Bệnh từ miệng vào, họa từ miệng ra: Biết giữ mồm giữ miệng mới là người có EQ cao
Chúng ta chỉ có thể bước trên con đường thành công trong môi trường công việc nếu chúng ta biết kiểm soát lời ăn tiếng nói, cẩn trọng trong từng việc làm của mình. Con người có thể mất 1 năm để học nói nhưng để học cách im lặng thì cần cả đời để chứng tỏ.
Mỗi lời nói ra đều như một món vũ khí sắc bén, nếu sử dụng sai thì lại vô tình gây tổn thương người khác, chỉ khi sử dụng đúng cách sẽ giúp ích cho con người. Với người tính cách bộc trực, ngôn hành thẳng thắn chỉ làm mất lòng người khác, đồng thời cũng khiến bản thân bị tổn thương.
Giống như Shakespeare từng nói: "Thay vì trở thành một người thể hiện mình khôn ngoan nhưng bên trong ngu ngốc, vậy chi bằng hãy làm một người biểu hiện nhìn ngu ngốc nhưng thực tế lại là người khôn ngoan".
Nhiều chuyện trong đời không phải lúc nào cũng rạch ròi trắng đen và nhất thiết phải có câu trả lời chính xác. Hãy để thời gian chính là câu trả lời tuyệt vời nhất cho mọi thắc mắc.
Cho nên, đôi khi, bạn phải giả hồ đồ để sống tốt ở đời. Đó mới là đỉnh cao của trí tuệ để tự bảo vệ chính mình, tránh bị người khác đố kỵ, chán ghét.
Người khôn ngoan ít nói, cẩn trọng trong hành động
Trương Ái Linh là nữ nhà văn nổi tiếng của lịch sử văn học hiện đại Trung Quốc. Bà từng chơi rất thân với một người bạn tên Viêm Anh. Tuy nhiên, đây cũng là 1 trong 3 người duy nhất khiến bà chủ động tuyệt giao.
Nguyên nhân nằm ở chỗ Viêm Anh rất hay khoe khoang bản thân tốt đẹp vào những lúc Trương Ái Linh thất thế. Có thời điểm, nữ nhà văn gặp khó khăn về tiền bạc, nhưng thay vì chia sẻ, giúp đỡ thì Viêm Anh lại chỉ mải khoe khoang với Ái Linh rằng cô đã kiếm tiền bằng cách nào. Hoặc khi Viêm Anh lại thường xuyên kể chuyện tình cảm mặn nồng của vợ chồng mình trước mặt Ái Linh, người phụ nữ đã góa chồng nhiều năm.
Đây điển hình là kiểu người không biết lời nào nên nói đúng dịp, lời nào nên dừng đúng lúc. Đây điển hình là kiểu người không có EQ cao, dù hành động đó mang tính chất vô tình hay cố ý.
Có câu: "Nước sâu không nói, người vững không kêu". Nơi nào có mực nước càng sâu thì càng chảy lặng, âm thầm nhưng đầy nguy hiểm, khiến người ta không thể đánh giá được. Cũng như người nào càng tài giỏi, chín chắn thì càng không khoe khoang, thể hiện hay cố tỏ vẻ trước mặt người khác trong giao tiếp.
Đặc biệt là trong môi trường công việc, người nào biết chọn cách im lặng, không tùy tiện đánh giá người khác mới là người khôn ngoan có EQ cao. Mỗi người tự quản lý ngôn hành cử chỉ của cá nhân, không nói lời vô nghĩa hay lời thừa thãi im lặng mới trở thành một loại tư dưỡng đạo đức, vừa khiến người khác thoải mái, cũng là cách giúp bản thân cư xử khéo léo hơn.
Nguyên tắc "im lặng là vàng", nói ít làm nhiều sẽ giúp mỗi người đủ tỉnh táo để nhìn thấu một người hoặc một sự việc nào đó. Hãy học hỏi thói quen của người thành công khi mà khổ không nói, vui không nói, im lặng hành động, để thành quả trả lời. Bởi họ biết rằng ít nói, cẩn trọng lời ăn tiếng nói mỗi ngày mới có thể tránh được mối họa không cần thiết trong thế giới phức tạp này. Sự cẩn trọng này không chỉ thể hiện sự tôn trọng của bạn với người khác, còn là cách biểu đạt sự khôn khéo và trí tuệ của bạn trong giao tiếp xã hội.
Xem thêm: 12 quy tắc `sống còn` để đập tan sự bế tắc nơi làm việc mà nhân viên công sở nào cũng nên biết
Phương Thúy