Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão số 14
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Vùng áp thấp ở quần đảo Philippines đã mạnh thành áp thấp nhiệt đới và sẽ đi vào Biển Đông trong ngày 19/12, có thể mạnh thành bão số 14.
Hồi 1 giờ ngày 19/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 9,0 độ vĩ bắc; 121,0 độ kinh đông, trên khu vực vùng biển phía tây miền nam Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20 km đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 20/12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,6 độ vĩ bắc; 117,5 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 360 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 8,0 đến 12,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20 km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 1 giờ ngày 21-12, vị trí tâm bão ở khoảng 10,1 độ vĩ bắc; 113,3 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 180 km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/giờ), giật cấp 11. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15 km.
Theo Windy, sau khi vào Biển Đông, áp thấp nhiệt đới có hướng đi chếch xuống phía nam, ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta. Hình thái này có thể mạnh thành bão nhưng xu hướng đi men theo vùng biển ngoài khơi Nam Bộ, sau đó tan dần vào ngày 24/12.
Dù vậy, tương tác của cơn bão này với các hình thái khác có thể gây ra một đợt mưa cho các tỉnh phía Nam trong các ngày 21-23/12.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm trên Biển Đông nằm từ vĩ tuyến 8 đến 12 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 116 đến 120 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục ở khoảng 5-9 độ vĩ bắc nối với áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên vùng biển phía tây quần đảo Trường Sa có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8; biển động; sóng biển cao từ 2-4m.
Khu vực nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh. Trong 24 đến 48 giờ tới, khu vực giữa và nam Biển Đông gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Các chuyên gia cảnh báo, áp thấp nhiệt đới, bão có thể gây gió mạnh kèm dông lốc, gây nguy hiểm cho tàu thuyền đang hoạt động trên biển, người đi biển cần thường xuyên theo dõi tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống tín hiệu báo bão, đồng thời chú ý quan sát bầu trời và mặt biển để phán đoán diễn biến thời tiết.
Khi nhận được tin bão thì tùy thuộc vào vị trí của tàu, thuyền đang hoạt động, vị trí và cường độ hướng di chuyển của bão mà thuyền trưởng kịp thời cho tàu, thuyền vào bờ hoặc tránh xa vùng ảnh hưởng của bão.
Cơn bão này sẽ hoạt động ở vùng biển phía nam Biển Đông, các chuyên gia cảnh báo tàu thuyền hoạt động trên biển cần đề phòng cao độ vì đây vốn là vùng biển êm ả, dễ nảy sinh chủ quan. Hiện tại không khí lạnh từ phía Bắc cũng đang hoạt động với cường độ mạnh và liên tục tăng cường, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đáng kể đến đường đi của bão, do đó đường đi cơn bão này còn diễn biến phức tạp.
Nguyễn Dung