Từ đầu năm 2020 đến nay, dù dịch COVID-19 có nhiều tác động tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng, doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần đồng hành cùng đất nước, chia sẻ khó khăn, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng đảm bảo hoạt động sản xuất, duy trì công ăn việc làm ổn định cho người lao động.
Một thống kê được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc và gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) cho thấy, đến nay Việt Nam có khoảng trên 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, thì cả nước có khoảng 7 - 8 triệu doanh nhân.
Theo nhận xét của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, nét đặc trưng của doanh nhân Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm xã hội, điều này càng được thể hiện rõ hơn trong đợt dịch COVID-19 vừa qua khi cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Ông Tuấn nhận định, doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Sau 35 năm đổi mới, nhờ bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo của doanh nhân Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có bước phát triển nhảy vọt về quy mô và trình độ công nghệ, từng bước bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cho rằng, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp nước ta hiện còn khá nhỏ bé và hạn chế. Đặc biệt, trong gần hai năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm nay, đã có trên 90 nghìn doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh, bình quân một tháng có hơn 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với năm 2020.
Tình hình đặc biệt này đòi hỏi Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ phải có cách làm đặc biệt và những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp đang khó khăn. Đồng thời, “trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu”…
Đồng cảm và chia sẻ với nỗi lòng, với thực trạng của các doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận sức chống chịu kiên cường không chỉ của các doanh nghiệp, mà cả không ít hộ kinh doanh đã và đang gồng mình, căng sức để duy trì hoạt động; thậm chí phải chấp nhận hy sinh, mất mát và thiệt hại to lớn trước những tác động khốc liệt mà dịch bệnh gây ra.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, dịch COVID-19 có thể coi là thử thách bản lĩnh của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân. Vì vậy Chủ tịch Quốc hội mong muốn dù thế nào đi nữa, doanh nhân, doanh nghiệp phải có niềm tin về nền tảng kinh tế vĩ mô còn rất tốt, dù tới đâu đi nữa cũng chỉ là những khó khăn trước mắt và tạm thời.
“Với truyền thống đoàn kết và tinh thần vượt khó, kiên cường của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân, chúng ta tin sẽ vượt qua những khó khăn để tiếp tục có những bước phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong thời gian tới", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương ngày 8/8, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định: Ngay từ đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có những tác động nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang nêu cao tinh thần chia sẻ đồng hành cùng đất nước, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Ở những nơi, những thời điểm dịch bệnh chưa bị ảnh hưởng nhiều, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và ứng dụng các giải pháp, công nghệ số để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; nhất là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, điều đáng mừng là khi dịch bệnh căng thẳng, các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam không chỉ chủ động có những giải pháp linh hoạt tự thích ứng, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân, cộng đồng, đóng góp lớn về tài chính vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp Việt Nam đối với đất nước. Nhiều sáng kiến được triển khai như ATM gạo, ATM ô xy, bữa cơm miễn phí, siêu thị 0 đồng...
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ KH&ĐT cho biết cũng cần nhìn nhận thẳng thắng là đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dữ trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Nhưng điều đáng chú ý là tại hội nghị này, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ trong việc nêu cao tinh thần vượt khó, ý chí phấn đấu, tự lực, tự cường, nỗ lực ứng phó và thích ứng với tình hình mới; duy trì hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa duy trì và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Ý kiến phát biểu của các doanh nghiệp tại Hội nghị cũng khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và ngân sách còn eo hẹp, nhưng Chính phủ đã hết sức nỗ lực trong bố trí, thu xếp các nguồn tài chính để có những khoản hỗ trợ rất thiết thực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất. Điều này khẳng định chủ trương nhất quán của Chính phủ là đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ tài chính, giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách…
Trong bức thư chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã ghi nhận những đóng góp của đội ngũ doanh nhân cho sự phát triển đất nước trong suốt 2 năm qua.
“Dù phải đối mặt với “năm nắng - mười mưa”, nhiều khó khăn, thách thức nhưng các doanh nhân luôn thể hiện trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, “tương thân, tương ái”. Nhất là khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi, nhiều doanh nhân đã hưởng ứng và có những đóng góp quan trọng, quý báu, thiết thực trong phòng, chống dịch COVID-19”, Thủ tướng viết trong bức thư chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng đã thay mặt Chính phủ và Nhân dân Việt Nam ghi nhận sự hỗ trợ, ủng hộ, đồng hành của các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài đã đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam cũng như trong phòng, chống dịch. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Không chỉ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp trong nước, khi quê hương, đất nước đang gặp vô vàn khó khăn, cần tập hợp mọi nguồn lực tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều doanh nhân kiều bào đã có những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ của đồng bào ta ở nước ngoài với quê hương và truyền thống tốt đẹp “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam.
Trong đó, tiêu biểu là sự chia sẻ, ủng hộ của kiều bào ở Nhật Bản, Mỹ, Đức, Australia, Pháp, Thụy Sĩ, Hungary, Canada, Liên bang Nga, Cộng hòa Séc... và một số cá nhân như ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Công ty Metran Co, Ltd tại Nhật Bản; ông Steve Bùi, Chủ tịch Tập đoàn Tư vấn và Đầu tư tài chính Delta E&C (có trụ sở tại Nhật Bản); Tiến sỹ Phan Bích Thiện, kiều bào Hungary, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary; doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều tại Canada...
TTXVN dẫn thông tin từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn cho biết, tính đến cuối tháng 8/2021, kiều bào nước ngoài đã quyên góp hơn 50 tỷ đồng cùng nhiều trang thiết bị, vật phẩm y tế ủng hộ cho Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19 và công tác phòng chống dịch ở trong nước.
Cụ thể vào sáng ngày 25/8, chuyến bay VN9 (do Vietnam Airlines khai thác từ San Francisco, Mỹ) đã trở theo lô hàng với hơn 6,2 tấn trang thiết bị, vật tư y tế hạ cánh an toàn tại sân bay Nội Bài. Được biết, số trang thiết bị, vật tư y tế này là của kiều bào tại Mỹ gửi gắm, chia sẻ với đồng bào trong nước phòng, chống dịch COVID-19.
Lô hàng đặc biệt này gồm 250 máy trợ thở, 5 máy thở, 9.000 bộ xét nghiệm nhanh COVID-19, 600 bộ quần áo bảo hộ y tế, 2.500 tấm chặn giọt bắn và 60.000 khẩu trang y tế. Ước tính tổng giá trị của lô hàng khoảng 1 triệu USD.
Nhật Bản là nước có cộng đồng người Việt khá lớn với gần 449 nghìn người. Trước những diễn biến của tình hình dịch ở trong nước, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã tổ chức phát động ủng hộ vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19. Ngay tại buổi phát động, toàn thể cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản đã quyên góp ủng hộ gần 105 triệu đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19. Các doanh nhân và kiều bào Việt Nam tại Nhật Bản cũng đã ủng hộ hơn 2 triệu yên (hơn 400 triệu đồng) cho Quỹ.
Tại Đức, từ nhiều tháng qua, các cá nhân, hội đoàn và doanh nghiệp người Việt tại Đức đã và đang tiếp tục có nhiều hoạt động quyên góp ủng hộ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở trong nước, với nhiều hình thức như ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống COVID-19, mua các bộ kít xét nghiệm hoặc trang thiết bị, đồ bảo hộ y tế...
Bên cạnh hỗ trợ tiền và hiện vật, nhiều kiều bào đã tích cực hợp tác chuyển giao công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine, chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch với trong nước, thậm chí dành cả cơ sở vật chất của mình ở Việt Nam phục vụ phòng chống dịch. Kiều bào ở nhiều nước đã tích cực phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài triển khai ngoại giao vaccine, vận động sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước và đồng bào trong nước luôn trân trọng tình cảm, nghĩa cử, sự ủng hộ và chia sẻ quý báu của đồng bào xa quê hương đối với đất nước. Cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn nhiều khó khăn phía trước. Mong đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục hưởng ứng các chủ trương, chính sách và lời kêu gọi của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc, sát cánh cùng nhân dân trong nước đẩy lùi dịch COVID-19, thực hiện khát vọng phát triển đất nước vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Có thể nói sau gần 6 tháng người dân, doanh nghiệp chung sức, đồng lòng cùng với hệ thống chính trị chống dịch, đến nay tình hình dịch COVID-19 ở nước ta đã cơ bản được kiểm soát. Những địa phương trước đây là tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội… cũng đã từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đang dần trở về trạng thái bình thường mới.
Tuy nhiên, đợt dịch lần thứ tư đã gây tổn thương nghiêm trọng đến nền kinh tế, cho nên thời gian tới các doanh nghiệp chắc chắn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, nhiều chuyên gia kinh tế quốc tế đã nhận định, đại dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài đến cách thức vận hành của nền kinh tế, đến quản trị quốc gia, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp. Quá trình phục hồi kinh tế kéo dài nên nhiều nước đã đưa ra các quy định pháp luật mới, các chính sách đặc biệt với thời hạn nhiều năm để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động.
Riêng tại Việt Nam, cuộc chiến chống COVID-19 đang làm nhiều doanh nghiệp kiệt sức; nhiều lĩnh vực kinh doanh kiệt quệ. Ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi COVID-19 phổ biến tình trạng doanh nghiệp mất hợp đồng, mất dòng tiền; tương lai phía trước là tài chính suy kiệt, lực lượng lao động tan rã....
Ông Công cho rằng, việc khôi phục lại sản xuất sẽ là bài toán nan giải; có nguy cơ nhiều doanh nghiệp đóng cửa; tình trạng việc làm sẽ không được khôi phục và an sinh xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, cộng đồng doanh nhân mong muốn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cần có cách làm đặc biệt; những quyết sách đặc biệt để giải nguy cho những doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đồng thời, “Trong nguy có cơ”, những quốc gia sớm kiểm soát được dịch bệnh, có hệ thống chính sách mới phù hợp với “điều kiện bình thường mới” thì doanh nghiệp sẽ chớp được cơ hội chiếm lĩnh các vị trí tốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Công cho biết, trước đó tại cuộc gặp ngày 26/9 với Thủ tướng Chính phủ bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, VCCI cũng đã thay mặt cộng đồng doanh nghiệp đã đề xuất 2 chủ trương mới, đó là:
Thứ nhất, cần nhìn nhận các doanh nghiệp là một chủ thể trong ứng phó COVID-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp. Theo VCCI, trong cuộc chiến lâu dài chống COVID-19, chúng ta cần công nhận và cho doanh nghiệp chủ động về y tế tại chỗ, tự xét nghiệm, tự điều trị các ca F0 nhẹ tuỳ theo khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, Nhà nước chỉ cần hỗ trợ, hướng dẫn và ban hành các quy định, chính sách phù hợp.
Thứ hai, mặt trận kinh tế vững chắc là nền tảng cho chiến thắng trên mặt trận y tế, do vậy cần có chủ trương kiên quyết bảo vệ, hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn của doanh nghiệp trong điều kiện sống chung với dịch. Thời chiến tranh, dù bom đạn ác liệt chúng ta cũng không ngừng sản xuất, thì nay dù COVID thế nào, cũng phải tìm cách để duy trì sản xuất an toàn trên quan điểm "vừa sản xuất, vừa chống dịch". Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần quyết liệt thực hiện.
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch VCCI cũng đã đề xuất thêm một chủ trương, quan điểm Thứ 3, đó là: lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, đặc biệt cần chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các quy định, chính sách cho phù hợp với điều kiện “bình thường mới”, mạnh dạn phá bỏ ngay những quy định cũ không còn phù hợp, xem xét ban hành các quy định pháp lý đặc biệt, trong thời hạn nhất định, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục tăng trưởng kinh tế và đưa Việt Nam bứt lên giành vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng tại cuộc gặp gỡ đại diện các doanh nghiệp, doanh nhân nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam, đại diện cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, ông Thái Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, bày tỏ mong muốn, Quốc hội khi xem xét, thông qua một đạo luật cần kiểm soát chặt chẽ việc chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn để bảo đảm đúng tinh thần của luật, đồng bộ, minh bạch để thực thi được ngay. Các cơ quan nhà nước cần quan tâm hơn nữa tới việc lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các dự thảo văn bản liên quan trực tiếp và tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh, hội nhập kinh tế; đồng thời cần khắc phục tình trạng “đại khái” trong việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, trước mắt, cần sớm ban hành các chính sách, hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp đang gặp khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19 theo hướng dễ tiếp cận, phù hợp với thực tế, điều kiện, ngành nghề, lĩnh vực hoạt động.
Còn Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Dệt may 29/3 Huỳnh Minh Chính đề nghị cho phép các doanh nghiệp đã tiêm đủ một mũi vaccine cho người lao động và thực hiện nghiêm túc 5K được hoạt động bình thường trở lại. Đặc biệt, cần khắc phục tình trạng chủ trương, chính sách của Nhà nước đã có nhưng quá trình thực thi lại không đồng bộ, thậm chí mỗi nơi thực thi một kiểu.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam Hà Thị Thu Thanh cho biết, cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ việc Đảng và Nhà nước đã điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch sang thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch. Tuy nhiên, để thực hiện chiến lược này phải đi liền với các giải pháp cụ thể và từng địa phương phải cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp. Từ thực tế áp dụng quy định phòng, chống dịch mỗi địa phương một kiểu thời gian qua, bà Hà Thị Thu Thanh kiến nghị Chính phủ cần rà soát cơ chế, chính sách đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp tái khởi động trong sự đứt gãy cả chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, dòng tiền và chuỗi lao động như hiện nay. Để mở cửa, sống chung an toàn với dịch COVID-19 thì điều quan trọng nhất hiện nay chính là một cơ chế, chính sách đồng bộ, thống nhất được áp dụng chung trong cả nước.
Nội dung, thiết kế: Hải An