Bài 1: Kho mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trong tiệm cắt tóc, quán trà sữa

19:29 | 14/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mỹ phẩm Sắc Hồng gắn mác thuốc trị mụn thảo dược thiên nhiên để bán ra thị trường nhiều năm liền. Thế nhưng, theo điều tra của phóng viên, nhiều lô hàng của công ty này bất minh về lai lịch, vi phạm pháp luật.
Nhiều mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trong tiệm cắt tóc 
 
Thời gian gần đây, Toà soạn Doanh nhân Việt Nam liên tục nhận được phản ánh từ bạn đọc về việc sử dụng một số sản phẩm mỹ phẩm được quảng cáo có nguồn gốc từ thiên nhiên, lành tính với da. Thế nhưng, khi thoa lên da ban đầu thì rất đẹp, một thời gian sau da bong tróc, sần sùi, nổi vảy trắng và lên mụn. Một số chị em sau khi đến bệnh viện da liễu thì phát hiện da bị bào mòn, nhiễm corticoid.
 
Lần theo thông tin mà độc giả cung cấp, chúng tôi tiếp cận với một số loại mỹ phẩm gắn mác gia truyền, thảo dược đang được bán nhan nhản ngoài thị trường. Nổi bật trong số này là các sản phẩm được quảng cáo có công dụng “thần thánh” như thuốc chữa bệnh của công ty TNHH Mỹ phẩm Sắc Hồng (121A, Bờ Bao Tân Thắng, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh).
 
Bài 1: Kho mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trong tiệm cắt tóc, quán trà sữa - ảnh 1
 
Khi tư vấn mỹ phẩm Sắc Hồng cho khách hàng, bà Trương Ngọc Thuỷ giới thiệu bột rửa mặt thiên nhiên Sắc Hồng và theo bà thì sản phẩm này không cần xin cấp phép công bố. 
 
Liên hệ qua mạng xã hội với một Facebook có tên Phạm Thị Hồng Ngát (Bà Trùm Trị Mụn). Theo đó, Facebook này giới thiệu là nhà phân phối khu vực miền Nam mỹ phẩm Sắc Hồng chuyên trị mụn, nám, tàn nhang. Các hoạt động quảng cáo, buôn bán mỹ phẩm Sắc Hồng cũng thường xuyên được đăng tải trên Facebook Phạm Thị Hồng Ngát (Bà Trùm Trị Mụn).
 

 
Ngày 15/12, phóng viên tìm đến địa chỉ của bà Ngát ở số 251 Nguyễn Văn Khối, phường 10, quận Gò Vấp. Tại đây, vừa là tiệm cắt tóc và là nơi tập kết, buôn bán mỹ phẩm Sắc Hồng qua các kênh phân phối online cũng như bán trực tiếp tại cửa hàng.
 
Bà Ngát đem ra nhiều loại mỹ phẩm để giới thiệu với chúng tôi gồm: Tinh chất ngừa mụn nám Sắc Hồng, serum trị mụn nám cao cấp Sắc Hồng, bột đắp mặt nạ…“Mỹ phẩm này uy tín, em bán lâu rồi, chị muốn nhập hàng thì em sẽ gửi cho chị vì nhập qua Boss giá rất cao, phải từ 500 triệu tiền hàng trở lên. Bên em có chị Mai Lâm một tháng nhập 3 tỷ qua Boss” – bà Ngát vừa giới thiệu từng loại mỹ phẩm vừa luôn miệng khoe với chúng tôi.
 
Quan sát một số sản phẩm, phóng viên nhận thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nhãn mác của Bộ Y tế. Cụ thể, có sản phẩm không có số lô, một số sản phẩm thì dù chỉ là mỹ phẩm nhưng được ghi như thuốc chữa bệnh với công dụng “siêu trị mụn”. 
 
Theo quy định tại Khoản 14 Điều 2 Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm do Bộ Y tế ban hành thì số lô sản xuất mỹ phẩm là ký hiệu bằng số hoặc bằng chữ, hoặc kết hợp cả số và chữ nhằm nhận biết lô sản phẩm và cho phép truy xét toàn bộ lai lịch của một lô sản phẩm bao gồm tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và phân phối lô sản phẩm đó.

Kho mỹ phẩm không lai lịch trong quán trà sữa  

Tình trạng kinh doanh mỹ phẩm Sắc Hồng sai nhãn mác cũng được Phóng viên Doanh nhân Việt Nam phát hiện tại một cơ sở ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Theo dõi một thời gian dài hai trang Facebook có tên “Đặc Trị Mụn, Nám, Tàn Nhang Sắc Hồng”, “Jessica Huynh Home”, phóng viên ghi nhận thường xuyên có hoạt động livestream buôn bán mỹ phẩm của một cô gái trẻ tự giới thiệu tên Huỳnh Hoài Thư.
 
Theo đó, người này thường xuất hiện trên hai trang Facebook trên với gương mặt ưa nhìn, làn da trắng mịn, căng bóng. Hàng loạt sản phẩm của công ty TNHH Mỹ phẩm Sắc Hồng liên tục được  Thư quảng bá và rao bán. Trong vai khách hàng, phóng viên tiếp cận qua mạng xã hội với Thư thì được mời đến địa chỉ 162 kênh Tân Hoá, phường Phú Trung, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. 
 
Bài 1: Kho mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trong tiệm cắt tóc, quán trà sữa - ảnh 2
 
Một số sản phẩm mỹ phẩm được ghi nhãn là thuốc và có công dụng như thuốc chữa bệnh của công ty TNHH Mỹ phẩm Sắc Hồng.
 
Ngày 22/1, phóng viên đến địa chỉ này thì thấy đây là một quán trà sữa. Khi vào bên trong quán, một người phụ nữ đứng tuổi xuất hiện và giới thiệu tên...Thư!? Khác xa với những gì mà khách hàng thường thấy về một cô gái trẻ tên Thư bán mỹ phẩm Sắc Hồng trên mạng xã hội. Khi gặp thực tế làn da của bà Thư xỉn màu, nhiều sẹo mụn và bà Thư cũng không hề trẻ trung như xuất hiện trên các trang Facebook để bán hàng.
 
Bà Thư mang một loạt sản phẩm Sắc Hồng ra giới thiệu với chúng tôi. Và cũng giống như các loại mỹ phẩm mà phóng viên từng được xem trước đó trong tiệm cắt tóc ở quận Gò Vấp. Tương tự, hàng loạt sản phẩm Sắc Hồng đều không ghi số lô trên nhãn hàng hoá.
 
Để có đầy đủ chứng cứ cung cấp cho các cơ quan chức năng xử lý, phóng viên đã mua hai sản phẩm gồm “Tinh chất ngừa mụn nám Cleansing Acne” và “Serum Sắc Hồng siêu trị mụn nám cao cấp”.
 
Quan sát hộp mỹ phẩm “Tinh chất ngừa mụn nám Cleansing Acne” mà phóng viên mua được từ bà Thư, ghi nhận nhãn mỹ phẩm có ghi: “Sản phẩm của công ty TNHH Mỹ phẩm Sắc Hồng, ngày sản xuất 15/5/2020, hạn sử dụng 15/5/2022”.
 
Ở phần hướng dẫn sử dụng, nhãn ghi: “1. Trong thời gian sử dụng thuốc ngưng tất cả các loại mỹ phẩm kể cả sữa rửa mặt. 2. Rửa mặt bằng nước ấm. Lắc đều thuốc thoa đều mặt. 3. Nếu da có nhiều mụn, lấy nhân mụn ra, rồi sau đó rửa sạch lại bằng nước ấm rồi thoa thuốc. 4. Nếu cần trang điểm thì ngưng sử dụng thuốc 1-2 ngày, rửa mặt bằng nước ấm rồi thoa lại thuốc…”. Nhãn sản phẩm này cũng không ghi số lô.
 
Đối với hộp “Serum Sắc Hồng siêu trị mụn nám cao cấp” mà bà Thư bán cho PV, ghi nhận nhãn sản phẩm ghi “Chị trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH Mỹ phẩm Sắc Hồng”. Sản phẩm không ghi số lô sản xuất. Phần công dụng trên nhãn được ghi: “Điều trị các loại mụn: mụn ẩn, mụn bọc, mụn mủ, mụn đầu đen, mụn trứng cá”.
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, một số sản phẩm của công ty TNHH Mỹ phẩm Sắc Hồng đã từng được Sở Y tế TP HCM cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm vào năm 2018. Nhưng vì sao hiện nay các sản phẩm có mặt trên thị trường đều không có số lô để khách hàng truy xuất nguồn gốc? Và hơn thế nữa, các loại mỹ phẩm này lại có dấu hiệu biến tướng về nhãn khi thể hiện mỹ phẩm là thuốc. Dù theo quy định, thuốc là sản phẩm dược phẩm do Bộ Y tế cấp phép.
 
Bất cập trong kiểm soát mỹ phẩm hiện nay là cá nhân tự công bố chất lượng rồi sản xuất sản phẩm, cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm về thành phần, chất lượng sản phẩm. Lợi dụng sơ hở này, nhiều cá nhân, tổ chức làm ăn gian dối đã công bố thành phần sản phẩm một đằng rồi sản xuất một nẻo.
 
Muốn chống được vấn nạn mỹ phẩm không nguồn gốc, cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, và quan trọng hơn, chính bản thân người tiêu dùng cũng cần phải sáng suốt lựa chọn những sản phẩm mỹ phẩm chính hãng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nếu không, chính sự dễ dãi của người tiêu dùng cũng là hành vi tiếp tay cho sự xâm nhập tràn lan, tạo đất sống cho các cá nhân sản xuất và buôn bán mỹ phẩm dỏm.
 
Bài 2: Bí ẩn công ty ma và bà giám đốc thuê phòng trọ bán mỹ phẩm không nhãn mác
 
Nhóm Phóng viên