nó giống một bộ phận “nhạy cảm” hơn là minh họa cho dịch vụ thuê nhà. Một số thành phố như như Barcelona, New Orleans, Berlin… bắt đầu cấm các chủ nhà cho thuê trên Airbnb. New York đe dọa chặn Airbnb và các hợp đồng thuê nhà ngắn hạn, đồng thời phạt cả những cá nhân đăng tin. Luật pháp ở nhiều nơi cho rằng, nếu chủ nhà không ở cùng với khách thì việc cho thuê nhà tư nhân ở dưới 30 ngày là vi phạm pháp luật. Tình hình ở quê nhà San Francisco cũng không mấy sáng sủa. Airbnb phải dùng hơn 8 triệu USD trong mùa thu 2015 để chống lại cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý kiến người dân về việc hạn chế nhà cho thuê trên Airbnb.
Cuộc chiến pháp lý kéo dài đến tận 2016 nhưng không thể ngăn được sự lớn mạnh của Airbnb. Công ty khởi nghiệp này dường như trở thành mối đe dọa của ngành khách sạn truyền thống. Một báo cáo năm 2016 từ Goldman Sachs cho thấy một khi đã sử dụng dịch vụ của Airbnb, người dùng hầu như sẽ không còn tìm đến các khách sạn truyền thống cho những kỳ nghỉ tiếp theo nữa.
Tháng 9/2019, Airbnb đã công bố kế hoạch lên sàn chứng khoán vào năm 2020 với mức định giá mục tiêu là 31 tỷ USD. Nhưng chỉ ít tháng sau đó, đại dịch Covid-19 bùng phát. Đây chính là thách thức lớn nhất của Airbnb từ trước đến nay. Vào tháng 4/2020, giá trị của công ty đã giảm xuống mức 18 tỷ USD.
Airbnb phải lên kế hoạch cắt giảm chi phí. Vào đầu tháng 5/2020, 25% lực lượng lao động (1.900 người) đã đã bị sa thải trong bối cảnh công ty phải vật lộn để hoàn lại tiền vay 2 tỷ USD và khoản đầu tư 1 tỷ USD từ các công ty cổ phần tư nhân Silverlake và Sixth Street Partners. Ngay cả khi các lệnh cấm trong giai đoạn giãn cách xã hội được gỡ bỏ, một số chính quyền địa phương coi việc cho thuê ngắn hạn là hoạt động kinh doanh không thiết yếu, gây thêm căng thẳng cho các chủ nhà dựa vào Airbnb để kiếm thu nhập.
Các lệnh cấm bay và đóng cửa nhiều quốc gia đã gây thiệt hại lớn cho ngành du lịch thế giới nói chung, đồng thời đẩy kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Airbnb vào một tương lai khó đoán định. Nhiều người khi ấy phỏng đoán và nghi ngờ liệu Airbnb có tồn tại được hay không qua cơn bão đại dịch. "Chúng tôi mất 12 năm để gây dựng nên Airbnb, và chúng tôi mất gần như mọi thứ chỉ trong 4-6 tuần”, CEO Brian Chesky nói.
Richard Holway, Chủ tịch công ty phân tích TechMarketView, nhận định: “Không giống như các công ty công nghệ khác như Uber, vốn có thể chuyển đổi sang mô hình giao hàng thay vì vận chuyển hành khách, Airbnb lại không thể đa dạng hóa. Airbnb không thể làm gì để kiếm ra tiền trong bối cảnh này.
Doanh số của Airbnb năm 2020 chỉ đạt 3,38 tỷ USD, giảm tới 29,7% so với 1 năm trước đó. Mặc dù vậy, vào cuối năm này, Airbnb vẫn có đợt IPO tương đối rầm rộ khi thu được 3,5 tỷ USD với cổ phiếu đóng cửa ở mức giá trên 144 USD/ cổ phiếu. Điều này đã đưa giá trị doanh nghiệp của Airbnb lên hơn 100 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 2020.
Đợt IPO được nhiều người coi là một sự trở lại đáng chú ý của công ty và là minh chứng rõ ràng hơn về khả năng phục hồi của doanh nghiệp cũng như sự kiên định của những người sáng lập.
Tưởng chừng sóng gió đại dịch sẽ nhấn chìm “đế chế đặt phòng tỷ USD”, nhưng Airbnb đã có sự trở lại đầy mạnh mẽ trong năm 2021. Bên cạnh các rào cản đã được gỡ bỏ, Airbnb cũng có những sự thay đổi linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi của dịch bệnh trên toàn cầu. 800.000 người đã ùa vào website tuyển dụng của công ty khi Brian Chesky thông báo chính sách làm việc từ xa vĩnh viễn hưởng nguyên lương.
Khi vaccine đã được phủ và các hạn chế phòng dịch dần được dỡ bỏ, Airbnb đã ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong quý IV/2021, một minh chứng cho thấy sự phục hồi kỳ diệu sau dịch. Trong quý này, Airbnb mang về doanh thu lên tới 1,5 tỷ USD, tăng lần lượt 80% và 38% so với cùng kỳ 2020 và 2019. Bên cạnh đó, theo thống kê của công ty, thời gian lưu trú của khách hàng cũng tăng lên khoảng 15% trong giai đoạn 2019 – 2021, trong đó khoảng 50% số lượng phòng đã đặt có thời lượng trên 7 ngày.
Kết thúc quý IV/2021, Airbnb thu được khoản lãi ròng kỷ lục 55 triệu USD. Tính cả năm 2021, công ty đạt doanh thu 6 tỷ USD, tăng 77% so với năm 2020; lỗ sau thuế của AirBnB giảm xuống chỉ còn âm 352 triệu USD, cải thiện rất nhiều so với mức âm đến 4,6 tỷ USD của năm trước.
Bất chấp những nguy cơ từ biến chủng Omicron và xung đột Nga - Ukraine, tình hình kinh doanh của Airbnb tiếp tục được cải thiện trong quý I/2022, với dự kiến doanh thu nằm trong khoảng từ 2,03 – 2,13 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, công ty chỉ còn lỗ 19 triệu USD so với con số lên tới 1,2 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Số lượng đặt phòng thông qua ứng dụng Airbnb trong quý này vượt mức 100 triệu. Đây là những con số đầy lạc quan, đánh dấu sự trở lại rực rỡ của Airbnb.
Thực hiện: Phương Lê
Tham khảo: Business Insider, Techcrunch