Bán lẻ dược phẩm: Thế chân vạc và những tay chơi mới

07:25 | 23/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hai năm đại dịch là điểm vàng bùng nổ của ngành bán lẻ dược phẩm, nhất là các mô hình hiện đại.

Trong báo cáo thị trường mới nhất của Kantar Media, nhóm hàng chăm sóc cá nhân, trong đó có chăm sóc sức khoẻ và dược phẩm, có tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong thời kỳ dịch bệnh. Theo số liệu của Chứng khoán Phú Hưng (PHS), doanh số bán lẻ dược phẩm của Việt Nam chỉ đạt 30% trong tổng doanh thu ngành dược, trong khi tỷ lệ này ở Brazil là 64% và Philippines là 80%.

Do đó, chuỗi nhà thuốc có lợi thế nguồn vốn, quy trình quản lý và cách tối ưu chi phí tốt đang được xem là “gà đẻ trứng vàng” của các ông lớn trong ngành. Tính tới tháng 3/2022, theo thống kê của PHS, số lượng các nhà thuốc truyền thống vào khoảng 57.000, chiếm vào khoảng 85% thị trường, 15% còn lại là chuỗi nhà thuốc hiện đại.

Mức độ hiện diện, danh mục sản phẩm đa dạng, năng lực tư vấn của nhân viên bán thuốc, chương trình khách hàng thân thiết, chuyển đổi số hóa đang được coi là điểm mạnh giúp các chuỗi nhà thuốc cạnh tranh với nhà thuốc truyền thống. Các chuỗi nhà thuốc đang chạy đua mở rộng mạng lưới/ nhận diện thương hiệu, hướng đến các sản phẩm người tiêu dùng mong muốn (thuốc trị COVID-19, thực phẩm, sản phẩm làm đẹp,..) và ưu tiên chuyển đổi số hóa để giành thị phần.

Số lượng các chuỗi nhà thuốc.

Thị trường dược phẩm đang chứng kiến cuộc so găng khốc liệt và cuộc đua đốt tiền giữa ba chuỗi Pharmacity, Long Châu và An Khang.

Tính tới 21/3, chuỗi Pharmacity đã cán mốc 1.000 cửa hàng, dẫn đầu số lượng nhà thuốc với khoảng 8% thị phần sau 10 năm. Pharmacity tham vọng đạt 5.000 cửa hàng vào năm 2025 và sẽ xây dựng Pharmacity App để kết nối 7 triệu khách hàng thân thiết với các bác sĩ, phòng khám, bệnh viện, các công ty bảo hiểm.

2017 có thể nói là năm đánh dấu bước ngoặt của ngành bán lẻ dược phẩm với sự gia nhập của cả hai ông lớn là CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) và CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động.

Mạnh tay chi tiền, sau 5 năm, số lượng nhà thuốc Long Châu đã cán mốc 546 tính tới cuối tháng 3/2022, chỉ đứng sau Pharmacity. Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ Tịch FPT Retail kiêm Tổng Giám Đốc FPT Long Châu chia sẻ: "Mục tiêu của chúng tôi là trở thành chuỗi nhà thuốc số 1 Việt Nam, dự kiến mở rộng thêm vài nghìn nhà thuốc trong 3 năm tới”.

Thành lập từ năm 2006, song chuỗi An Khang chỉ bùng nổ sau thương vụ về chung nhà với Thế Giới Di Động năm 2017. Sau hơn 5 năm, số lượng nhà thuốc An Khang đã tăng gần 17 lần và cán mốc 250 cửa hàng cuối tháng 4/2022. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế Giới Di Động không giấu tham vọng khi nói rằng “sắp tới các bạn sẽ thấy chuỗi An Khang mở rộng vũ bão”. Đồng thời, ông cũng chia sẻ thêm rằng “sau nhiều năm không tập trung, năm nay với sự lèo lái của ông Đoàn Văn Hiểu Em, An Khang sẽ vào top 3 về quy mô cũng như hiệu quả”. Trong năm 2022, An Khang sẽ triển khai layout mới và nhân rộng mô hình, tăng tốc và hướng tới cột mốc 400 cửa hàng trước quý III.

Xét về quy mô doanh thu, năm 2021, Pharmacity đạt doanh thu 3.567 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với 2020 và chuỗi cũng ghi nhận có lãi từ tháng 7/2021 theo chỉ số EBITDA. Về chuỗi Long Châu, năm 2021, doanh thu chuỗi đạt 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020, giúp Long Châu có lãi nhẹ trong năm 2021. Với An Khang, dù không có số liệu doanh thu năm 2021 song 4 tháng đầu năm nay, Thế Giới Di Động cho biết chuỗi nhà thuốc ghi nhận doanh số gấp 3,7 lần cùng kỳ. Doanh thu trung bình mỗi nhà thuốc đã hoạt động tròn tháng là 700-800 triệu/tháng đối với mô hình độc lập và 400-500 triệu/tháng đối với mô hình bên cạnh cửa hàng Bách Hoá Xanh.

Thêm nhiều tay chơi mới

Cuộc chơi ngành bán lẻ dược phẩm ngày càng khốc liệt hơn khi xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới. Tháng 10/2021, chuỗi nhà thuốc Phano chính thức được tích hợp với Winmart+ nằm trong hệ sinh thái của Masan. Có mặt trên thị trường từ năm 2007, nhưng tính tới tháng 3/2022, chuỗi này chỉ có 40 cửa hàng. Chưa rõ chi tiết về thương vụ hợp tác giữa Masan với Phano chỉ là hợp tác chiến lược hay phía Masan đã mua cổ phần, nhưng việc trở thành một thành viên trong hệ sinh thái của Masan được dự đoán sẽ đem lại bước phát triển mới cho chuỗi nhà thuốc này.

Không nằm ngoài cuộc chơi, CTCP Bamboo Capital đã chính thức lấn sân mảng dược phẩm trong tháng 3 vừa qua thông qua CTCP Dược phẩm Tipharco, công ty được thành lập từ 1976. Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital và nhóm cổ đông liên quan Bamboo Capital đang nắm giữ gần 90% cổ phần Tipharco. với sự tham gia của Bamboo Capital, Tipharco kỳ vọng sẽ có những thay đổi mạnh mẽ các năm tới. 

Đầu tiên, Tipharco dự kiến mở rộng hệ thống phân phối, tăng độ phủ tới các nhà thuốc; đầu tư hệ thống phân phối bán lẻ sâu rộng cho tầm nhìn 10 năm. Về sản xuất, Tipharco định hướng sẽ sản xuất các sản phẩm chủ lực, từng bước nâng công suất nhà máy dược liệu khi hiện nay nhà máy dược liệu mới đạt 5% công suất. Về sản phẩm, Tipharco xác định ngành hàng chiến lược là kháng sinh, thuốc giảm đau hạ sốt, tim mạch, tiểu đường, tiêu hóa, hô hấp, các sản phẩm điều trị COVID và hậu COVID, và thuốc đông dược. Ngoài ra, Tipharco sẽ tiếp tục đầu tư chiều sâu vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), vốn là thế mạnh của công ty.

Với tham vọng mở rộng chiều ngang, dù chưa phát triển chuỗi song CTCP Thế Giới Số (Digiworld) đã bắt đầu rục rịch chuẩn bị cho việc gia nhập thị trường phân phối dược phẩm. Người đứng đầu Digiworld cho biết doanh nghiệp đang thực hiện xin giấy phép thành lập kho nhập khẩu cũng như xin visa cho sản phẩm dược. Các sản phẩm dược do Digiworld phân phối là các sản phẩm đặc thù, phải kê toa nên không phù hợp phân phối tại các hiệu thuốc đại trà mà chủ yếu phân phối cho các nhà thuốc trong bệnh viện. 

Hiện Digiworld đang nắm giữ 36% cổ phần tại CTCP Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma). mục tiêu đến năm 2025, Digiworld sẽ đứng thứ 3 trên thị trường phân phối dược, theo chia sẻ của Chủ tịch HĐQT.

Dân số già hoá, tầng lớp trung lưu liên tục gia tăng và sự xuất hiện của đại dịch COVID-19 càng đẩy nhanh sự tăng trưởng toàn ngành dược, nhất là các mô hình hiện đại như chuỗi nhà thuốc. Với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn có “hầu bao” rủng rỉnh và không ngần ngại đốt tiền thì thị trường bán lẻ dược phẩm đang dần định vị lại cuộc chơi.