Alibaba bừng tỉnh

10:07 | 19/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Từng thừa nhận sai lầm và ngủ quên trên chiến thắng, giờ đây lãnh đạo Alibaba đang ráo riết thực hiện hàng loạt cải tổ tập trung vào hiệu suất cạnh tranh để giữ vị thế trên thị trường.

Vào cuối năm 2020, Tập đoàn Alibaba đã mua cổ phần chi phối của chuỗi siêu thị Sun Art Retail với giá 28 tỷ đô Hong Kong (tương đương 3,6 tỷ USD), tức là 8,1 đô Hong Kong một cổ phiếu, với mục tiêu chiếm lấy thị phần lớn hơn từ túi tiền ngày càng rủng rỉnh của người tiêu dùng Trung Quốc.

Tuy nhiên, chiến lược "bán lẻ mới" của Alibaba, nhằm kết hợp mua sắm trực tuyến và ngoại tuyến, đã không thành công. Sau ba năm rưỡi, khoản cổ phần được mua lại đã mất giá 80% dựa trên giá cổ phiếu gần đây của Sun Art. Thêm vào đó, khoản đầu tư này cũng trở thành gánh nặng khi doanh thu của Sun Art giảm sút và phải duy trì một lực lượng lao động khổng lồ lên đến 100.000 nhân viên.

Thương vụ Sun Art chỉ là một phần trong cái giá mà Alibaba phải trả cho tham vọng mở rộng kể từ khi niêm yết thứ cấp tại Hong Kong vào năm 2019. Kể từ đó, gã khổng lồ thương mại điện tử có trụ sở tại Hàng Châu này đang loay hoay để tìm lại chỗ đứng trong bối cảnh những thay đổi quan trọng về lãnh đạo, kế hoạch bị hủy bỏ và sự trỗi dậy mạnh mẽ của một đối thủ trẻ hơn.

 

Trên cơ sở đó, trong tháng 3/2023, Alibaba đã tuyên bố về kế hoạch tái cấu trúc, chia tách thành 6 thực thể độc lập vận hành, bên cạnh các đơn vị nhỏ hơn khác.

Vào thời điểm đó, kế hoạch là ông Daniel Zhang Yong - người được Jack Ma chỉ định kế nhiệm từ năm 2019 - sẽ đứng đầu công ty holding, trong khi giám đốc điều hành của từng đơn vị kinh doanh sẽ phụ trách các hoạt động hàng ngày và huy động vốn, chẳng hạn như theo đuổi các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

 

Tuy nhiên, chưa đầy ba tháng sau, Alibaba lại thông báo rằng Joe Tsai, một trong hai "đối tác vĩnh viễn", sẽ quay trở lại lãnh đạo tập đoàn với vai trò Chủ tịch. Còn Eddie Wu Yongming, một trong những cánh tay đắc lực của Jack Ma thời kỳ đầu, sẽ đảm nhận vị trí CEO.

Zhang rời công ty vào tháng 9 năm ngoái, và kế hoạch ban đầu của ông về việc phát hành IPO riêng cho Cloud Intelligence Group và Cainiao Smart Logistics Network cuối cùng đã bị hủy bỏ.

Jack Ma, hiện không còn giữ bất kỳ vai trò quản lý nào nhưng đã trở thành cổ đông lớn nhất của Alibaba sau khi SoftBank - nhà đầu tư ban đầu, bán hết cổ phần, đã viết một tâm thư dài hiếm hoi gửi đến nhân viên Alibaba trong tuần này, ủng hộ những thay đổi do Tsai và Wu thực hiện và kêu gọi nhân viên đón nhận sự đổi mới.

Trong một cuộc phỏng vấn podcast với Giám đốc điều hành Norges Bank Investment Management, Nicolai Tangen, vào tuần trước, ông Tsai cũng thừa nhận tập đoàn đã phạm sai lầm.

PDD, công ty mẹ của ứng dụng mua sắm Temu dành cho thị trường nước ngoài, đã vượt qua Alibaba để trở thành công ty Trung Quốc có giá trị nhất được niêm yết tại Mỹ vào tháng 11 năm ngoái. Điều này xảy ra khi cổ phiếu của PDD tăng vọt sau báo cáo doanh thu quý III tăng 94%.

Theo những người nắm thông tin, việc vốn hóa thị trường của Alibaba bị PDD Holdings vượt qua trong thời gian ngắn, mặc dù đội ngũ nhân viên của nhà bán lẻ trực tuyến giá rẻ này chỉ bằng một phần nhỏ so với Alibaba, đã khiến các nhà sáng lập Alibaba phải suy nghĩ nghiêm túc.

 

Vào thời điểm đó, vốn hóa thị trường của PDD đã vượt qua Alibaba trong thời gian ngắn, đạt 192 tỷ USD trên Nasdaq, trong khi Alibaba giảm xuống dưới 190 tỷ USD.

Tính đến quý trước, theo Statista, Pinduoduo có khoảng 623 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, trong khi Taobao của Alibaba có khoảng 892 triệu người dùng.

 

Ngoài việc gây ấn tượng với các nhà đầu tư, PDD còn chứng tỏ được sự yêu thích của người tiêu dùng nhờ mức giá hấp dẫn của các sản phẩm. "Alibaba nhận ra rằng mảng kinh doanh cốt lõi của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng", theo một nguồn tin được biết về các cuộc thảo luận nội bộ.

"Alibaba không có thành tích vững chắc dưới sự lãnh đạo trước đó của Daniel Zhang", bà Chelsey Tam, nhà phân tích cao cấp tại Morningstar cho biết. “Chẳng hạn, công ty không thể ngăn PDD Holdings vượt qua Taobao và Tmall Group để trở thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc tính theo số lượng khách hàng giao dịch hàng năm trên nền tảng”.

Ông Zhang, người khởi xướng lễ hội mua sắm Ngày độc thân (Singles' Day) và đóng vai trò then chốt trong việc đưa Taobao đi vào hoạt động có lãi trước khi trở thành Giám đốc điều hành của Alibaba, đã gia nhập quỹ đầu tư Trung Quốc Firstred Capital với tư cách là đối tác quản lý vào tháng trước.

"Đối mặt với sự cạnh tranh từ Pinduoduo và Douyin, ông Eddie Wu gia nhập ban lãnh đạo cấp cao của Alibaba để thực hiện một mục tiêu, đó là ổn định mảng kinh doanh chính", ông Li Chengdong, Giám đốc điều hành tổ chức tư vấn lĩnh vực internet Dolphin cho biết.

Ông Eddie Wu.

Tháng 12 năm ngoái, Alibaba đã bổ nhiệm Wu, người đồng thời lãnh đạo mảng điện toán đám mây của tập đoàn và giữ chức Chủ tịch Taobao và Tmall Group (TTG), làm Giám đốc điều hành mảng thương mại điện tử. Đây được coi là một phần trong nỗ lực của Alibaba nhằm bảo vệ vị trí dẫn đầu thị trường nội địa trước các đối thủ cạnh tranh lâu năm như JD.com và các đối thủ trẻ hơn bao gồm Pinduoduo của PDD và Douyin của ByteDance.

Tháng trước, Alibaba đã khởi động chiến dịch quảng bá các công cụ AI của mình. Các thương gia Trung Quốc có thể sử dụng những công cụ này để tiếp cận thị trường nước ngoài thông qua nền tảng thương mại điện tử B2B Alibaba.com.

Tuy nhiên, theo Tsai trong cuộc phỏng vấn với Norges Bank, cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa vì các công ty Trung Quốc "có thể đang tụt hậu hai năm" so với các đối thủ Mỹ trong lĩnh vực phát triển AI.

Ông cho biết các hạn chế xuất khẩu của Mỹ, ngăn cản các công ty Trung Quốc tiếp cận các chất bán dẫn tiên tiến như bộ xử lý đồ họa (GPU) rất được ưa chuộng từ Nvidia, đã "chắc chắn ảnh hưởng" đến các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba.

Tháng 11 năm ngoái, Alibaba đã hủy bỏ việc tách riêng mảng Cloud Intelligence Group, cho rằng kế hoạch này "có thể không đạt được hiệu quả mong muốn về gia tăng giá trị cổ đông" do những bất ổn do các lệnh hạn chế xuất khẩu mở rộng của Mỹ gây ra.

Sự thay đổi trong chiến lược tái cấu trúc của Alibaba phản ánh "quá trình điều chỉnh sau giai đoạn thử nghiệm và sai sót", theo ông Chen Duan, Giám đốc Trung tâm Phát triển Đổi mới Hội nhập Kinh tế Kỹ thuật số tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh. "Điều này không chỉ liên quan đến sự thay đổi trong hệ sinh thái kinh doanh, mà quan trọng hơn là cơ cấu quản lý nội bộ và hệ thống khuyến khích”. 

 

Tháng 2, Alibaba báo cáo kết quả tài chính thấp hơn dự kiến trong quý cuối năm ngoái. Mặc dù doanh thu tăng 5% so với cùng kỳ lên 260,35 tỷ nhân dân tệ (36,67 tỷ USD) trong quý, nhưng lại thấp hơn so với ước tính trung bình của các nhà phân tích là 261,25 tỷ nhân dân tệ. Lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông phổ thông giảm 69% so với cùng kỳ xuống còn 14,4 tỷ nhân dân tệ.

Cũng trong quý đó, Alibaba cho biết họ đã hủy bỏ kế hoạch tách riêng mảng Cloud Intelligence Group và tạm dừng niêm yết chuỗi siêu thị Freshippo do điều kiện thị trường không thuận lợi.

"Alibaba ráo riết mở rộng sang mảng bán lẻ ngoại tuyến và phải trả rất nhiều tiền cho các mảng kinh doanh này trong những năm qua", ông Li từ Dolphin nói. "Bây giờ chúng đang trở thành gánh nặng”. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng việc thoái vốn khỏi các tài sản như vậy có thể dẫn đến áp lực ngắn hạn lên thu nhập của công ty.

Vào tháng 2, Reuters dẫn các nguồn tin giấu tên cho hay Alibaba được cho là đang cân nhắc bán Freshippo và RT-Mart, một doanh nghiệp thuộc Sun Art. Sau đó, thông tin này đã bị Alibaba phủ nhận.

Tuy nhiên, tháng trước, Sun Art đã bổ nhiệm một giám đốc điều hành mới như một phần trong nỗ lực củng cố hoạt động của mình. Alibaba cũng đã tạm dừng hoạt động của Ling Shou Tong - một nền tảng bán buôn trực tuyến được các cửa hàng gia đình sử dụng để tìm nguồn cung sản phẩm.

Ảnh: The Business Times.

Ngoài ra, vào tháng 3, Alibaba đã bán ra gần 360 triệu USD cổ phiếu của Bilibili với mức chiết khấu đáng kể. Cũng trong tháng đó, Alibaba đã huy động được khoảng 314 triệu USD từ việc bán 33 triệu cổ phiếu được giao dịch tại Mỹ của nhà sản xuất xe điện Xpeng.

Doanh số tiêu dùng yếu tại thị trường nội địa khiến Alibaba đẩy mạnh việc mở rộng hoạt động thương mại điện tử ra nước ngoài.

Nền tảng mua sắm quốc tế của công ty, AliExpress, gần đây được tiết lộ là nhà tài trợ cho Giải vô địch bóng đá châu Âu năm nay, hay Euro 2024. Đây là động thái diễn ra sau khi đối thủ Temu gây tiếng vang ở Mỹ thông qua quảng cáo Super Bowl phát sóng vào tháng 2.

Đầu tháng trước, công ty đã mở rộng dịch vụ "giao hàng 5 ngày" cho người mua AliExpress ở Mỹ, nơi cạnh tranh ngày càng gay gắt với Temu của PDD và nhà bán lẻ thời trang nhanh Shein.

Cainiao và AliExpress đã ra mắt dịch vụ giao hàng thương mại điện tử toàn cầu trong năm ngày vào năm ngoái. Kể từ đó, phạm vi hoạt động đã được mở rộng sang Đức, Pháp, Bồ Đào Nha, Ả Rập Saudi và Mexico.

Trong quý IV/2023, hiệu suất hoạt động mạnh mẽ của AliExpress đã đẩy doanh thu Alibaba quốc tế tăng 44% lên 28,52 tỷ nhân dân tệ. AliExpress đạt được mức tăng trưởng đơn hàng theo năm trên 60%.

Ngoài sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như Temu và Shein, căng thẳng địa chính trị leo thang giữa Washington và Bắc Kinh cũng đặt ra thách thức cho Alibaba trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, đặc biệt là ở Mỹ.

 

“Chẳng hạn, chúng tôi không có nhiều hoạt động kinh doanh trực tiếp với người tiêu dùng ở Mỹ vì những lo ngại về quyền riêng tư dữ liệu, an ninh mạng và những thứ tương tự", ông nói. "Đây là một số vấn đề mà chúng tôi sẽ phải giải quyết trong tương lai”.

Ông Chen đến từ Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương cho biết: "Đối với một hệ sinh thái lớn như vậy, có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến toàn bộ tập đoàn, cho dù đó là thay đổi về cơ cấu tổ chức, nhân sự hay sản phẩm”.

Đầu năm nay, Jack Ma và Daniel Tsai của Alibaba đã nổi lên với tư cách là hai cổ đông lớn nhất của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc sau khi tích cực mua lại cổ phiếu Alibaba tại New York và Hong Kong trong quý IV, khi giá cổ phiếu giảm 11%.

Ông Jack Ma, người đã nghỉ hưu với vai trò Chủ tịch Alibaba vào năm 2019, đã mua khoảng 50 triệu USD cổ phiếu trong quý đó, nâng tỷ lệ sở hữu lên vượt mức 4,3% được báo cáo vào cuối năm 2021. Đây là lần đầu tiên trong gần 25 năm, một nhà đầu tư Trung Quốc nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Alibaba.

Trong quý đầu năm nay, Alibaba đã đẩy mạnh chương trình mua lại cổ phiếu của mình tại Hong Kong và New York bằng cách chi 4,8 tỷ USD để mua 524 triệu cổ phiếu phổ thông, tương đương với 65 triệu Giấy ký quỹ Mỹ (American Depositary Shares). Đây là đợt mua lại cổ phiếu tích cực nhất của công ty kể từ năm 2021.

Để thúc đẩy tinh thần nhân viên trong bối cảnh thị trường đầy thách thức, Alibaba cũng quyết định cải tổ hệ thống đãi ngộ từ ngày 1/4 bằng cách kết hợp giữa việc phát hành nhiều quyền chọn mua cổ phiếu hơn với tiền mặt.

Tháng trước, Cainiao, công ty logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử, cho biết sẽ tăng gấp đôi tiền thưởng cuối năm cho tất cả nhân viên trong năm tài chính tới. Đây được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao tinh thần của nhân viên sau khi công ty mẹ Alibaba hủy bỏ kế hoạch IPO của mảng này.

Các ưu đãi tài chính mới dành cho nhân viên Cainiao cho thấy sự tập trung của công ty mẹ Alibaba trong việc giữ cho tinh thần làm việc luôn cao ở một mảng kinh doanh then chốt thuộc đế chế thương mại điện tử này.

"Hiện tại, với việc tái cấu trúc và đội ngũ quản lý mới, chúng tôi cảm thấy tự tin hơn nhiều khi trở thành một trong những công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc", ông Tsai nói với kênh CNBC vào tháng 2. "Trước đây chúng tôi không cảm thấy tự tin, cảm nhận được áp lực cạnh tranh, nhưng giờ thì chúng tôi đã trở lại”.

 

Đức Huy
Alex Chu
Doanh nghiệp và Kinh doanh