Sáng 29/5, trả lời báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết NHNN sắp tới sẽ bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước bao gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV (gọi tắt là nhóm Big 4) để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Mục tiêu là sớm thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng  ở trong nước và thế giới về mức phù hợp và bền vững.

Dự kiến từ ngày 3/6, NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho nhóm ngân hàng này theo mức giá xác định căn cứ theo giá thế giới. Theo Phó Thống đốc, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước với mạng lưới rộng khắp đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để tổ chức bán vàng trực tiếp tới người dân có nhu cầu.

Theo thông tin từ NHNN, hiện các ngân hàng này đang khẩn trương hoàn thiện giấy phép cũng như chuẩn bị địa điểm bán vàng để chính thức bán vàng cho người dân từ đầu tuần tới. Giá bán vàng miếng sẽ được công bố công khai trên wesite chính thức của các ngân hàng thương mại nhà nước để người dân tiện theo dõi. Trước mắt, các ngân hàng trên mới chỉ bán vàng trực tiếp cho dân tại một số điểm tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.  

Giải pháp để Big 4 ngân hàng bán vàng trực tiếp cho người dân được đưa ra sau khi NHNN dừng thực hiện đấu thầu vàng. 

Chiều 29/5, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng giải trình trước đại biểu quốc hội cho hay, về vấn đề giá vàng trong nước và quốc tế có sự nới rộng, đặc biệt là giá vàng SJC, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt với NHNN và các bộ ngành để thu hẹp chênh lệch giá vàng. NHNN thời gian qua đã thực hiện biện pháp tăng cung vàng ra thị trường, cụ thể là thực hiện nhiều phiên đấu thầu vàng (kế thừa cách làm 2013) với kỳ vọng tăng cung vàng ra thị trường, giá sẽ giảm dần.

“Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu, chúng tôi thấy, chênh lệch giá không được giảm như kỳ vọng. Cho nên chúng tôi đã dừng đấu thầu và đã đánh giá tình hình, tìm ra nguyên nhân và xây dựng phương án mới để bắt đầu triển khai trong tuần tới, nhằm giảm được chênh lệch giá vàng trong thời gian tới”, Thống đốc NHNN cho hay. 

 Nguồn: VDSC

Theo ước tính của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) trong một báo cáo mới đây, tính đến ngày 23/5/2024, NHNN đã cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng (khoảng 1,8 tấn). Trong khi đó, tổng dự trữ vàng Việt Nam ước khoảng 10 tấn, nếu NHNN không trực tiếp nhập khẩu vàng về để tổ chức đấu thầu thì nguồn cung có thể đấu thầu sẽ rất hạn hẹp. 

“Việc giá trúng thầu của các đơn vị tham gia thường cao hơn rất nhiều so với giá mua vào trên thị trường của các cơ sở kinh doanh vàng SJC dẫn đến rủi ro trong việc tham gia đấu thầu của các đơn vị này là khá lớn. Đồng thời, mặc dù lượng vàng trúng thầu tăng dần qua các phiên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ngày càng tăng so với trước khi NHNN tổ chức đấu thầu. Những nguyên nhân trên có lẽ là lý do khiến NHNN phải tìm kiếm giải pháp thay thế”, báo cáo của VDSC nhận định.

 

Trao đổi với người viết, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP HCM cho rằng nếu vàng miếng SJC thật sự được cung ứng ra thị trường thông qua Big 4 ngân hàng với giá chỉ định theo giá thế giới thì giải pháp này thực sự có thể giúp hạ nhiệt giá vàng trong nước, dù vậy vị chuyên gia cho biết ông “hơi nghi ngờ” về phương thức thực hiện. 

“Nếu NHNN bán vàng cho Big 4 theo giá xác định căn cứ vào giá vàng thế giới hiện nay, thì giá vàng thế giới thấp hơn giá trong nước đâu đó hơn chục triệu đồng. Giá thị trường vàng miếng SJC trong nước đâu đó hiện đang khoảng 90 triệu đồng/ lượng, còn giá thế giới tính ra chỉ hơn 70 triệu đồng/ lượng. Thêm nữa, nếu Big 4 cũng bán ra vàng miếng SJC cho dân theo mức giá căn cứ vào giá thế giới thì lượng người mua sẽ rất lớn, tôi không biết NHNN có đủ vàng để cho các ngân hàng Big 4 bán ra theo mức giá đó hay không”, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân băn khoăn.

PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân: "Nếu Big 4 cũng bán ra vàng miếng SJC cho dân theo mức giá căn cứ vào giá thế giới thì lượng người mua sẽ rất lớn, tôi không biết NHNN có đủ vàng để cho các ngân hàng Big 4 bán ra theo mức giá đó hay không". Ảnh: Hạ An

Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng nhận định: “Để nói giải pháp cung cầu vàng ra thị trường bằng nhóm Big 4 ngân hàng có hợp lý hay không, thì tôi vẫn còn nhiều băn khoăn”.

Theo vị chuyên gia, người dân thường có nhu cầu mua vàng SJC thông qua các cửa hàng vàng chứ không phải ngân hàng. Quan trọng hơn, cơ chế để Big 4 ngân hàng bán vàng SJC trực tiếp cho người dân ra sao đến nay vẫn chưa rõ ràng. 

“Chưa rõ ràng ở chỗ NHNN sẽ thực hiện bán vàng trực tiếp cho nhóm Big 4 theo mức giá xác định căn cứ theo giá thế giới, vậy giá Big 4 bán cho dân cụ thể ra sao? Bây giờ giả sử giá vàng SJC trong nước theo cung cầu đang là 90 triệu, NHNN bán cho Big 4 theo giá xác định căn cứ vào giá thế giới, mà giá thế giới đâu đó chỉ khoảng hơn 70 triệu, thì Big 4 bán ra bao nhiêu? Nếu bán ra với giá sát giá thế giới, thì ai được quyền mua, hay bán cho toàn dân? Nếu toàn dân đi mua thì NHNN có cung được đủ vàng theo nhu cầu của người dân không?”, TS Hiển đặt câu hỏi.

 TS. Đinh Thế Hiển: "cơ chế để Big 4 ngân hàng bán vàng SJC trực tiếp cho người dân ra sao đến nay vẫn chưa rõ ràng". Nguồn: Baodautu

 

Theo  PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, vẫn còn nhiều luồng ý kiến chuyên môn trái chiều xung quanh việc có nên coi thị trường vàng là một thị trường quan trọng cần điều tiết ngay lập tức hay không, và cả hai luồng ý kiến đều có những quan điểm hợp lý. 

“Đặt lên bàn cân, ta có thể đặt vấn đề nếu như không bình ổn thị trường vàng thì điều gì sẽ xảy ra. Việc để chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn cao như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng nhập lậu vàng, khi nhập lậu vàng nhiều thì sẽ gây áp lực lên tỷ giá và NHNN rất khó kiểm soát điều này. 

Trường hợp bình ổn thị trường vàng, không còn chênh lệch giá thì hiện tượng nhập lậu vàng sẽ giảm mạnh, điều đó dẫn đến chênh lệch giá giữa thị trường chợ đen và thị trường chính thức cũng không quá căng thẳng như vừa rồi. Tất nhiên để bình ổn thị trường vàng thì NHNN chắc chắn cần nhập khẩu vàng chính ngạch, và việc nhập khẩu vàng như vậy cũng sẽ gây áp lực lên tỷ giá khi NHNN dùng ngoại tệ để nhập vàng, nhưng ít ra NHNN kiểm soát được khối lượng nhập khẩu bao nhiêu và tác động đến tỷ giá trong mức nào, còn trường hợp để nhập lậu vàng gây áp lực lên tỷ giá thì NHNN khó kiểm soát hơn. 

Do đó giữa 2 phương án này, tôi thấy phương án NHNN trực tiếp nhập khẩu vàng để bình ổn thị trường là tối ưu hơn”, vị chuyên gia nhận định.

 

Ở một góc nhìn khác, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng việc kéo gần giá vàng trong nước với giá vàng thế giới không phải là chuyện thiết yếu cần làm ngay, nhanh chóng trong ngắn hạn, mà là chuyện có thể từng bước thực hiện. 

Theo VDSC, lượng vàng miếng SJC trong lưu thông ngày càng giảm. Bởi nguồn cung nguyên liệu để sản xuất vàng SJC đến từ 3 nguồn: 1) vàng nguyên liệu của NHNN, 2) vàng miếng thương hiệu khác được NHNN cấp phép, 3) vàng miếng SJC bị biến dạng, không đủ trọng lượng. Nhưng kể từ sau đợt đấu thầu năm 2013 đến nay, NHNN không tăng cung ra thị trường và nguồn cung dập vàng miếng SJC chỉ dựa vào thị trường thứ cấp. Trong khi có những thời điểm khi giá vàng SJC với vàng nguyên liệu chênh lệch thấp thì vàng miếng SJC được chuyển thành vàng nguyên liệu phục vụ sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ...

Nhìn sâu hơn vào vấn đề, TS. Hiển chỉ ra rằng thời gian qua, giá vàng thế giới đang tăng do bất ổn địa chính trị nên giá vàng Việt Nam tăng theo là bình thường. Một nguyên nhân khác càng đẩy giá vàng trong nước tăng hơn giá vàng thế giới là vấn đề cung - cầu.

Cụ thể, ở phía cung, Việt Nam đã không có cung chính thức ra thị trường trong nhiều năm. Còn cung từ chợ đen, tức là nhập lậu vàng thì càng ngày nhà nước càng kiểm soát vấn đề này hiệu quả, từ buôn lậu cho đến khâu kinh doanh của các công ty vàng. Trong khi đó, ở phía cầu, cầu đang tăng rất mạnh do các yếu tố: tâm lý thấy giá vàng lên thì mua, ngoài ra việc lãi suất giảm cũng khiến người dân chuyển qua kênh vàng. 

Theo TS. Hiển, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới là câu chuyện đầu tư, đầu cơ sinh lợi, và không nhất thiết phải tìm mọi cách hạ nhiệt giá vàng ngay trong ngắn hạn. 

“Thứ nhất, vàng không phải mặt hàng thiết yếu để Nhà nước phải cung cấp cho dân như điện, nước, gạo… để chúng ta phải quá lo lắng nó ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Nếu có lo lắng, theo tôi chỉ là bộ phận dân đầu tư, đầu cơ thôi. Thứ hai giá vàng tăng như vậy không ảnh hưởng quá nhiều đến nền kinh tế để mà Nhà nước phải bỏ lượng lớn ngoại tệ ra nhập khẩu vàng, mà NHNN chỉ cần tính toán nhập khẩu khối lượng hợp lý cung cấp ra thị trường sao cho không ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và tỷ giá, mà cũng từng bước đáp ứng được nhu cầu người dân”, vị chuyên gia cho hay.

 

 

Theo TS. Đinh Thế Hiển, giải pháp để đưa giá vàng trong nước về gần hơn với giá vàng thế giới về cơ bản là việc làm cho cung từng bước đáp ứng cầu, theo đó NHNN có thể tăng cung từng bước theo giá thị trường. 

“Ví dụ giá vàng SJC thị trường đang là 90 triệu thì cung một lượng nhất định ra với giá 90 triệu, nếu nhờ lượng cung đó mà giá vàng SJC thị trường hạ nhiệt xuống còn 85 triệu thì tiếp tục cung một lượng nhất định ra với giá 85 triệu, tức thị trường hạ nhiệt đến đâu thì cung vàng ra với giá đó. Mình cứ đưa ra thị trường từng lượng từng lượng nhỏ như vậy thì khi có biến động, ví dụ giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đảo chiều, thì phần chênh lệch vẫn nằm trong Nhà nước để Nhà nước vẫn có nguồn bù đắp lại”. 

“Theo tôi đáng lẽ ra phải cho phép SJC là công ty nhà nước 100% được nhập vàng theo kế hoạch, bán ra thị trường, bán cho các cửa hàng vàng cũng theo số lượng, và chênh lệch do Nhà nước điều tiết, lợi nhuận trả về Nhà nước”, ông Hiển nói thêm.

Mặc dù cho rằng phương án NHNN trực tiếp nhập khẩu vàng, tăng cung vàng ra thị trường có thể là giải pháp bình ổn thị trường vàng hiệu quả, nhưng PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng đây chưa phải phương án tối ưu nhất. 

“Quay lại thời điểm trước năm 2012, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 2 triệu lượng vàng/ 1 năm, tiêu tốn một lượng ngoại tệ rất lớn, và điều này cũng khiến cho cán cân thương mại của chúng ta thường xuyên nhập siêu, áp lực tỷ giá rất lớn ở thời điểm đó. Nếu bây giờ vẫn khuyến khích thị trường vàng phát triển, vẫn nhập khẩu vàng nhiều thì phải chấp nhận sẽ có những lúc áp lực tỷ giá sẽ căng thẳng vì NHNN phải dùng nhiều ngoại tệ để nhập vàng, trong khi đáng lẽ ra phải dùng ngoại tệ đó để nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thay vì mua vàng về và chôn dưới đất”, vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Theo VDSC, trong giai đoạn 2008-2012, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 50-60 tấn vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, nhập lậu ước tính ở quy mô là 40-60 tấn/năm. Nhu cầu tiêu thụ vàng giảm từ mức cao kỷ lục 91 tấn trong năm 2011 còn 29-31 tấn trong giai đoạn Covid-19 (2020-2021) và tăng trở lại lên bình quân hơn 40 tấn trong năm 2022-2023. 

Do đó, theo TS. Huân, phương án tối ưu hơn là hạn chế người dân sở hữu vàng SJC, vì “không có lý do gì người dân cần sở hữu vàng SJC cả”. Chuyên gia dẫn chứng nhiều quốc gia trên thế giới ở một số thời điểm cũng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất, chỉ sở hữu vàng trang sức với hàm lượng vàng nhất định theo quy định. Chẳng hạn, trong giai đoạn 1973-1991, chính phủ Mỹ từng cấm người dân sở hữu vàng nguyên chất trong nỗ lực đưa đồng USD mạnh lên do áp lực vàng hóa của nền kinh tế trong giai đoạn đó quá lớn. Thay vì cho phép người dân sở hữu vàng nguyên chất, chính phủ Mỹ chỉ cho phép sở hữu các chứng chỉ vàng, (ETF vàng) do Ngân hàng trung ương (Fed) phát hành. 

PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân cho rằng có thể cân nhắc đến phương án để người dân không được phép mua bán vàng SJC và có vàng SJC thì phải mang đến gửi NHNN. NHNN sẽ cấp cho người dân chứng chỉ gửi vàng.

"Chứng chỉ này cũng có thể được bán lại, NHNN vẫn mua lại những chứng chỉ này theo giá thị trường, thậm chí có thể trả lãi gửi cho những chứng chỉ này. Điều này sẽ khuyến khích người dân mang vàng đến gửi tại NHNN và Nhà nước có thể tận dụng được nguồn đó để phát triển kinh tế, đồng thời hạn chế nguy cơ vàng hóa nền kinh tế”, TS. Huân cho hay.