Ấn tượng xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản 4 tháng đầu năm: Chiếm hơn nửa xuất siêu cả nước

Trang Mai 15:28 | 06/05/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
4 tháng đầu năm 2024, các mặt hàng cà phê, rau quả, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu 2 chữ số. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng vẫn còn rất nhiều tiềm năng.

Nhóm hàng tỷ đô “giữ phong độ”

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt hơn 19 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt 14,32 tỷ USD. Như vậy, giá trị xuất siêu ngành đạt được 4 tháng khoảng 4,74 tỷ USD, tăng 71,5% so với cùng kỳ 2023 và chiếm 56% tổng giá trị xuất siêu cả nước (8,4 tỷ USD).

 Ảnh: Mai Trang tổng hợp từ Bộ NN&PTNT

Đóng góp vào kết quả chung trong 4 tháng đầu năm 2024, nhóm các mặt hàng nông sản chính đạt gần 11 tỷ USD, tăng 32,5%; sản phẩm chăn nuôi đạt 152 triệu USD, tăng 3,6%; thủy sản đạt 2,7 tỷ USD, tăng 4,2%; gỗ và lâm sản đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong nhóm nông sản, xuất khẩu cà phê trong 4 tháng có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 2,5 tỷ USD, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là mặt hàng gạo, sau 4 tháng đã xuất khẩu được 3 triệu tấn, với kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng 13,5% về lượng và tăng 23,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. 

Theo Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng. Trong đó, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 46,4% về tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; thứ hai là Indonesia, chiếm trên 20% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo khối lượng gạo xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 chắc chắn sẽ vượt 4,5 triệu tấn. Do đó, lượng gạo hàng hóa cần cho xuất khẩu 6 tháng cuối năm ước 3,22 triệu tấn. Để đáp ứng nhu cầu này, có thể các doanh nghiệp sẽ phải nhập thêm gạo từ Campuchia để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Dự báo năm 2024, xuất khẩu gạo sẽ thiết lập mốc kim ngạch kỷ lục 5 tỷ USD.

Bên cạnh gạo và cà phê, rau quả Việt Nam tiếp tục là mặt hàng được nhiều quốc gia nhập khẩu, với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, triển vọng xuất khẩu ngành rau quả trong năm 2024 tiếp tục có diễn biến tích cực, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, Việt Nam đang có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này như: sầu riêng, tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, thạch đen, măng cụt, vải và chanh dây…

Với thuỷ sản, theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng (GTGT) của nước ta đang nhận được nhiều sự quan tâm trên thế giới. Sự lựa chọn chiến lược kinh doanh hàng chế biến GTGT sẽ là phù hợp hơn cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Do vậy, đang có sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm trong từng ngành hàng xuất khẩu chủ lực. 

Ví dụ, trong sản phẩm cá tra quý I năm nay, trong khi cá tra phile đông lạnh giảm 5%, thì sản phẩm cá tra chế biến GTGT tăng 16% và cá tra khô tăng gần 9%. Đáng lưu ý là 2 dòng sản phẩm phụ là bong bóng cá tra và snack da cá lại ghi nhận mức tăng khả quan. Trong đó, kim ngạch bóng bóng cá tra đạt 19,4 triệu USD, tăng 17%, với thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, chiếm 79%. 

Tương tự, sản phẩm tôm xuất khẩu quý I cũng tập trung tăng trưởng vào dòng sản phẩm tôm bỏ đầu, chừa đuôi. Đối với cá ngừ, dòng sản phẩm đóng hộp có mức tăng trưởng mạnh nhất, tăng 48% so với cùng kỳ.

Tại các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, sản phẩm GTGT là lợi thế của Việt Nam. Ngược lại, với thị trường Trung Quốc, thì thủy sản sống có tiềm năng hơn … Quý I năm nay, Trung Quốc đang tăng nhu cầu đối với tôm hùm, cua sống… của Việt Nam. Do đó, tuỳ từng thị trường, các doanh nghiệp nên thiết lập hướng đi phù hợp.

Gỗ và lâm sản "chờ thời, nghe ngóng, điều chỉnh phù hợp"

Với gỗ và lâm sản, theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ đã lấy lại được đà tăng trưởng khi trong 4 tháng đầu năm đã đạt kim ngạch xuất khẩu 4,8 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Trao đổi nhanh với phóng viên DNVN, ông Hoài nhận định: “Kỳ vọng của chúng tôi thì năm nay đã có những tín hiệu khi nền kinh tế thế giới sau những chếnh choáng, lo sợ và sự mất lòng tin của người tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc thì có vẻ như lòng tin của người người tiêu dùng đã khá hơn và những hàng tồn kho trước đây người ta nhập khẩu từ Việt Nam để tích trữ, phân phối trong cả năm có vẻ như đã giảm đi, các nước bắt đầu đã có đơn hàng. Đấy là tín hiệu tích cực. 

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng sự phục hồi đơn hàng đến và sự phục hồi của thị trường thế giới thì có vẻ như vẫn còn yếu, chậm và thực sự thì các doanh nghiệp vẫn còn phải lo lắng, chưa dám nhập nguyên liệu vào nhiều, chưa dám dự trữ các nguồn nguyên vật liệu để có thể tăng tốc sản xuất, ngoại trừ một số doanh nghiệp có lợi thế nhất định thì có thể đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể phục hồi nhanh hơn và nếu điều kiện cho phép thì có thể bứt tốc”.

“Nhu cầu gỗ rừng trong tầm nhìn thời đại vẫn là một loại sản phẩm, loại vật liệu chiến lược, có khả năng tái tạo. Con người vẫn cần dùng đến gỗ và nhu cầu toàn cầu vẫn tăng khoảng 5-7%/năm. Người ta dự báo đến năm 2030, thương mại gỗ toàn cầu có thể lên tới 1.000 tỷ. Do đó công nghiệp gỗ vẫn là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Đã kinh doanh, là doanh nhân thì không nên “khó bỏ dễ làm”. Tuy nhiên vẫn cần, chờ thời, nghe ngóng, và có những điều chỉnh cho phù hợp”, ông Hoài nói.