Ban Kinh tế Trung ương, Ban Đối ngoại Trung ương ký thỏa thuận hợp tác
(DNVN) - Thông qua những hoạt động đối ngoại, Ban Kinh tế Trung ương đã góp phần khẳng định sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng, thể chế chính trị của Việt Nam trong nhận thức của cộng đồng quốc tế.
Chiều 17/7, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Đối ngoại Trung ương đã tổ chức lễ ký Quy chế phối hợp công tác.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đồng chủ trì lễ ký.Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hoạt động đối ngoại và hợp tác nghiên cứu kinh tế quốc tế của Ban Kinh tế Trung ương diễn ra sôi động với hàng trăm cuộc tiếp, làm việc với các đối tác quốc tế, nội dung đa dạng, thiết thực.
Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thường niên mang tầm quốc tế, như Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, Diễn đàn Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thu hút sự quan tâm rất lớn ở trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, Ban Kinh tế Trung ương đã tiến hành các chuyến thăm, làm việc tại các nước đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tham dự, phát biểu tại các diễn đàn quốc tế lớn, như Diễn đàn Kinh tế quốc tế St Petersburg, Diễn đàn Kết nối Âu-Á, được các đối tác ghi nhận, đánh giá cao, qua đó góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Đảng cũng như của đất nước, thúc đẩy các lợi ích kinh tế của Việt Nam.
Thay mặt Ban Đối ngoại Trung ương, đồng chí Hoàng Bình Quân bày tỏ sự ấn tượng, đánh giá cao hoạt động đối ngoại thời gian qua của Ban Kinh tế Trung ương.
Thông qua những hoạt động đối ngoại, Ban Kinh tế Trung ương đã góp phần khẳng định sâu sắc vai trò lãnh đạo của Đảng, thể chế chính trị của Việt Nam trong nhận thức của cộng đồng quốc tế.
Trong nhiệm kỳ này, nhiều đối tác quốc tế khi đến Việt Nam có mong muốn gặp, làm việc với Ban Kinh tế của Đảng, kể cả với những đối tác trước đây chưa hiểu rõ Việt Nam.
Ngay với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) mới được Quốc hội thông qua tháng 6/2020, vai trò của Ban Kinh tế Trung ương trong việc thúc đẩy phía EU ủng hộ và sớm thông qua Hiệp định này rất rõ nét.
Thông qua hoạt động hợp tác quốc tế, Ban Kinh tế Trung ương đã giúp Đảng ta chắt lọc lý luận và thực tiễn, trí thức, kinh nghiệm để đưa ra các chủ trương, đường lối lãnh đạo phát triển kinh tế; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiên cứu các dự báo về tình hình kinh tế thế giới, dự báo những biến động để có thể chủ động hơn.
Phát biểu tại lễ ký kết, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá cao sự hợp tác của hai Ban trong hoạt động đối ngoại, qua đó đã giúp cho các đối tác quốc tế hiểu rõ hơn vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với mọi mặt đời sống, đặc biệt là phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh nhiệm vụ chiến lược là trực tiếp tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, đường lối phát triển kinh tế-xã hội, với việc phối hợp chặt chẽ với Ban Đối ngoại Trung ương đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, Ban Kinh tế Trung ương đã làm sâu sắc hơn nhiệm vụ chính trị chính, khẳng định vai trò, cũng như chủ trương tái lập Ban Kinh tế Trung ương là hết sức đúng đắn.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình tin tưởng với việc ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa hai Ban, công tác đối ngoại của Đảng nói chung, đối ngoại về kinh tế nói riêng sẽ được nâng lên tầm cao mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp chung của Đảng, vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Quy chế hợp tác giữa Ban Kinh tế Trung ương và Ban Đối ngoại Trung ương được thực hiện nhằm tăng cường hiệu quả phối hợp giữa hai cơ quan trong đề xuất các chủ trương, chính sách lớn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường hiệu quả hoạt động đối ngoại, nâng cao vị thế của Đảng và đất nước trên trường quốc tế; phát huy nguồn lực, thế mạnh, tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo Quy chế hợp tác này, hai đơn vị sẽ có các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại, kinh tế quốc tế, bao gồm trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu, nghiên cứu, tham mưu, thẩm định các báo cáo, đề án lớn của hai bên; triển khai các hoạt động đối ngoại; tổ chức các diễn đàn, tọa đàm hội nghị hội thảo quốc tế…/.