Bài 15: "2021 là năm doanh nghiệp khó khăn nhất trong vài thập kỷ qua"

10:10 | 31/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Tiến sĩ Trần Khắc Tâm, từ đầu năm đến nay, có tình trạng “đóng băng” nhiều hoạt động kinh tế, thậm chí là nhiều doanh nghiệp đã “chết lâm sàng”.

Sáng 31/8, phát biểu tại buổi Đối thoại doanh nghiệp mang tên Giải pháp kinh tế và pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp giai đoạn Covid-19, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng khẳng định năm 2021 được đánh giá là năm khó khăn nhất trong vài thập kỷ trở lại đây đối với cộng đồng doanh nghiệp. Minh chứng cho điều đó là nhiều doanh nghiệp "đóng băng", chết lâm sàng và giải thể.

Bên cạnh đó, ông Tâm cũng đã đưa ra nhiều đề xuất để hỗ trợ các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn hiện nay.

Đối diện với nguy cơ kinh tế toàn vùng “chết lâm sàng”

Đến thời điểm này, đại dịch Covid-19 đã gây ra hậu quả hết sức nặng nề lên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là một “cú đòn” lịch sử giáng lên toàn bộ các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và khu vực ĐBSCL lần đầu tiên phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trên diện rộng như vậy.

Mặc dù Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách để phòng chống Covid-19, quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”. Nhưng do diễn biến hết sức phức tạp của dịch bệnh, nên nhiệm vụ duy trì sản xuất, phát triển kinh tế là rất khó khăn, thời gian gần đây có tình trạng “đóng băng” nhiều hoạt động kinh tế, thậm chí là nhiều doanh nghiệp đã “chết lâm sàng”. 

Bài 15: 2021 là năm doanh nghiệp khó khăn nhất trong vài thập kỷ qua - ảnh 1

TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. 

Đến thời điểm này, chúng ta phải khẳng định rằng các hoạt động kinh tế chỉ có thể mở lại trong trạng thái “bình thường mới” khi có đủ vaccine tiêm cho từ 70% dân số trở lên và khi có thuốc hữu hiệu điều trị Covid-19. Như vậy dự báo trong thời gian tới, ít nhất đến giữa quý 4 năm 2021, tình hình vẫn rất khó khăn.

Tôi xin được dẫn lại con số thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thấy được tình hình chung của cộng đồng doanh nghiệp. Thống kê cho thấy 7 tháng đầu năm nay có tới 79.673 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020 (năm 2020 là năm chúng ta đã rất khó khăn rồi). Riêng TP.Hồ Chí Minh đã có hơn 23.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Chưa kịp có số thống kê trong tháng 8, nhưng chắc chắn là hàng chục ngàn doanh nghiệp phải tiếp tục rời thị trường, nhất là khi Chính phủ phải áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm khắc hơn.

Với dự báo cả trăm ngàn doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường trong năm 2021, thì đây chính là năm khó khăn nhất trong vài thập kỷ trở lại đây.

Tại khu vực ĐBSCL của chúng ta, điều nhìn thấy rõ nhất thời gian qua là khó khăn trong lưu thông hàng hoá. Do toàn bộ Miền Nam áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng, một số địa phương còn đặt thêm các điều kiện, do đó xe vận tải đi lại rất khó khăn. Áp lực công việc, phải xét nghiệm thường xuyên, phải cách ly…, khiến nhiều tài xế xin nghỉ việc, một số doanh nghiệp vận tải dừng hoạt động. Hàng triệu tấn lúa tại khu vực ĐBSCL bị ùn ứ, trong khi nhiều tàu hàng nước ngoài vẫn đợi ở phao số 0 chờ “ăn hàng”; nhiều sản phẩm nông, thuỷ sản khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Ngoài việc áp dụng Chỉ thị 16, một số địa phương còn tự đặt ra các quy định riêng, gây khó, làm ách tắc và gián đoạn quá trình lưu thông hàng hoá. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận chuyển rất cao (gấp 2-3 lần bình thường).

Cách đây ít ngày, có tới 8 hiệp hội phải gửi đơn cầu cứu Thủ tướng và Thủ tướng đã yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các tỉnh, thành phố không được đặt thêm các điều kiện trong lưu thông. Cũng đến thời điểm này, Bộ trưởng Bộ GTVT mới phát ngôn điều rất đúng là “hàng hoá nào cũng là hàng hoá thiết yếu”.

Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thì trong thời gian tới logistis phải thông thoáng vừa đáp ứng các yêu cầu về phòng chống dịch, vừa đảm bảo hàng hóa được lưu thông nhanh chóng, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về chi phí tham gia logistic như cước tàu, chi phí test Covid. Tôi cho rằng, khai thông được khâu vận chuyển hàng hoá là điểm cốt tử để duy trì lưu thông mạch máu kinh tế. Nếu không làm được điều này, thì thậm chí chúng ta phải đối mặt với nguy cơ kinh tế toàn vùng “chết lâm sàng”.

Một trong những giải pháp quan trọng trong lưu thông hàng hoá, ngoài việc duy trì các luồng xanh giao thông thông suốt, thuận lợi, thống nhất thủ tục trong cả nước, thì nhất định phải ưu tiên tiêm vaccine cho 100% đội ngũ tài xế, bảo đảm sức khoẻ phòng dịch cho họ.

Độ phủ của vaccine quyết định việc hoạt động của doanh nghiệp

Một vấn đề tôi muốn đề cập nữa là mô hình 3 tại chỗ nếu áp dụng trong thời gian ngắn (2 tuần) thì được, nhưng nếu áp dụng thời gian dài sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Do đó, trong thời gian giãn cách, một số doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” chỉ hoạt động cầm chừng, sản xuất với 20-30% công suất. Có doanh nghiệp cả ngàn lao động, nhưng khi thực hiện “3 tại chỗ”, do các yêu cầu phòng dịch nghiêm ngặt, họ chỉ có thể bố trí được 200-250 công nhân làm việc, không đảm bảo hoạt động theo dây chuyền sản xuất. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng, nhưng có một số doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì sản xuất được.

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến như vậy, việc mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh phụ thuộc vào tốc độ tiêm vaccine cho người dân. Chúng ta cũng nhận được sự an ủi lớn là với chính sách “ngoại giao vaccine” đầy nỗ lực và hiệu quả của Chính phủ, có nhiều tín hiệu cho thấy Việt Nam sẽ nhận được số lượng vaccine nhiều hơn so với kế hoạch được công bố trước đây.

Độ bao phủ của vaccine sẽ quyết định đến việc sớm mở lại các hoạt động kinh tế. Chính vì vậy, hôm nay tôi cũng mong nhận được lời khuyên hữu ích của các chuyên gia, đồng nghiệp về các chính sách cần kíp cho thời kỳ “bình thường mới”.

Bài 15: 2021 là năm doanh nghiệp khó khăn nhất trong vài thập kỷ qua - ảnh 2

Ảnh VOV. 

Theo cá nhân tôi, ngay từ bây giờ, Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng thật tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ khi các hoạt động sản xuất, kinh doanh được mở lại.

Cũng đáng mừng là trong thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản về vấn đề này, gần đây một số ngân hàng thương mại lớn đã tuyên bố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng biện pháp hạ lãi suất cho vay.

Nhưng chính sách cần phải mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là vấn đề cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp. Ngoài cam kết của các ngân hàng, tôi cho rằng Chính phủ nên hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Cùng đó là các chính sách miễn, giảm, giãn thuế phải hợp lý và thực chất.

Điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ là với những khó khăn chung chưa thể tháo gỡ thì chúng ta buộc phải chấp nhận. Tình hình dịch bệnh như vậy, không có cách nào khác là phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho nhân dân, thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội.

TS.Trần Khắc Tâm

ĐỌC NHIỀU