Bộ Công an yêu cầu rà soát tài khoản ngân hàng Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành

Hà Lan 13:46 | 15/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Liên quan đến vấn đề từ thiện đang được dư luận quan tâm, Bộ Công an mới đây đã yêu cầu Cơ quan thanh tra vào cuộc rà soát.

Ngày 14/10, trao đổi với Thanh Niên, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết đã có văn bản yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng rà soát tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tài khoản của các cá nhân: Huỳnh Minh Hưng (tức ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), Trần Thị Thủy Tiên (tức ca sĩ Thủy Tiên), Huỳnh Trấn Thành (tức Trấn Thành).

C02 cho biết đang xác minh, điều tra vụ việc theo đơn tố cáo, dư luận, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh về việc một số nghệ sĩ đã lợi dụng việc quyên góp từ thiện, cứu trợ người dân miền Trung mùa lũ năm 2020, thiếu minh bạch trong quá trình giải ngân, có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Rà soát tài khoản ngân hàng của ca sĩ Thuỷ Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và danh hài Trấn Thành.

Bộ Công an yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cung cấp các tài liệu cho CQĐT như: Bản sao hồ sơ mở tài khoản; toàn bộ thông tin cá nhân liên quan đến chủ tài khoản của các tài khoản đã rà soát, xác định (nếu có); thống kê tổng số tiền giao dịch, số dư hiện có trong tài khoản; sao kê chi tiết tất cả giao dịch của tài khoản từ thời điểm mở tài khoản đến nay; thông tin họ tên, địa chỉ số tài khoản đối ứng, người nộp tiền vào và người nhận tiền từ các tài khoản nói trên.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã mời ca sĩ Thủy Tiên và Đàm Vĩnh Hưng lên phối hợp làm việc. Đối với danh hài Trấn Thành, CQĐT xác định nằm trong diện cần phải rà soát.

CQĐT cho biết thời gian qua Bộ Công an đã gửi công văn đến một số tỉnh thành miền Trung - nơi các nghệ sĩ này làm từ thiện, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử liên quan đến hoạt động từ thiện.

“Vì CQĐT cần làm rõ những khoản tiền đã chi trong hoạt động từ thiện, những tài liệu liên quan khác, CQĐT có thể sẽ mời những người trong danh sách nhận tiền từ thiện để ghi lời khai nếu cần thiết”, nguồn tin cho biết.

Liên quan việc thời gian qua các nghệ sĩ đã thực hiện nhiều sao kê ngân hàng, cơ quan điều tra cho rằng việc này không thể chính xác tuyệt đối nguồn tiền có hay không sử dụng vào việc cứu trợ. Bởi ngân hàng chỉ là nơi tiền được giữ, chuyển đi... còn tiền sử dụng vào mục đích nào thì sao kê không thể hiện.

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên và danh hài Trấn Thành thời gian qua dính đến các sự việc ồn ào liên quan đến hoạt động từ thiện. Trước việc bị cho là "ăn chặn" tiền cứu trợ đồng bào bị lũ lụt, các nghệ sĩ này đã lên tiếng phản bác, đồng thời gửi đơn đề nghị Công an TP HCM điều tra việc mình bị Vu khống.

 

Đừng thấy thị phi mà từ bỏ làm từ thiện

TS Lưu Bình Nhưỡng cho biết, thời gian qua, rất nhiều cử tri, người dân cũng rất quan tâm về vấn đề làm từ thiện. Từ thiện tùy thuộc vào cái tâm, cái đức của mỗi người. Chúng ta cũng đã có các quy định liên quan đến việc làm từ thiện, như Nghị định 64.

Theo đó, Nghị định này chỉ cho phép các tổ chức, đơn vị kêu gọi vận động cứu trợ bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương, các quỹ xã hội từ thiện và các cơ quan thông tin đại chúng bao gồm báo, đài truyền thanh, truyền hình...

Nghị định cũng quy định về cơ quan tiếp nhận bao gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Trung ương và địa phương và các đơn vị, tổ chức được Mặt trận Tổ quốc cho phép đứng ra tiếp nhận. Như vậy theo quy định không có một tổ chức, cá nhân nào khác ngoài quy định này được kêu gọi từ thiện.

Ngoài ra còn một Nghị định rất quan trọng nữa là Nghị định 93 quy định về quỹ xã hội từ thiện, theo đó các tổ chức có thể được vận động các quỹ từ thiện xã hội. Như vậy có thể thấy, hiện có nhiều quy định liên quan đến hoạt động từ thiện.

Ở đây, nhìn lại các quy định đã đưa ra trong Nghị định 64, có thể thấy rõ việc cá nhân kêu gọi ủng hộ đã là không đúng pháp luật rồi, chưa bàn đến việc có trục lợi hay không. Lòng tốt nếu thiếu lý trí sẽ trở nên nguy hiểm.

TS Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng, cá nhân làm từ thiện, muốn tránh thị phi là khó, tôi nhớ Khổng Tử có nói: Phàm là quân tử đừng buồn vì người khác không hiểu mà chỉ buồn vì không có khả năng mà thôi. Bởi vậy, chúng ta không nên buồn vì thị phi khi chúng ta đang làm điều tốt.

Làm từ thiện tức là phải cầm tiền, mà tiền thì dễ gây thị phi. Bởi vậy, theo tôi, với những người làm từ thiện cần phải rõ ràng, anh làm từ thiện dựa trên nhu cầu của người nhận sẽ hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, làm từ thiện phải làm từ tâm, đừng thấy thị phi mà từ bỏ. Muốn chống thị phi phải tiếp tục làm đúng.

Nhân chương trình, ông cũng mong bạn đọc cần lĩnh hội một số yếu tố sau: Khi làm từ thiện, cần đề cao tinh thần đạo đức, đi làm từ thiện mà không có đạo đức thì không làm được. Thứ hai phải dựa vào pháp luật để làm từ thiện. Thứ ba, phải có phương pháp làm từ thiện đúng, không phải muốn làm thế nào cũng được.