Angimex (AGM) có Chủ tịch mới

Minh Hằng 19:32 | 29/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại ĐHĐCĐ bất thường Angimex vừa diễn ra, ông Nghiêm Hải Anh đã được bầu làm Chủ tịch HĐQT, thay thế cho ông Trịnh Văn Bảo, người vừa xin từ nhiệm sau khoảng hai tháng tại chức. Ngoài ra, Angimex cũng điều chỉnh giảm kế hoạch kinh doanh năm 2022 trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển biến động mạnh.

 

Sáng 28/6, CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex - Mã: AGM) đã tổ chức Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2022 để bầu tân chủ tịch và thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2022.

Ông Nghiêm Hải Anh ngồi ghế Chủ tịch

Cụ thể, ông Nghiêm Hải Anh đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) thay cho ông Trịnh Văn Bảo đã từ nhiệm trước đó vì lý do cá nhân. Như vậy, HĐQT của Angimex gồm 5 người, gồm vị tân chủ tịch mới, các thành viên HĐQT là ông Vũ Ngọc Long (Chủ tịch HĐQT Louis Holdings), ông Hồ Đăng Dân, ông Lê Tiến Thịnh và Võ Kim Nguyên.

   Ông Nghiêm Hải Anh (thứ ba từ phải sang) chụp cùng các thành viên HĐQT của Angimex. (Ảnh: Angimex). 

Theo giới thiệu, ông Nghiêm Hải Anh (sinh năm 1981) tốt nghiệp Thạc sĩ Quản lý tại Đại học Công nghệ Washington (Mỹ). Ông Hải Anh cũng từng kinh qua các vị trí lãnh đạo trung và cao cấp tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản và có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực IPO, quản trị các công ty đại chúng.

Trước khi tham gia vào Angimex, ông Nghiêm Hải Anh từng là thành viên HĐQT một công ty xây dựng và Phó Tổng Giám đốc của một tập đoàn bất động sản lớn ở ngoài Bắc.

Mới đây, CTCP Louis Holdings - công ty mẹ sở hữu trên 51% vốn của Angimex cũng đã bổ nhiệm ông Nghiêm Hải Anh vào vị trí Phó Tổng Giám đốc Thường trực.

Điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận năm 2022

Tại đại hội, các cổ đông đã thống nhất thông qua việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh nhằm đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu và cân đối nguồn lực trước các biến động về giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển.

Cụ thể, kế hoạch doanh thu hợp nhất giảm 51% còn 3.939 tỷ đồng so với 8.004 tỷ đồng đã được thông qua ở ĐHĐCĐ thường niên trước đó. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 25 tỷ đồng, giảm 64% so với kế hoạch ban đầu.

Ban lãnh đạo giải thích, việc đặt kế hoạch giảm là do xuất khẩu gạo vào thị trường châu Á nói chung có tỷ suất lợi nhuận thấp, rủi ro và tính cạnh tranh cao cùng với chi phí logistics tăng mạnh.

Ở ngành thương mại dịch vụ, Honda Việt Nam giảm sản xuất và giảm lượng hàng giao cho các Head, cùng với đó thay đổi chính sách mua bán phụ tùng, hạn chế giao hàng bán sỉ làm giảm nguồn cung trong thời gian tới làm ảnh hưởng đến mảng bán xe của công ty. Ngoài ra, thị trường hồi phục chậm sau đại dịch, lạm phát, giá xăng, chi phí tiêu dùng tăng… làm sức tiêu thụ giảm.

Đối với ngành nông nghiệp, việc hợp tác với CTCP DAP-Vinachem (Mã: DAP), Đạm Cà Mau (Mã: DCM)… chậm do các thủ tục hành chính và một số nguyên nhân khác. Việc thực hiện đầu tư vùng nguyên liệu Angimex chưa triển khai do đang thu hẹp diện tích và gặp khó khăn do cần có nguồn vốn lớn để đầu tư.

Ngoài ra, giá cả nguyên liệu phân bón tăng mạnh, trong khi đầu ra cho nông sản giảm, làm người nông dân giảm nhu cầu sử dụng phân bón, gây ảnh hưởng giảm hoạt động kinh doanh của ngành.

Thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, tổng sản lượng xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2022 của Angimex đạt gần 140.000 tấn và doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, nằm trong Top 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam. Trong quý I, mảng gạo đem về cho Angimex hơn 820 tỷ đồng doanh thu, chiếm khoảng 80% tổng doanh thu cả quý.

Tại đại hội, Angimex cũng cho biết đã hoàn thành chào bán lô trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng, toàn bộ số tiền sẽ được đầu tư góp vốn vào Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Angimex, công ty do Angimex sở hữu 100% vốn điều lệ.