Angimex quyết tâm thoát lỗ năm 2023, thanh lý tài sản để vực dậy kinh doanh

Trang Mai 13:28 | 09/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM) vừa công bố, doanh nghiệp đặt kế hoạch lãi trước thuế 10 tỷ đồng, vực dậy từ số lỗ 138 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ thanh lý tài sản để giải quyết phần nào khó khăn tài chính.

Ngành lương thực còn khó, nông nghiệp công nghệ cao là "cứu cánh"

Đánh giá về triển vọng kinh doanh năm nay, ban lãnh đạo Angimex nhận định, ngành lương thực sẽ phải đối mặt với chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, số lượng đơn hàng giảm,... do bất ổn về kinh tế, chính trị, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khắc phục toàn diện ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu.

Ngành thương mại – dịch vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng tình hình bất ổn của kinh tế toàn cầu. Nhu cầu sử dụng và lượng xe máy tiêu thụ có thể không còn cao như các năm trước, việc mua mới hay thậm chí là mua trả góp cũng cần người tiêu dùng suy xét kỹ lưỡng và khó khăn để đưa ra quyết định do lạm phát gia tăng, người tiêu dùng giảm thiểu chi tiêu trong thời kỳ suy thoái. Thay vào đó, hoạt động kinh doanh phụ tùng và dịch vụ sửa chữa, chăm sóc, bảo dưỡng xe máy sẽ phát triển tốt.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp công nghệ cao được dự báo sẽ có triển vọng tích cực do ngành nông nghiệp vẫn đang duy trì là một ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam. Đồng thời, được thúc đẩy bởi sự phát triển nhanh chóng của thời đại công nghệ kỹ thuật tiên tiến, nền nông nghiệp truyền thông đang dần tiếp cận với chuyển đổi số, do đó các dịch vụ cung cấp máy móc thiết bị kỹ thuật công nghệ cao sẽ có tiềm năng phát triển và được bà con nông dân ưu tiên sử dụng trong thời gian tới.

Do vậy, HĐQT Angimex định hướng trong năm 2023, Công ty sẽ chú trọng phát triển thị trường và đẩy mạnh quảng bá cho sản phẩm Gạo Lúa Tôm (sản phẩm mới của Angimex). Đồng thời sẽ kết hợp nghiên cứu thêm các giống lúa mới, các giống lúa hữu cơ để đa dạng sản phẩm, bổ trợ cho sự phát triển của ngành lương thực Công ty.

Trong năm 2023, Angimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.001 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất mục tiêu 10 tỷ đồng so với số lỗ trước thuế hơn 138 tỷ đồng của năm trước.

 
Theo ban lãnh đạo, chi phí lãi vay cùng với khoản dự phòng tài chính và dự phòng các khoản nợ thu khó đòi tăng mạnh đã làm hoạt động kinh doanh khác lỗ 66 tỷ đồng, so với khoản lợi nhuận 27 tỷ đồng cùng kỳ. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất gây lên khoản lỗ của doanh nghiệp trong năm 2022

Không chia cổ tức 3 năm liên tiếp

Lũy kế đến cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn Công ty là 23 tỷ đồng. Sau khi loại trừ các khoản lợi nhuận hợp nhất không phân phối, lợi nhuận sau thuế còn lại Công ty mẹ khoảng 2 tỷ đồng.

Năm 2022, hoạt động sản xuất kinh doanh của Angimex không đem lại lợi nhuận nên HĐQT sẽ trình ĐHĐCĐ không thực hiện phân phối lợi nhuận cho năm 2022, đồng thời không thực hiện phân phối lợi nhuận năm 2021 theo nội dung trước đó ĐHĐCĐ thường niên 2022 đã thông qua.

Đồng thời, do tình hình tài chính Công ty vẫn còn khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh năm vừa qua thua lỗ, do đó HĐQT dự trình không chi trả cổ tức năm 2020 và không chi trả cổ tức năm 2021 đã thông qua tại các kỳ ĐHĐCĐ trước đó.

Thanh lý tài sản để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh 

Tính đến hiện tại, sơ bộ các khoản phải trả của Angimex là 1.062 tỷ đồng gồm các khoản gốc trái phiếu, nợ ngân hàng và nợ các nhà cung cấp khác.

Ngoài các khoản phải trả nêu trên, Angimex còn phải chịu các khoản lãi vay ngân hàng, lãi vay trái phiếu, lãi thuê tài chính, chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và các chi phí vận hành khác.

 Khoản nợ củaAngimex trong năm 2022. Nguồn:Angimex

Theo báo cáo tài chính quý I/2023, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tại ngày 31/3/2023 của Angimex là 3,4 lần.

Do đó, với mục tiêu thanh toán dần các khoản nợ để từng bước vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh, HĐQT trình kế hoạch thanh lý tài sản: Vốn góp của Angimex, kho đã dừng hoạt động (không còn máy móc thiết bị), nhà máy đang hoạt động, quyền sử dụng đất tại TP HCM và An Giang.

Lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch

Ngày 22/5, Angimex cũng có văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM giải trình nguyên ngân chứng khoán bị chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch.

Do Angimex vẫn còn trong thời gian tổ chức thực hiện đàm phán với trái chủ để xin gia hạn thời gian trả gốc lãi trái phiếu nên vẫn chưa có kết quả đàm phán với trái chủ để cập nhật vào BCTC kiểm toán, vì thế BCTC kiểm toán năm 2022 (riêng lẻ và hợp nhất) vẫn chưa được ký, dẫn đến bị chậm nộp quá 45 ngày.

Angimex đang khẩn trương thực hiện đàm phán với trái chủ và sẽ cố gắng thực hiện việc nộp BCTC năm 2022 đã được kiểm toán trong thời gian sớm nhất.