Bắt đầu cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử từ tháng 11: Tích hợp và bảo mật

14:38 | 18/09/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Hội thảo cấp Quốc gia ngày 16/9, các Bộ, Ban, ngành đã thảo luận về thẻ căn cước công dân gắn chíp mới để có thể hoàn thiện mẫu thiết kế thẻ, đảm bảo tiến độ bắt đầu cấp từ tháng 11.
Tại Hội thảo cấp Quốc gia để lấy ý kiến về mẫu thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tửThiếu tướng TS. Lê Minh Quý - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ đã thuyết trình về ý tưởng thiết kế mẫu thẻ CCCD gắn chíp. Thiết kế được xây dựng dựa trên mẫu thẻ, ưu điểm của thẻ CCCD mã vạch cũ và nghiên cứu mẫu của một số nước khác. 

Trên bản mẫu CCCD gắn chip có hình ảnh bản đồ Việt Nam, biểu tượng trống đồng, hoa văn biểu tượng cho các triều đại,... thể hiện chủ quyền và truyền thống lịch sử, văn hóa của quốc gia. Còn lại là các chi tiết bắt buộc cần có, gồm: hình Quốc huy, Foil bảo an, biểu tượng chíp điện tử, vân tay, đặc điểm nhận dạng của chủ thẻ, ngày tháng năm cấp thẻ,… Luật CCCD năm 2014 vẫn đang có hiệu lực nên thông tin cần ghi trên thẻ CCCD mã vạch và CCCD gắn chip căn bản giống nhau.

Bắt đầu cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử từ tháng 11: Tích hợp và bảo mật - ảnh 1
Hình ảnh thiết kế của thẻ CCCD gắn chíp đã được trình bày trong hội thảo (Ảnh: Công an nhân dân)

Trước đó, trả lời báo Công an nhân dân, Thiếu tướng Tô Văn Huệ -  Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết thẻ CCCD chíp điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Đó là lý do mà thẻ mã vạch vừa mới có năm 2016, nay đã chuyển sang dự án thẻ gắn chíp mới. 

Cụ thể, thẻ CCCD được gắn chíp sẽ có các ưu điểm và lợi ích: Tính bảo mật rất cao, thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD không thể thay đổi và không thể giả mạo. Yếu tố bảo mật, bảo an chống làm giả thẻ được thiết kế dựa trên phần mềm chuyên dụng của hiệp hội về bảo mật, bảo an quốc tế; sử dụng song ngữ tiện lợi; có khả năng lưu trữ thông tin nhiều hơn nhiều thẻ CCCD mã vạch, có thể tích hợp lưu trữ các loại giấy tờ có giá trị khác như bằng lái xe, thẻ ngân hàng, bảo hiểm y tế,… nên người dân sau này giảm thiểu được giấy tờ cá nhân; thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc quản lý dữ liệu, truy quét tội phạm; có khả năng tiếp tục nâng cấp, ứng dụng thêm các công nghệ hiện đại hơn nữa trong tương lai mà không cần đổi thẻ;...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận, đưa ra ý kiến và yêu cầu thẻ CCCD gắn chíp mới phải đảm bảo được các yếu tố: tốc độ xử lý phải đáp ứng yêu cầu thông tin và kiểm tra bảo mật với tốc độ cao; bộ nhớ lưu trữ đủ lớn để đáp ứng yêu cầu lưu giữ lượng thông tin lớn, kể cả nhu cầu trong tương lai tích hợp thêm; có khả năng thực hiện các thuật toán bảo mật, mã hóa phức tạp; độ bền cơ, lý, hoá học phù hợp với thời tiết, khí hậu và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam; các thông số kỹ thuật phải đáp ứng các tiêu chuẩn ISO/IEC, TCVN cần thiết,...

Bắt đầu cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử từ tháng 11: Tích hợp và bảo mật - ảnh 2CCCD gắn chíp dự kiến bắt đầu được cấp từ tháng 11 tới
 
Bộ Công an đã ra dự kiến bắt đầu cấp thẻ CCCD gắn chíp cho người dân từ tháng 11/2020. Theo kế hoạch, Bộ Công an đặt mục tiêu đến hết tháng 7/2021 sẽ cấp được 50 triệu thẻ CCCD gắn chíp. 

Việc công nghệ hóa, số hóa giấy tờ cá nhân đang được nước ta triển khai tích cực. Bên cạnh thẻ CCCD gắn chíp, kế hoạch cấp Hộ chiếu gắn chip điện tử cũng đã được hoàn thiện. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hệ thống trang thiết bị từ nước ngoài chưa thể nhập về Việt Nam, làm chậm tiến độ cấp. Giấy phép lái xe có mã QR (mã hai chiều) mới cũng đã được cấp từ 1/6/2020.
 
Kim Chi