Du lịch Đông Nam Á bình thường trở lại để chuẩn bị cho mùa cao điểm
Hầu như tất cả các quốc gia Đông Nam Á đã mở cửa hoạt động du lịch cho đến nay. Do ngành du lịch đóng góp rất lớn cho thị trường lao động cũng như và nguồn thu ngoại tệ tại các quốc gia trong khu vực nhờ lượng khách quốc tế đông đảo (ước tính hơn 140 triệu lượt khách, chiếm khoảng 10% tổng số khách du lịch toàn cầu vào năm 2019 trước đại dịch); các quốc gia Đông Nam Á hiện đang gấp rút mở cửa để thu hút du khách trở lại.
Kể từ tháng 4, một số quốc gia Đông Nam Á đã bắt đầu chào đón khách du lịch được tiêm phòng đầy đủ mà không cần kiểm dịch và xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành.
Thái Lan, điểm đến du lịch nổi tiếng trong khu vực, mới đây tuyên bố bỏ yêu cầu nhập cảnh liên quan đến COVID-19 từ ngày 1/7 trong nỗ lực của chính phủ đưa ngành du lịch được cho là ngành kinh tế chủ chốt của nước này hồi phục.
Cụ thể, giới chức Thái Lan cho biết sẽ bãi bỏ đăng ký trực tuyến trên hệ thống Thẻ thông hành cho những người nhập cảnh. Điều này có nghĩa là nước này sẽ bỏ tất cả những rào cản nhập cảnh ngay trước mùa cao điểm đón khách Ấn Độ và Trung Đông. Chính phủ Thái Lan kỳ vọng chính sách mở cửa hoàn toàn du lịch sẽ hỗ trợ bù đắp cho sự sụt giảm lượng khách Trung Quốc trong bối cảnh các làn sóng dịch mới nhất buộc Trung Quốc kiên trì với lập trường Zero-COVID.
Chính phủ Thái Lan đang dựa vào ngành du lịch để tìm lại động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh lạm phát kỷ lục ở Mỹ và châu Âu đã làm u ám triển vọng kinh tế toàn cầu nói chung, gây áp lực cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng giá trị cao của quốc gia này.
Thái Lan cũng đang nới lỏng hơn nữa các quy định phòng dịch COVID-19. Khẩu trang sẽ không còn là quy định bắt buộc khi ra ngoài, và các khách sạn bắt đầu phục vụ rượu trước 5 giờ chiều. Các địa điểm giải trí có thể mở cửa đến 2 giờ sáng. Tuy nhiên, nhân viên phục vụ vẫn phải đeo khẩu trang tại những sự kiện có hơn 2.000 người tham dự.
Với việc bỏ các quy định phòng dịch, Bộ trưởng Du lịch Thái Lan Rachakiprakarn kỳ vọng lượng khách sẽ tăng lên 25.000 đến 30.000 khách mỗi ngày và đạt từ 7,5 triệu đến 10 triệu khách vào cuối năm nay.
Hồi đầu tháng 6, Indonesia cũng cho biết họ sẽ không yêu cầu khách du lịch phải đảm bảo về y tế như một thủ tục nhập cảnh. Chính phủ nước này hồi tháng 5 cũng đã loại bỏ yêu cầu đối với những người đến phải xuất trình xét nghiệm PCR âm tính. Tuy nhiên, khách du lịch nước ngoài vẫn cần tải ứng dụng theo dõi PeduliLindungi để vào trung tâm mua sắm.
"Mùa du lịch cao điểm sẽ diễn ra vào tháng 7 và tháng 8 của năm”, ông Sandiaga Uno, Bộ trưởng Du lịch Indonesia nói với truyền thông địa phương vào tuần trước. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang đặt mục tiêu thu hút 1,8 triệu đến 3,6 triệu khách du lịch nước ngoài trong năm nay, dự kiến hầu hết sẽ đến từ Úc, Singapore và Malaysia.
"Hy vọng rằng một khi đại dịch được kiểm soát, số lượng các chuyến bay đến Indonesia, đặc biệt là Bali, sẽ tiếp tục tăng", ông Uno nói. "Chúng tôi lạc quan rằng mục tiêu của du lịch sẽ đạt được trong năm nay."
Indonesia đón 1,56 triệu lượt du khách nước ngoài vào năm 2021, giảm mạnh so với 4,02 triệu lượt khách của năm 2020, nhưng đang có dấu hiệu phục hồi. Trong tháng 4, Indonesia đã đón hơn 11.000 du khách nước ngoài, tăng gấp 5 lần so với năm trước.
Angkor Wat của Campuchia, một quần thể di tích đền cổ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, đã đón hơn 45.000 khách du lịch nước ngoài trong 5 tháng đầu năm, tăng 859% so với cùng kỳ năm 2021. Quốc gia này đã mở cửa trở lại biên giới cho những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ vào tháng 11 năm ngoái với hy vọng khởi động lại nền kinh tế của mình.
Tuy nhiên, trong khu vực, vẫn còn một số hạn chế. Ví dụ, Philippines, quốc gia có du lịch chiếm 1/5 GDP trước đại dịch, vẫn yêu cầu khách nội địa khai báo trực tuyến với Cục Kiểm dịch, tương tự như Thẻ thông hành ở Thái Lan.