Bài 1: Thâm nhập cửa hàng không tên mỗi tháng thu 2 tỷ tiền bán mỹ phẩm
Sản phẩm của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thuỷ Vũ đang phân phối trên thị trường được quảng bá có nguồn gốc rõ ràng. Điều tra đặc biệt của Doanh Nhân Việt Nam cho thấy không phải như vậy.
Một người phụ nữ đang kinh doanh mỹ phẩm số lượng lớn có dấu hiệu sai phép ngay tại cửa hàng ở tầng trệt của chung cư. Theo người dân việc kinh doanh này đã tồn tại lâu nhưng cơ quan chức năng chưa thấy kiểm tra.
Mở cửa hàng kinh doanh “chui”?
Tháng 11/2020, Doanh nhân Việt Nam nhận được phản ánh về một cá nhân có tên Nguyễn Thị Thu Hiền mở cửa hàng mỹ phẩm tại chung cư để kinh doanh trực tiếp và bán hàng qua Facebook có dấu hiệu bất minh trong hoạt động kinh doanh. Để tiến hành thu thập thông tin, nhóm phóng viên đã vào vai khách hàng nhằm tiếp cận với người phụ nữ này.
Nơi bà Hiền bán mỹ phẩm số lượng lớn là một cửa hàng không tên (khoanh đỏ) tại block B chung cư 24 AB
Trên mạng xã hội, bà Thu Hiền thường xuất hiện trong các video livestream trên ba tài khoản Facebook có tên: Mỹ phẩm tái tạo Chamomileskill; Kem tái tạo da Chamomileskill; nguyễn thị thu huyền.
Ba tài khoản Facebook này cứ cách vài tiếng lại có hoạt động đăng tải các bài viết quảng bá sản phẩm, phát trực tiếp video, thường xuyên khoe ảnh các giao dịch mua bán hàng hoá. Các sản phẩm mà ba tài khoản Facebook rao bán đều được phân phối độc quyền bởi công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thuỷ Vũ (số 19, ngách 1/12, ngõ 1, phố Đại Đồng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Bên trong cửa hàng bán mỹ phẩm của bà Hiền, kênh facebook https://www.facebook.com/hien.meo.75 thường livestream cảnh bà Hiền bán hàng, mỹ phẩm chất đầy cửa hàng
Ngày 24/12, trong vai khách hàng, phóng viên tìm đến cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm của bà Hiền đặt tại tầng trệt, block B – chung cư 24 AB (Số 24 AB, đường D5, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM). Khi đến đây, nếu không được bảo vệ chung cư hướng dẫn thì chúng tôi không thể biết được đó là cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm của bà Hiền, bởi nơi này chỉ là một căn phòng đóng kín cửa, không có biển hiệu.
Khác với lớp vỏ “nguỵ trang” bên ngoài, khi phóng viên đẩy cửa bước vào thì thấy bên trong trưng bày số lượng lớn sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên các dãy kệ. Một nhân viên đang ngồi ghi chép và sắp xếp những thùng hàng hoá ở quầy, cạnh đó là bà Thu Hiền đang ngồi bán mỹ phẩm qua một máy quay livestream.
Khi biết chúng tôi muốn mua mỹ phẩm, bà Hiền tư vấn rất nhiệt tình về nhiều loại mỹ phẩm như tế bào gốc, kem tái tạo, kem trị mụn, trà giảm cân…Theo bà Hiền thì tất cả các sản phẩm này đều của công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thuỷ Vũ.
Lật tẩy mỹ phẩm Chamomilesill của "boss" Vũ Thanh Thuỷ
Quan sát các sản phẩm bày bán trên kệ, phóng viên ghi nhận nhiều sản phẩm ghi sai nhãn mác, có dấu hiệu thổi phồng công dụng của mỹ phẩm, làm sai lệch bản chất vốn có của sản phẩm nhưng vẫn được đưa ra thị trường để tiêu thụ.
Cụ thể, Thông tư 06/2011/TT-BYT có quy định rõ về cách đặt tên và ghi công dụng đối với các sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó, với một số từ mang ý nghĩa chữa khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa khỏi” hay “xóa sẹo”, “trị mụn”, “làm lành mụn” …đối với các sản phẩm chăm sóc da sẽ không được phép sử dụng để đặt tên sản phẩm hoặc công dụng của sản phẩm.
Doanh thu gần 5 tỷ năm 2020?
Dù có cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ngay tầng trệt chung cư nhưng bà Thu Hiền không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh. Phải chăng, cá nhân này đang sử dụng chiêu trò để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế?
Theo nội dung đăng tải từ ba kênh Facebook trên thì mỗi chuyến hàng của bà Hiền xuất bán cho khách hàng dao động từ 10 đến 20 triệu. Có hôm, bà Hiền khoe xuất bán một ngày có đơn hàng lên đến 300 triệu.
Lọ mỹ phẩm không nhãn mác được bày bán trong cửa hàng của bà Hiền. Ảnh: Cắt từ video điều tra
Ngày 31/12, Facebook “nguyễn thị thu hiền” đăng tải dòng caption “Năm ngoái tổng kết năm mình thu hộ được 1 tỷ, lúc đó đối với mình là 1 niềm vui to bự, thỏ thẻ ước năm sau thu 2-3 tỷ. Nhưng cuộc đời không cho phép nỗ lực ngừng tại đó. Ngày 31/12/2020 thu hộ hơn 4,5 tỷ đồng, ngày cuối cùng của năm không mong gì hơn”. Kèm theo đó là hình ảnh chụp lại màn hình quản lý dòng tiền, trong đó tổng 52 phiên đối soát là hơn 4,5 tỷ.
Trước đó, khi phóng viên trong vai khách hàng thâm nhập vào cửa hàng kinh doanh của bà Hiền, lúc tư vấn bà Hiền cũng từng hé lộ: “Em bán mỹ phẩm này là từ năm 2016. Cứ đều một tháng là bán được 1 đến 2 tỷ tiền kem không đó”.
Một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Nếu mỗi tháng bán được đến 2 tỷ tiền mỹ phẩm như bà Hiền tự thú nhận thì người phụ nữ này có thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế không trong khi cơ sở kinh doanh lại ẩn mình sau cánh cửa không biển hiệu?
Hiện tại theo quy định, các doanh nghiệp thương mại điện tử, cá nhân bán hàng trên Facebook, Zalo, Viber… nếu doanh thu bán hàng trên ngưỡng doanh thu chịu thuế (ngưỡng doanh thu quy định hiện hành là từ 100 triệu đồng/năm trở lên) có nghĩa vụ kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân.
Bộ luật hình sự 2015 có hiệu lực từ năm 2016 quy định, số tiền trốn thuế từ 300 triệu - dưới 1 tỷ đồng thì bị phạt tiền từ 500 triệu - 1,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm. Nếu trốn thuế với số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1,5 tỷ - 4,5 tỷ đồng, hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm; hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Liên quan đến hoạt động kinh doanh của bà Thu Hiền, để tránh thất thu thuế, đề nghị Cục Thuế TP HCM cần nhanh chóng tiến hành thu thập thông tin từ ngân hàng thể hiện qua số tiền được chuyển vào tài khoản cá nhân. Từ đó, đối chiếu với số liệu mà cá nhân này kê khai với cơ quan thuế để làm rõ sự chênh lệch doanh thu theo kê khai và doanh thu thực tế.
Bài 2: Thêm một cá nhân kinh doanh mỹ phẩm Chamomileskill sai nhãn mác số lượng lớn
Nhóm Phóng viên