Bí quyết để ngày đầu tiên đi làm thật thành công: 3 điều NÊN và KHÔNG NÊN

16:06 | 28/06/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sau khi được tuyển dụng, điều đầy thú vị nhưng cũng có thể khiến mọi người lo lắng là làm sao để có ngày đầu tiên đi làm thành công.

Cho dù bắt đầu làm việc ở một công ty mới hay chuyển đến bộ phận mới, các chuyên gia về công sở cho rằng mọi người nên lập kế hoạch trước và sử dụng thời gian này tìm hiểu tình hình chung của công ty.

Chuẩn bị kỹ cho ngày làm việc đầu tiên

Bạn muốn có ngày đầu đi làm thật tuyệt? Hãy chủ động trong những ngày này nhằm đạt được điều đó. Bạn có thể phải cung cấp thêm một số thông tin để nhân sự chuẩn bị hậu cần cho bạn, ví dụ thông tin biển số xe để đăng ký đỗ xe tại bãi.

Vì vậy, một tuần hoặc xa hơn trước ngày đầu tiên đi làm, hãy gửi email cho người bạn từng tương tác nhiều nhất, cho dù là quản lý mới hay nhân viên bộ phận nhân sự và hỏi bạn cần cung cấp những gì.

Bí quyết để ngày đầu tiên đi làm thật thành công: 3 điều NÊN và KHÔNG NÊN - ảnh 1

Bạn có thể cần:

- Giấy tờ nhận dạng: Có thể là bằng lái xe, hộ chiếu... Hỏi xem bạn có cần cung cấp nhiều hơn một loại giấy tờ nhận dạng hay không.

- Tiền: Bạn có thể cần để chi cho bất kỳ buổi cà phê nào trong ngày đầu tiên hoặc buổi cơm trưa cùng đồng nghiệp mới.

- Thông tin ngân hàng: Bộ phận nhân sự có thể yêu cầu bạn cung cấp điều này cho mục đích chuyển lương hàng tháng.

- Điện thoại di động được sạc đầy pin: Bạn có thể không dễ truy cập vào máy tính công ty ngay lập tức. Vì vậy, hãy đảm bảo có cách theo dõi thời gian để không bỏ lỡ bất kỳ cuộc họp nào trong ngày đầu tiên.

- Sổ và bút: có thể dùng sổ giấy và bút hoặc bằng thiết bị điện tử. Bạn có thể sẽ cần ghi lại những ghi chú quan trọng về công việc, tên đồng nghiệp, ý tưởng hoặc các nhắc nhở.

Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần cho ngày làm việc đầu tiên. Hãy làm quen với những người bạn cần biết, chẳng hạn như quản lý, đồng nghiệp trực tiếp, trưởng bộ phận và giám đốc điều hành.

Cùng với đó, hãy đặt vài mục tiêu. Dana Brownlee, người sáng lập công ty đào tạo doanh nghiệp Professionalism Matters có trụ sở ở Atlanta (Mỹ), khuyên nên tự hỏi bản thân: "Hai mục tiêu chính cần đạt hôm nay là gì? Ngoài hai mục tiêu lớn đó, ba điều khác tôi thực sự muốn cố gắng hoàn thành là gì?" Như vậy, bạn sẽ có những mốc cụ thể để phấn đấu và đánh giá bản thân.

Tìm hướng hoạt động

Nhìn xung quanh và tự hỏi bạn có thể giúp đỡ ai và ai có thể giúp đỡ bạn. Bạn đang mong nhận một hướng quản lý rõ ràng? Bạn có sếp đang cần hợp tác với người có chuyên môn như mình? "Bạn có thể là nguồn năng lượng mà đội ngũ cần hoặc có thể là một chuyên gia trong một lĩnh vực", bà Brownlee cho biết.

Tìm hiểu phong cách giao tiếp của đồng nghiệp để có cách ứng xử phù hợp. Ảnh: Pixabay.
Tìm hiểu phong cách giao tiếp của đồng nghiệp để có cách ứng xử phù hợp. Ảnh: Pixabay.

Khi bạn gặp đồng nghiệp, hãy làm như sau:

- Thiết lập ranh giới giao tiếp: Hãy bắt đầu với sếp. Hỏi về phong cách họ thích trong giao tiếp. Ví dụ, họ thích thảo luận ngay khi bạn có câu hỏi, hay muốn bạn lưu lại các vấn đề và cùng thảo luận trong cuộc họp hàng tuần? Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian trong tương lai.

Bí quyết để ngày đầu tiên đi làm thật thành công: 3 điều NÊN và KHÔNG NÊN - ảnh 2

- Hỏi tất cả vấn đề: Cho dù bạn cần mật khẩu Wifi hay có thắc mắc về văn hóa công ty, đừng ngại hỏi. "Khi là người mới, bạn luôn có thể giải thích lý do lại hỏi những câu hỏi này", Brownlee nói.

- Cân bằng các nhiệm vụ cùng với các mối quan hệ: Ưu tiên tạo mối quan hệ cùng đồng nghiệp hơn là tập trung hoàn toàn vào việc kiểm tra danh sách nhiệm vụ nhân sự đưa.

Vào ngày đầu tiên, bạn nên vẽ sơ đồ thực tế thể hiện bên trong phạm vi nội bộ công ty: sếp, đồng nghiệp hay nhân viên trong đội ngũ và các đồng nghiệp khác bạn có thể sẽ tiếp xúc. Có lẽ có vài thông tin ngay lúc buổi đầu, nhưng bạn cũng có thể tìm hiểu thêm thông tin trong những ngày tiếp theo.

Luôn chân thật

Ngay từ đầu bạn hãy quan sát các kiểu tính cách và phong cách giao tiếp của đồng nghiệp để có thể hiểu được văn hóa và phát triển các mối quan hệ chân chính, bà Brownlee khuyên. Sau đó? "Hãy cho họ nhận thấy bạn tuyệt vời như thế nào!"

Hãy nhớ, bạn ở đó để tăng thêm giá trị. Phụ nữ và các thành viên thuộc nhóm yếu thế có thể phải phấn đấu nhiều hơn để được thỏa mái là chính mình khi ở văn phòng, Jacqueline Twillie, nhà sáng lập ZeroGap.co, công ty chuyên đào tạo về khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong các ngành do nam giới thống trị, cho biết.

"Hãy tập trung phát triển các mối quan hệ một cách chân thật, điều này cho mọi người nhận thấy rõ con người và chuyên môn của bạn," cô Twillie cho biết.

Tránh những sai lầm này:

- Lên kế hoạch trước quá nhiều: Nên dành những khung thời gian linh động và trống để sẵn sàng cho các hoạt động, sự kiện ngoài kế hoạch ở văn phòng. Đơn giản là thực tế sẽ có những việc nhỏ nhặt xuất hiện trong ngày mà bạn cần tham gia.

- Nói nhiều hơn nghe: Một trong những lời khuyên phổ biến của Twillie là "Lắng nghe và thấu hiểu." Lắng nghe tích cực cũng đóng vai trò quan trọng trong giao tiếp thành công.

- Quá sức: Các nhân viên mới thường cảm thấy họ phải là người đầu tiên đến văn phòng, không thể nghỉ trưa hoàn toàn và làm việc đến tối muộn để chứng tỏ bản thân. Theo Twillie thì cách thể hiện này không bền vững.

Theo VnExpress