Bộ Công an đặt mục tiêu cấp 50 triệu căn cước công dân gắn chip trước tháng 7/2021
Bộ Công an đang có chủ trương đẩy mạnh dự án cấp thẻ căn cước mới - thẻ gắn chip cho công dân để kịp tiến độ cấp 50 triệu thẻ trước ngày 1/7/2021.
Tại hội nghị trực tuyến ngày 9/9 kết nối từ Bộ Công an tới Công an 63 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương phải đẩy nhanh chiến dịch cấp thẻ căn cước mới để đạt được chỉ tiêu cấp đủ 50 triệu thẻ trước ngày 1/7/2021. Đây là một trong những chiến dịch toàn quốc lớn, là nhiệm vụ trọng tâm của Công an địa phương trong năm nay và 2021. Vì là một mục tiêu không dễ thực hiện nên theo Thứ trưởng, cần phải chuẩn bị đầy đủ về lực lượng, phương tiện và nghiên cứu những cách làm hiệu quả theo đặc trưng, điều kiện từng vùng miền.
Thứ trưởng cũng cho biết vào ngày 3/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt dự án “Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân” của Bộ. Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Thiếu tướng Tô Văn Huệ cho biết dự án cấp mới đồng loạt căn cước công dân gắn chip có tổng chi phí ước tính 2.800 tỷ đồng.
Dự kiến người dân sẽ được cấp thẻ căn cước gắn chip từ tháng 11 tới
Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của dự án cấp căn cước công dân là cách thu thập dấu vân tay sẽ được thay đổi. Phương pháp mới được dự kiến thực hiện từ ngày 1/11 năm nay.
Thẻ căn cước cũ là loại thẻ mã vạch, còn thẻ kiểu mới là gắn chip. Sử dụng thẻ căn cước gắn chip sẽ giúp cơ quan chức năng số hóa công việc quản lý của mình, là xu hướng hợp lý trong thời đại công nghệ. Dự án này nằm trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời người dân cũng giảm bớt được giấy tờ, thủ tục cá nhân.
Thẻ gắn chíp điện tử bảo mật cao, có thể tích hợp nhiều tiện ích, tích hợp được cả dữ liệu như bằng lái xe, bảo hiểm y tế hay ngân hàng. Thẻ cũng được thiết kế mở để về sau tiếp tục tích hợp nhiều công nghệ nhận dạng hiện đại hơn nữa. Trả lời phỏng vấn của Báo Giao thông vào giữa tháng 8, Thiếu tướng Tô Văn Huệ từng khẳng định căn cước gắn chip không được gắn định vị nên người dân không cần lo lắng về việc bị lộ, lọt thông tin cá nhân.
Mẫu thẻ căn cước gắn chip của Estonia (Ảnh: EGA)
Nếu không có nhu cầu đổi thẻ, công dân vẫn có thể tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân mã vạch cho đến khi hết thời hạn hoặc tới độ tuổi phải cấp đổi, không có quy định bắt buộc phải đổi sang căn cước gắn chip. Khi thẻ căn cước công dân gắn chip được cấp, sẽ có đồng thời 4 mẫu căn cước cùng có hiệu lực, giá trị sử dụng là: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD mã vạch và CCCD gắn chip.
Kim Chi