Bất chấp dịch bệnh, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN vẫn tăng mạnh

07:34 | 14/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đầu tư từ ASEAN vào Trung Quốc tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu là Singapore, Thái Lan và Malaysia.
Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang tàn phá nền kinh tế thế giới, Trung Quốc và những thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chứng kiến sự gia tăng hoạt động trao đổi kinh tế, bao gồm cả dòng chảy thương mại và đầu tư tăng mạnh, duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ các mối quan hệ kinh tế song phương ngày càng sâu sắc.

ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và cũng thu hút dòng vốn đang tăng vọt từ Trung Quốc. Theo phái đoàn Trung Quốc tại ASEAN, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào ASEAN trong 3 quý đầu năm đạt 10,72 tỷ USD, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư từ ASEAN vào Trung Quốc tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đứng đầu là Singapore, Thái Lan và Malaysia.
 
ASEAN và Trung Quốc từ lâu đã tăng cường quan hệ kinh tế, và đầu tư cao hơn từ Trung Quốc vào ASEAN phù hợp với việc thúc đẩy thương mại song phương. Thương mại phát triển đã kéo theo nhu cầu đối với các hoạt động sản xuất hoặc kinh doanh nội địa hóa, do đó đã thúc đẩy các dòng vốn. Hai bên có những bổ sung lớn về kinh tế và đã tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) trong 10 năm. Là một trong những khu thương mại tự do năng động nhất trên thế giới, ACFTA có nhiều triển vọng hứa hẹn hơn nữa.
 
Bất chấp dịch bệnh, đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN vẫn tăng mạnh - ảnh 1
 
Theo Tân Hoa xã, kim ngạch thương mại song phương đã tăng từ 292,8 tỷ USD năm 2010 lên 641,5 tỷ USD vào năm 2019. Với việc các chuỗi công nghiệp đang bị đổ vỡ do đại dịch COVID-19, dự kiến sẽ có sự hội nhập nhiều hơn giữa các ngành công nghiệp Trung Quốc và các thị trường đang phát triển ở ASEAN.
 
Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN có thể không duy trì được sự tăng trưởng nhanh hàng năm ở mức 76%, nhưng có thể thấy trước sự tăng trưởng bền vững, do Trung Quốc đã thể hiện cam kết thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và hai bên đã nỗ lực để tăng cường quan hệ hơn nữa, bao gồm cả việc thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 
 
Theo nguyên tắc thị trường, ASEAN và Trung Quốc đang tìm kiếm sự phát triển hiệu quả hơn.Ví dụ, ngành nông nghiệp và hợp tác về năng lực công nghiệp là những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác.
 
Khi thị trường ASEAN và Trung Quốc đạt mức độ hội nhập cao hơn, điều này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hội nhập kinh tế khu vực giữa Đông Á và Đông Nam Á.
 
Trong 15 năm qua, sự hợp tác toàn diện, triển khai sâu rộng, hợp tác ngày càng mật thiết, phong phú không những đã mang lại sự tăng trưởng kinh tế cho Trung Quốc và 10 quốc gia ASEAN, mà còn đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế thế giới cũng như ổn định khu vực. Đầu tư của các công ty Trung Quốc vào ASEAN cũng vượt 100 tỷ USD và 25 khu hợp tác kinh tế và thương mại đã được thành lập, tạo trên 100.000 việc làm tại địa phương. Hiện Trung Quốc và ASEAN đang hợp tác thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế xanh. Hai bên đang nỗ lực mở rộng khai thác bền vững tài nguyên biển. Năm 2020 cũng là năm hợp tác kinh tế kỹ thuật số ASEAN-Trung Quốc, tập trung phát triển các lĩnh vực như mạng 5G, thương mại điện tử, sáng tạo khoa học-kỹ thuật, thành phố thông minh.
 
Trung Quốc đang nhanh chóng xây dựng chuỗi cung ứng mới ở Đông Nam Á khi cuộc xung đột với Washington đã buộc nước này ngừng tiếp cận với công nghệ của Mỹ. Hiện tại, các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc cũng đang chuyển cơ sở sản xuất sang ASEAN để tránh thuế nhập khẩu mà Mỹ áp đặt đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.
 

Chiều 12/11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23 đã khai mạc. Phát biểu ở phần mở đầu Hội nghị Cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định phương hướng hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc để cùng nhau vượt qua những thử thách, khó khăn hiện nay, đẩy lùi nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân và giữ gìn môi trường chung để cùng phát triển.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng đề ra định hướng quan trọng trong quan hệ giữa khối và đối tác Trung Quốc trong năm 2021 - năm đấu mốc kỷ niệm 30 năm hợp tác và phát triển.

 
 
Nguyễn Dung(t/h)