Anh: Các triệu phú vung tiền mua lại những doanh nghiệp nổi tiếng với giá siêu hời thời đại dịch
Đây là các đại gia có tài sản từ 30 triệu USD (22 triệu bảng Anh) trở lên. Trong thời dịch COVID-19, họ đã thực hiện 27 thương vụ mua lại với tổng số tiền 958 triệu bảng Anh.
Theo nghiên cứu của công ty luật Boodle Hatfield, giá trị của những vụ mua lại này tăng tới 626% so với năm 2019. Kyra Motley, chuyên gia của Boodle Hatfield cho biết, các đại gia đã không bỏ lỡ cơ hội chục năm mới có một lần này, khi mà giá trị của nhiều doanh nghiệp bị thu hẹp lại do đại dịch Covid bắt đầu tấn công nền kinh tế.
Khách sạn Ritz về tay chủ mới với giá 800 triệu bảng Anh
Vụ mua lại lớn nhất là vụ anh em nhà Barclay bán khách sạn Ritz với giá 800 triệu bảng Anh cho tỷ phú người Qatar, Abdulhadi Mana al-Hajri, một người có quan hệ với hoàng gia Qatar, khi vừa xảy ra khủng hoảng COVID-19 tại Anh hồi tháng 3 năm ngoái. Gia đình nhà Barclay đã tranh cãi không ít về vụ mua bán này vì một số thành viên cho rằng các cháu trai của Sir Frederick Barclay đã bán khách sạn Ritz nổi tiếng này chỉ bằng nửa giá thị trường.
Siêu triệu phú Thomas Sandgaard người Mỹ gốc Đan Mạch đã mua đội bóng Charlton Athletic; Menoshi “Michael” Shina thì mua nhà may thời trang nam lâu đời Moss Bros với giá 22 triệu bảng Anh; cựu CEO của Godiva là Mohamed Elsarky mua hãng sản xuất socola hảo hạng Artisan du Chocolat...
Chuyên gia Motley dự báo, những đại gia với túi tiền rủng rỉnh hơn sẽ còn tiếp tục mua thêm nhiều công ty nữa trong năm 2021: “Những doanh nhân thành công với tài sản lớn từ công việc kinh doanh chính thường muốn tăng thêm tài sản bằng cách mua lại và xây dựng một đế chế mới. Họ sẽ tìm kiếm và chọn những doanh nghiệp để đầu tư trung hạn, nhất là khi thị trường đang đầy những doanh nghiệp gặp khó khăn và vào 6 tháng còn lại của năm nay chủ sở hữu sẽ phải chấp nhận bán đi, do các chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ chấm dứt”.
Đầu tháng 3/2021, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã gia hạn chương trình cứu trợ khẩn cấp nhằm thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế sau khủng hoảng đến cuối tháng 9/2021. Chính phủ cũng sẽ phân bổ gần 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, bao gồm nghệ thuật, văn hóa và thể thao. Ưu tiên trước mắt là tiếp tục hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng với việc gia hạn các kế hoạch giải cứu việc làm, hỗ trợ cho lao động tự do, trợ cấp cho doanh nghiệp, cấp tín dụng và cắt giảm thuế giá trị gia tăng, qua đó đưa tổng số tiền hỗ trợ lên đến hơn 407 tỷ bảng Anh (khoảng 568 tỷ USD).
T.T
Xem thêm: Nhiều nước châu Âu cấm chuyến bay từ Anh sau khi xuất hiện chủng mới của virus Sars-CoV-2