Bán lẻ, Chứng khoán, Thép và CNTT được dự báo sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận quý II
Áp lực bán ròng của khối ngoại lên tới 650 triệu USD trong tháng 6, tiếp tục xu hướng bán ròng suốt nhiều tháng qua.
Trong báo cáo thị trường chứng khoán mới đây, Dragon Capital chỉ ra rằng trên thực tế, áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn ở hầu hết các thị trường châu Á. Việc giải thể quỹ iShares Frontier ETF, với tổng tài sản khoảng 120 triệu USD tại Việt Nam, cũng góp phần tăng thêm áp lực này.
Về triển vọng VN-Index, các chuyên gia Dragon Capital cho rằng càng gần tới thời điểm Fed chính thức cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ vào các yếu tố vĩ mô ổn định và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó là kỳ vọng tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II, với ước tính tăng trưởng lợi nhuận từ 14-17% so với cùng kỳ, được dẫn dắt bởi một số nhóm ngành chủ chốt như Bán lẻ, Chứng khoán, Thép và Công nghệ thông tin.
Ngoài ra, dự thảo thông tư sửa đổi quy định ký quỹ trước giao dịch dự kiến sẽ được Bộ Tài chính công bố vào tháng 7. Dragon Capital kỳ vọng ngoài việc đem lại những tín hiệu tích cực cho thị trường, dự thảo lần này còn tái khẳng định quyết tâm của chính phủ trong nỗ lực nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025.
Tuy vậy, trên cơ sở định giá một số ngành đang tương đối cao và đã phản ánh trước kỳ vọng tăng trưởng, nhóm phân tích vẫn giữ quan điểm thận trọng về thị trường nói chung và ưu tiên việc lựa chọn cổ phiếu có mức định giá an toàn. Đặc biệt, trong bối cảnh dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đang hấp thu và cân bằng lực bán của nhà đầu tư nước ngoài, thị trường có thể tiếp tục giằng co và nhiều biến động.
Chung quan điểm rằng định giá thị trường không còn rẻ, SGI Capital trong báo cáo triển vọng thị trường mới đây cũng nhận định ngoại trừ nhóm Ngân hàng đang có định giá dưới trung bình, phần lớn các nhóm ngành khác giá cổ phiếu đã được đưa lên vùng định giá cao nhiều năm phản ánh kỳ vọng lạc quan và chỉ phù hợp với sự phục hồi mang tính đột biến ở nửa cuối năm và 2025.
“Cơ hội đầu tư tốt trở nên khan hiếm trong khi rủi ro đang tăng lên, sẽ cần kiên nhẫn và thận trọng hơn với thị trường thời gian tới”, báo cáo của SGI Capital khuyến nghị.
Triển vọng vĩ mô tích cực sẽ tiếp tục nâng đỡ thị trường
Theo Dragon Capital, triển vọng vĩ mô ổn định và tích cực được nhận định vẫn sẽ là yếu tố nâng đỡ thị trường trong nửa cuối 2024.
Kinh tế Việt Nam đang chứng kiến đà phục hồ tiếp tục với kết quả nửa đầu năm ấn tượng. GDP quý II đạt mức tăng trưởng 6,93%, và GDP Quý q cũng được điều chỉnh tăng lên 5,9% so với mức 5,7% được công bố trước đó, đưa nền kinh tế mở rộng 6,4% trong nửa đầu năm, cao thứ hai kể từ năm 2020.
Cả hai ngành sản xuất và dịch vụ đều đạt kết quả vượt dự kiến. Chỉ số sản xuất công nghiệp có 2 tháng liên tiếp tăng trên 10% với đơn hàng quay trở lại đối với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt nam. Nhiều công ty trong lĩnh vực dệt may đã có đơn hàng kéo dài đến tháng 9-10 năm nay, trong khi nhu cầu thay đổi các thiết bị điện tử và di động để đáp ứng công nghệ mới giúp số lượng đặt mua đồ điện điện tử gia tăng. PMI tháng 6 đạt mức 54,7 so với mức 50,3 vào tháng 5, đánh dấu sự cải thiện tích cực trong điều kiện kinh doanh.
Tiêu dùng trong nước cũng đạt mức tăng trưởng 8,8% trong quý II, trong đó tiêu dùng hàng hóa tăng 7,7%; chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống tăng 17,5% cùng với du lịch tăng 30%. Kết quả này một phần được hỗ trợ bởi ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy sự phục hồi tích cực với lượng du khách quốc tế hàng tháng duy trì ổn định ở mức 1,2-1,4 triệu lượt.
Sau mức giảm 3% trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại quốc tế có dấu hiệu hồi phục với mức tăng ước tính đạt 1,2% trong 6 tháng đầu năm 2024, và điều này có tác động tích cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong 6 tháng ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ; trong đó xuất khẩu tăng 14,9% và nhập khẩu tăng 17,3%. Nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, trong đó bao gồm đồ điện tử, máy tính (+ 28,6%), điện thoại và linh kiện (+ 11,3%) và máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng (+ 16,2%).
Về chính sách tiền tệ, Việt Nam đã duy trì nền lãi suất tương đối ổn định, cụ thể lãi suất cho vay hầu như không thay đổi kể từ cuối năm 2023 mặc dù lãi suất huy động đã tăng từ 50-100 điểm cơ bản tại các kỳ hạn khác nhau.
Trong bối cảnh đồng USD đang mạnh lên, đồng Việt Nam mất giá 4,8% tính từ đầu năm, và tiềm ẩn sức ép về lạm phát khiến cho dư địa của các chính sách tiền tệ bị hạn chế, các công cụ tài khóa có thể sẽ nắm vai trò chủ đạo trong hỗ trợ và phát triển kinh tế giai đoạn 6 tháng cuối năm.
Giải ngân đầu tư công đến hết tháng 6 chỉ đạt 29,4% so với kế hoạch, đồng nghĩa với việc dư địa tăng trưởng trong giai đoạn còn lại là rất lớn. Thêm vào đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm thuế và phí, kết hợp với tăng lương cơ sở thêm 30% và tăng mức lương tối thiểu vùng thêm 6%, được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng trong nước trong 6 tháng cuối năm tới đây.
Trên cơ sở kết quả 6 tháng đầu năm, Chính phủ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 từ 6,0-6,5% lên mức 6.5-7,0%. Mức điều chỉnh này phù hợp với dự báo tăng trưởng GDP của Quý III và Quý IV lần lượt là 7,4% và 7,6%.