Bước tiến mới của Meta trong 'ván cược metaverse'
Meta, công ty sở hữu ứng dụng mạng xã hội Facebook, tiết lộ dự kiến chi ít nhất 10 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển công nghệ thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR), bao gồm cả kính và tai nghe máy tính.
Hôm 20/6, Giám đốc điều hành Meta, tỷ phú Mark Zuckerberg, đã giới thiệu nguyên mẫu tai nghe đang chế tạo trong phòng thí nghiệm cho thấy Meta đã có tiến triển trong hành trình chinh phục các mục tiêu đã đề ra.
CEO Zuckerberg đã đặt cược vào tương lai của Meta trong iệc đưa người dùng vào thế giới do máy tính tạo ra bằng thực tế ảo và đặt đối tượng do máy tính đặt ra với thế giới thực bằng thực tế tăng cường.
Năm ngoái, công ty đổi tên thành Meta để nhấn mạnh hướng đi mới về metaverse (vũ trụ ảo), công nghệ cho phép con người trải nghiệm yếu tố ảo trong không gian vật lý thực tế.
Nếu tỷ phú Zuckerberg thành công trong việc đưa thiết bị đeo trở thành xu hướng thì Meta sẽ có thêm một nguồn doanh thu mới từ việc bán phần cứng và tự kiểm soát phần cứng của riêng mình, điều này giúp Meta tránh những ảnh hưởng từ thay đổi đến từ nền tảng của công ty khác.
Trước đó, Meta cảnh báo những thay đổi gần đây về quyền riêng tư gần đây mà Apple thực hiện trên iPhone có thể khiến công ty mất 10 tỷ USD doanh thu trong năm nay, vì nó cản trở Meta trong việc nhắm các đối tượng mục tiêu quảng cáo chính xác.
Thị trường thực tế ảo (VR) hiện có quy mô rất nhỏ và xuất hiện nhiều nghi ngờ xoay quanh khả năng mở rộng của nó. Meta hiện đang thống trị doanh số bán thiết bị đeo. Trong đó, tai nghe Quest 2 (giá 299 USD) hiện chiếm 78% tổng doanh số tai nghe vào năm 2021. Tuy nhiên, chỉ có 11,2 triệu tai nghe VR được bán ra trong năm, con số này nhỏ hơn nhiều so với điện thoại thông minh hoặc PC.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ về sự chuyển hướng của Meta từ lĩnh vực kinh doanh chính là quảng cáo và ứng dụng sang metaverse. Cổ phiếu Meta đã giảm hơn 53% từ đầu năm đến nay do lo ngại gia tăng chi phí, dự báo tăng trưởng lợi nhuận không khả quan, sự cạnh tranh từ các nền tảng mạng xã hội mới nổi như Tiktok hay ảnh hưởng từ việc thay đổi quyền riêng tư trên iPhone của Apple cản trở quảng cáo của Meta trên thiết bị di động.
CEO Zuckerberg cho biết Meta đang phát triển các màn hình thực tế ảo thế hệ tiếp theo được thiết kế để cung cấp trải nghiệm đủ để người dùng cảm thấy như họ đang ở cùng không gian với những đối tượng ảo khác. Tuy nhiên, màn hình hiện có độ phân giải thấp, bị biến dạng và không thể đeo trong một thời gian dài.
"Sẽ không lâu nữa trước khi chúng tôi có thể tạo ra những cảnh quay với độ trung thực đáng kinh ngạc", CEO Meta nói. "Thay vì nhìn chúng trên màn hình, bạn sẽ cảm thấy như bạn đang ở đó."
Tỷ phú Zuckerberg nói thêm: “Vấn đề ngày nay là độ sống động của màn hình mà chúng ta có so với những gì mắt bạn nhìn thấy trong thế giới vật chất là khác nhau”.
Trong vài năm qua, Meta thường xuyên thể hiện sự tiến bộ của mình trong việc phát triển tai nghe thực tế ảo và kính thực tế tăng cường cho các đối tác, báo chí, nhằm thuyết phục các nhà đầu tư rằng dự án là đáng giá, đồng thời thu hút tuyển dụng các nhà phát triển, quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực VR và AR với mức lương cao.
Những tiến triển trong metaverse lần đây tuy vậy không khiến nhà đầu tư lạc quan hơn. Trong phiên giao dịch gần nhất, giá cổ phiếu Meta tiếp tục giảm 4%, bất chấp đà phục hồi chung của cổ phiếu công nghệ.
Đây là những nguyên mẫu tai nghe thực tế ảo Meta đã giới thiệu:
Butterscotch
Butterscotch được thiết kế để kiểm tra các màn hình có độ phân giải cao hơn với các pixel đủ nhỏ đến mức mắt người không thể phân biệt được. Butterscotch có một thấu kính mới mà Meta được phát triển để hiển thị đẹp và độ chân thực cao hơn. Tuy nhiên, Meta cho biết nguyên mẫu này không thể vận chuyển được vì cồng kềnh và vẫn có bảng mạch hở.
Half Dome 3
Meta đã bắt đầu phát triển tai nghe Half Dome từ năm 2017 để thử nghiệm một loại màn hình có thể thay đổi khoảng cách điểm lấy nét của quang học. Meta cho biết với công nghệ của Half Dome, độ phân giải và chất lượng hình ảnh được cải thiện đủ người dùng trải nghiệm màn hình máy tính khổng lồ chỉ với thiết bị. Phiên bản thứ 3 mới nhất thay thế các bộ phận cơ khí bằng thấu kính tinh thể lỏng.
Holocake 2
Đây là tai nghe VR mỏng nhất và nhẹ nhất Meta từng sản xuất và có khả năng chạy bất kỳ phần mềm VR nào nếu được kết nối với PC. Tuy nhiên, tai nghe đòi hỏi các loại laser chuyên dụng quá đắt đối với người tiêu dùng và cần thêm các biện pháp bổ sung để đảm bảo an toàn.
"Hầu hết các tai nghe VR đều khá dày và cần phải các thấu kính khá dày và chúng phải được đặt cách màn hình vài inch để có thể lấy nét chính xác và hướng ánh sáng trực tiếp vào người dùng", Zuckerberg nói. Trong Holocake 2, ngoài các tia laser, Meta sử dụng một thấu kính phẳng, ba chiều để giảm khối lượng.
Starburst
Starburst là một nguyên mẫu tập trung vào màn hình dải tương phản động cao (HDR) và hiển thị dải màu rộng hơn, sáng hơn. Meta cho biết HDR là công nghệ đơn lẻ có liên quan nhiều nhất đến độ chân thực và chiều sâu cho ảnh.
Mirro Lake
Meta cũng đã giới thiệu một thiết kế ý tưởng có tên là Mirror Lake cho một chiếc tai nghe mang phong cách trượt tuyết. Mirror Lake được thiết kế để kết hợp tất cả các công nghệ tai nghe Meta khác nhau mà nó đang phát triển thành một màn hình thế hệ tiếp theo duy nhất.