Bị thu hồi sản phẩm sau xét nghiệm lần đầu, DN thực phẩm rủi ro lớn

13:48 | 12/06/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chuyên gia cho rằng quy định thu hồi hàng hóa và ngưng sản xuất ngay khi có kết quả xét nghiệm lần 1 của cơ quan thanh kiểm tra khiến các doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm chịu rủi ro rất lớn.
Ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện Tiểu ban thực phẩm dinh dưỡng - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) phản ánh như trên tại hội thảo "Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý, kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Dự án GIG của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức tại TPHCM ngày 11/6.
Doanh nghiệp 'chết mà không biết kêu ai'
Bị thu hồi sản phẩm sau xét nghiệm lần đầu, DN thực phẩm rủi ro lớn - ảnh 1
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều quy định trong quản lý nhưng không kiểm soát được chất lượng. Nguồn: thanhnien.vn

Ông Tuấn cho hay, theo quy định trước đây tại Thông tư 26/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ, khi cơ quan quản lý kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ra kết quả sản phẩm của DN không đạt yêu cầu chất lượng. Trong thời gian 2 ngày, DN có quyền đề nghị để mang mẫu đi thử nghiệm tại một nơi được chỉ định khác. Kết quả lần 2 sẽ là cơ sở để kiểm tra xử lý… Nhưng Thông tư 12/2017 cũng do Bộ này ban hành sửa đổi Thông tư 26, thì DN không có quyền làm lại xét nghiệm mà bị thu hồi hàng hóa và ngưng sản xuất ngay khi có kết quả xét nghiệm lần 1 của cơ quan thanh kiểm tra.
Dẫn chứng cho điều này, ông Tuấn nêu trường hợp sản phẩm xúc xích của Công ty Vietfood, khi chưa có kết quả xét nghiệm, cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đã cho niêm phong lô hàng của DN, thông tin rầm rộ trên báo DN sai phạm. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra sau đó của các cơ quan chức năng là DN không sai phạm, quản lý thị trường âm thầm trả lại hàng không một lời đính chính cho DN. Tương tự, với trường hợp sữa dê Danlait, ngay sau khi có thông tin trên mạng xã hội rằng, theo kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur, tỷ lệ đạm trong sữa này chỉ 3% trong khi công bố trên nhãn 13% thì quản lý thị trường đã đến và niêm phong hàng hóa. Nhưng kiểm nghiệm mấy hôm sau đó lại cho kết quả đúng là lượng đạm trong sữa dê Danlait hơn 13% như nhãn công bố và Viện Pasteur cũng có văn bản thừa nhận đã dùng sai phương pháp kiểm nghiệm.
"Cả hai trường hợp trên đều để lại hậu quả quá nặng nề cho DN. Chỉ có cơ quan quản lý có quyền nói và quyết luôn, không cho DN có cơ hội nói lại hoặc chứng minh lại. Bởi thực tế, công tác xét nghiệm của chúng ta trong thời gian qua bộc lộ quá nhiều sai sót. Kiểm mà không cho DN kiểm lại và tiến hành niêm phong hàng hóa, thu hồi, thông tin rộng rãi ra thị trường ngay khi có kết quả xét nghiệm lần 1 sẽ đẩy DN vào con đường phá sản, chết mà không biết kêu ai và tất nhiên không ai đền bù cho thiệt hại của DN”, ông Tuấn bức xúc.

Bị thu hồi sản phẩm sau xét nghiệm lần đầu, DN thực phẩm rủi ro lớn - ảnh 2
Ông Vũ Quốc Tuấn, đại diện EuroCham, phản ánh tại Hội thảo 
Chế biến thực phẩm buộc phải dùng muối i- ốt
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng, nhiều quy định của một số Bộ được duy trì bao lâu nay đang gây tốn kém và không cần thiết đối với DN, hoặc không thực tế. Chẳng hạn quy định cấp chứng thư cho từng lô hàng xuất khẩu cho dùng cùng mặt hàng theo Thông tư 52/2015 của Bộ Y tế. Chi phí DN phải tốn kém cho các loại chứng thư này lên đến 1 tỉ đồng/năm/DN. Quy định kiểm dịch tất cả các sản phẩm liên quan đến sữa và được làm từ sữa tại Thông tư 25/2016 của Bộ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang được "mở rộng" quá mức cần thiết khiến DN sản xuất từ chiếc bánh quy, gói snack… đều gặp khó khăn.

Tương tự, yêu cầu bổ sung vi chất mà cụ thể là quy định dùng muối i-ốt trong quá trình chế biến thực phẩm tại Nghị định 9/2016 của Chính phủ đã và đang "xa rời thực tế và không khoa học". Bởi các sản phẩm trong quá trình sản xuất nếu ở nhiệt độ cao, muối i-ốt sẽ bị bay hơi. Không những thế, trên thế giới, các tập đoàn thực phẩm không hề có quy định phải dùng muối i-ốt trong sản xuất, nên nhiều sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia khi sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không đáng có từ quy định này.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thực phẩm minh bạch, cho biết, nước mắm truyền thống bắt buộc bỏ muối i-ốt sẽ làm biến đổi mùi vị và không cần thiết bởi trong quá trình muối cá làm nước mắm, tự trong cá đã có lượng i-ốt rồi…
Chưa hết, bà Minh cũng "tố" Bộ NN&PTNT có những quy định tràn lan nhưng không kiểm soát được như chứng nhận phân bón. Cấp chứng nhận GAP nhưng không kiểm soát được chất lượng… “Những quy định liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ NN&PTNT đang thực sự gây nhiều rườm rà rắc rối mà không hiệu quả”, bà Minh nhấn mạnh.
Nhất trí với nhận định của bà Minh, chuyên gia dự án GIG, ông Phạm Thanh Bình nói: “Nguyên nhân sâu xa của việc quy định chồng chéo này là một số bộ ngành có quá nhiều đầu mối. Theo các phản ánh từ DN mà chúng tôi nhận được, những vấn đề kiểm tra chuyên ngành phức tạp nhất tập trung ở Bộ NN&PTNT”. Ngoài ra, ông Bình cũng thừa nhận Nghị quyết 19 lần thứ 5 đã được Chính phủ ban hành và sau 4 lần thực hiện, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại phải được tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi…

Theo thanhnien.vn