Báo chí như “cô gái đẹp” nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận
(DNVN) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam tại Diễn đàn Doanh nghiệp và Báo chí 2020: Cơ hội hợp tác phát triển từ khủng hoảng COVID-19 do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.
Tại diễn đàn, chia sẻ về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết: Hiện doanh nghiệp hiểu rõ báo chí là quyền lực thứ 4 cung cấp món ăn tinh thần cho xã hội. Đây là nhu cầu tất yếu của xã hội và người đọc yêu cầu món ăn tinh thần đó phải ngày một ngon hơn, đa dạng hơn với nhiều thể loại khác nhau, có những bài chính luận, phản biện và cũng cần có những bài giới thiệu điển hình hay đấu tranh tiêu cực.
Do đó, ông Hiệp mong muốn doanh nghiệp đồng hành với báo chí. Đặc biệt là trong ngành xây dựng và bất động sản, hiện vướng nhiều cơ chế luật pháp. Những vấn đề đó có thể đến được Chính phủ, Quốc hội chỉ có thể qua báo chí. Đây là điều doanh nghiệp hy vọng nhiều nhất ở báo chí và coi đây là cầu nối hữu hiệu, chắc chắn. Với những doanh nghiệp chân chính, làm đúng, làm tốt cho xã hội, các doanh nghiệp kỳ vọng báo chí giới thiệu tới nhiều độc giả hơn nữa.
Ông Hiệp cho biết thêm, trên thực tế, báo chí có sức mạnh rất lớn. Lấy ví dụ một doanh nghiệp trong ngành xây dựng là Coteccons, năm ngoái giá cổ phiếu CTD ở mức 250.000 đồng/cp nằm trong top 40 doanh nghiệp thị phần lớn nhất. Chỉ trong vài tháng, ngoài mâu thuẫn nội bộ, tác động của báo chí đã khiến giá cổ phiếu CTD giảm 75% xuống còn 65.000 đồng/cp và rơi khỏi top 40.
Cũng theo ông Hiệp, trong 26.000 nhà báo, có thể phần đa là nhà báo chân chính. Tuy nhiên có một số nhà báo như “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Chưa biết dự án đúng hay sai nhưng qua một số bài báo có thể ảnh hưởng lớn tới dự án khi các cơ quan quản lý vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm mất thời cơ của doanh nghiệp, gây tổn thất lớn với doanh nghiệp. Do đó, hiện "Báo chí là “cô gái đẹp”, nhưng làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận thoải mái hơn.
Còn ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên, cho biết: Việt Nam đã cơ bản kiểm soát dịch COVID-19, do đó, báo chí cần định hướng thông tin đúng đắn, đừng để doanh nghiệp nào bị chết oan. Nếu doanh nghiệp sống mới có thể giúp kinh tế nhanh chóng phục hồi. Bởi nhiều doanh nghiệp dự báo từ quý IV/2020 đến hết tháng 4 sang năm không có việc làm bởi không xuất khẩu được. Vậy doanh nghiệp sẽ làm gì? Lúc này phải đào tạo, do hầu hết doanh nghiệp là doanh nghiệp gia công, nên nếu không nâng cao tay nghề thì năng suất không thể tốt được. Muốn tăng cầu thì hàng hóa phải rẻ. Trong khi đó, theo quy luật kinh tế thị trường là phải rẻ, tốt, đúng. Muốn giúp doanh nghiệp làm được điều đó, Chính phủ cần giảm các mức đóng BHXH, kinh phí công đoàn, hiện chiếm 34% tổng chi phí của doanh nghiệp.
Từ đó, theo ông Nguyễn Xuân Dương, báo chí giúp doanh nghiệp làm sao có thể vượt qua khó khăn từ góc độ cơ chế chính sách, hay lãi vay ngân hàng. Ở Anh, Mỹ, lãi suất vay ngân hàng là 0%, thậm chí lãi suất âm. Nhưng ở Việt Nam, mức lãi suất vẫn cao. Nhà nước cần có chế độ bù lãi suất, thì doanh nghiệp mới có thể sống được.
"Báo chí nên cùng hỗ trợ doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi rất sẵn sàng cung cấp tiếng nói của doanh nghiệp và mong muốn tiếng nói chúng tôi đến nhanh với cơ quan công quyền để làm sao giúp đỡ doanh nghiệp phát triển", ông Dương nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam, nhấn mạnh điều quan trọng nhất đối với báo chí cũng như đối với doanh nghiệp là cùng đất nước vượt qua suy thoái kinh tế. Báo chí có thể giúp thúc đẩy chính sách, phản ánh tiếng nói của doanh nghiệp tới các cơ quan chức năng.
Cụ thể, theo ông Dũng: Chúng ta vẫn thường nói sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng tổng cầu vẫn ở mức thấp thì làm sao doanh nghiệp hết khó được? Trong trường hợp này, muốn thay đổi tổng cầu, phải thúc đẩy đầu tư công, nhưng đây là vấn đề khó bởi quá trình thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư công còn nhiều khó khăn. Trong trường hợp này, báo chí cùng doanh nghiệp cần thúc đẩy điều này.
Về giải pháp thay đổi nguồn cung, chẳng hạn như trong ngành du lịch, có thể kích cầu bằng du lịch trong nước, thay vì các gia đình đi du lịch nước ngoài. Với lĩnh vực giáo dục cũng như vậy, cha mẹ Việt có thể cho con đi học trong nước, thay vì cho con đi học nước ngoài.
Do đó, ông Dũng nhấn mạnh, trong thời điểm hiện nay, bên cạnh việc thể hiện vai trò kết nối, thì báo chí có thể tác động đến việc thay đổi nhân thức của người tiêu dùng và có thể giúp Chính phủ nhận biết vấn đề rồi tác động đến ưu tiên của Chính phủ là điều vô cùng quan trọng.