ASEAN và ASEAN+3 sẽ hỗ trợ tối đa DNNVV trong khu vực phục hồi sau đại dịch
(DNVN) - Tăng cường giao thương giữa các nước trong khối ASEAN và với các nước trên thế giới, cải thiện thủ tục hải quan, đơn giản hóa thủ tục pháp lý, đẩy mạnh thương mại điện tử, xúc tiến thương mại điện tử... là những giải pháp quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vực dậy sau dịch COVD-19.
Chia sẻ với báo chí về những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam và ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt và Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN+3 (bao gồm khối ASEAN và 3 nước đối tác Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản) đặc biệt trực tuyến chiều 4/6, Bộ Trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, các bộ trưởng đều đã có những đánh giá và trao đổi rất cụ thể về những tác động và diễn biến của dịch bệnh COVID-19 đối với hợp tác của ASEAN với các đối tác cũng như hợp tác nội khối, và đặc biệt là đánh giá cụ thể về những tác động cụ thể đối với kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia thành viên cũng như đời sống nhân dân, và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp.
"Có thể nói rằng, tại hai hội nghị này, 1 chương trình hành động và 1 tuyên bố chung đều đề cập đến những tác động cũng như dự báo diễn biến phức tạp quan trọng trong thời gian tới, nhưng quan trọng là trong tuyên bố chung và chương trình hành động đều đã đề cập những vấn đề lớn trong đường lối chính sách để đảm bảo hợp tác trong nội khối ASEAN cũng như hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác để đảm bảo hiệu quả trong phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Bộ trưởng khẳng định, diễn biến COVID-19 có thể còn nhiều phức tạp và theo nhiều dự báo, dịch bệnh này khả năng sẽ quay trở lại vào cuối năm nay. Chính vì vậy, các bộ trưởng kinh tế của ASEAN cũng như ASEAN+3 đều thống nhất mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh hiệu quả theo những chỉ đạo của mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ để đảm bảo chương trình phối hợp trong phòng, chống dịch COVID-19.
Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục tính toán đến các biện pháp hồi phục kinh tế, đảm bảo quốc kế dân sinh của mỗi quốc gia thành viên ASEAN cũng như mỗi nước đối tác là nội dung quan trọng thứ 2 và được thảo luận rất kỹ trong hội nghị.
Vì vậy, dưới tác động mạnh mẽ của COVID-19, các nước thành viên ASEAN cũng như các nước đối tác, các bộ trưởng đã thống nhất một số biện pháp quan trọng để đảm bảo dòng luân chuyển và dịch chuyển hàng hóa thiết yếu để phục vụ cho đời sống người dân, an ninh lương thực, thực phẩm, các mặt hàng về thuốc men, sản phẩm y tế, dược phẩm y tế phục vụ cho phòng, chống dịch bệnh phải được quan tâm và đảm bảo chuỗi cung ứng trong khu vực ASEAN cũng như giữa ASEAN và giữa các quốc gia.
Đồng thời, các nước đều thống nhất phải hạn chế những biện pháp hạn chế dòng luân chuyển hàng hóa cũng như lưu thông các sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thiết yếu.
Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia ASEAN và các nước đối tác đều khẳng định đây chính là thời điểm rất quan trọng mà kinh tế toàn cầu và khu vực sẽ phải đối mặt với yêu cầu về tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Các nước ASEAN đều thống nhất phải tập trung vào tăng cường hợp tác nội khối và tạo ra thực thể thống nhất trong thị trường ASEAN để tạo ra những khu vực có sức cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư để tiếp tục tái cơ cấu các chuỗi cung ứng thông qua đổi mới công nghệ, thu hút đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất cũng như tiếp tục phát triển thị trường theo hướng mở cửa và hạn chế biện pháp rào cản, kể cả thuế quan và phi thuế quan.
"Vì vậy, Chương trình Hành động Hà Nội cũng như Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 đều đã nêu lên nền tảng lớn để cho các nước triển khai thực hiện. Chính tinh thần đó đã được các bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục báo cáo với các nhà lãnh đạo của ASEAN cũng như của ASEAN + 3 để có chính sách linh hoạt, đảm bảo thực thi trên cơ sở phối hợp chặt chẽ theo tinh thần của Chương trình Hành động Hà Nội và Tuyên bố chung của ASEAN+3", Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin.
Mặt khác, các nước ASEAN sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động của các bộ trưởng ASEAN+3 để đảm bảo hiệu quả hơn trong thời gian tới về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Về giải pháp cụ thể hỗ trợ DNNVV vượt COVID-19, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cả Chương trình Hành động Hà Nội và Tuyên bố chung về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, đều có đề cập đến giải pháp tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục hoạt động.
Đối với các DNNVV của Việt Nam cũng như các nước ASEAN và các nước đối tác đã và đang phải đối mặt với hậu quả từ dịch bệnh COVID-19, các bộ trưởng đều đã thống nhất về nhu cầu cần phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng đơn giản hóa và tạo ra những môi trường cạnh tranh và thu hút đầu tư cũng như thuận lợi hóa cho các hoạt động thương mại và tiếp cận thị trường để cộng đồng DNNVV của tất cả các nước trong ASEAN và ASEAN + 3 đều có thể thụ hưởng và phát triển.
Thứ hai, các nước ASEAN và đối tác thống nhất sẽ tiếp tục hoàn thiện các khung khổ hợp tác, đặc biệt về thương mại và đầu tư để từ đó định hướng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DNNVV cũng như các đối tác của khu vực ASEAN sẽ tiếp tục tục thuận lợi hóa trong hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Thứ ba, các nước tham gia vào Chương trình Hành động Hà Nội cũng như Tuyên bố chung đều thống nhất sẽ tập trung vào cải thiện và thuận lợi hóa hơn trước hết trong môi trường hải quan, thủ tục của hải quan để tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa và thương mại cũng như dịch vụ liên quan đến đầu tư. Và đặc biệt là các nước đều thống nhất phải triển khai mạnh mẽ ngay trong năm 2020 những biện pháp quyết liệt hơn với sự hỗ trợ chung của khu vực Nhà nước cho khu vực DN để phát triển thương mại điện tử, hạ tầng thương mại, giao thương điện tử qua biên giới, và những ứng dụng của công nghệ thông tin vào thương mại điện tử sẽ được các nước tập trung cùng hỗ trợ phát triển, trong đó không chỉ là các thủ tục hành chính liên quan đến Chính phủ điện tử mà cả các hoạt động để xúc tiến thương mại, giao thương thông qua môi trường thương mại điện tử và thương mại điện tử qua biên giới mà các nước đang triển khai thực hiện.
Cuối cùng, các bộ trưởng tham dự hội nghị đều khẳng định sẽ tiếp tục tạo điều kiện để tham mưu và báo cáo với Chính phủ mỗi nước có những biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy cho cộng đồng DNNVV thông qua các khung khổ và các chính sách phù hợp với mỗi nước cũng như phù hợp với nguyên tắc của WTO và trong khung khổ hội nhập mà các nước tham gia về những nguồn lực hỗ trợ cả về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực để giúp DN có thể tiếp tục mở rộng, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như tiếp tục tạo điều kiện cho các DN, đặc biệt là DNNVV tiếp tục duy trì nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chính phủ của các nước ASEAN cũng như ASEAN+3 có quyền và tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cụ thể, đặc biệt thông qua kích cầu, đầu tư công và hạ tầng về kinh tế để tạo ra thị trường ổn định cho DN của mỗi nước cũng như DN đối tác để khai thác các cơ hội từ những thị trường này.