Bộ GD-ĐT: Các thí sinh F0 được đặc cách xét tốt nghiệp, F1, F2 được bố trí điểm thi riêng
Sáng ngày 27/5, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức tại 64 điểm cầu (Bộ GD&ĐT và 63 tỉnh/thành).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT chủ trương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 giữ ổn định về phương thức như năm 2020. Theo kế hoạch, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được tổ chức vào các ngày 7-8/7/2021.
Số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp năm 2021 là 1.021.345, nhiều hơn 120.000 thí sinh so với năm ngoái.
Phát biểu tại cuộc họp, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đến thời điểm hiện tại, trong số học sinh lớp 12 có 18 trường hợp F0, 394 trường F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên.
Số học sinh lớp 12 trên cả nước có 18 trường hợp F0, 394 trường F1, chủ yếu ở 4 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Điện Biên
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương có kịch bản để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch COVID-19. Cùng với đó là rà soát, phân loại học sinh liên quan đến dịch bệnh.
“Chúng ta đã có trải nghiệm của năm 2020, đặc biệt là kinh nghiệm tổ chức kỳ thi đợt 2 của các địa phương như Đà Nẵng..., nên chúng ta quyết tâm tổ chức kỳ thi năm nay nhưng với tiêu chí đề cao an toàn, nghiêm túc”, ông Trinh nói.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT tính toán với các trường hợp F0 cũng tương tự các học sinh chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện bất khả kháng, đương nhiên không dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay được.
Cùng với đó các thí sinh F1 sẽ được bố trí điểm thi riêng. Nếu điểm thi ở xa khu cách ly và phải di chuyển bằng ô tô thì các địa phương phải có các biện pháp để chống lây nhiễm chéo.
“Như Đà Nẵng năm ngoái là quá trình đưa học sinh đi thi và đưa về có trang phục bảo hộ...”, ông Trinh cho biết.
Đối với thí sinh thuộc dạng F2, Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương án là bố trí phòng thi riêng hoặc điểm thi riêng. “Đối với mỗi đối tượng sẽ có giải pháp y tế đi kèm”, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh.
Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các địa phương phải đảm bảo việc tiến hành phun khử khuẩn phòng thi, thực hiện nghiêm ngặt yêu cầu về 5k của Bộ Y tế, các bàn trong phòng thi phải đảm bảo yêu cầu giãn cách tối đa… Trong mỗi một điểm thi phải có cán bộ trực y tế.
Ông Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh, bài học của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm ngoái khi một vài cán bộ coi thi vẫn mắc lỗi, dẫn đến phải sử dụng đến các buổi thi dự phòng.
Theo ông Trinh, lứa học sinh 12 năm nay do ảnh hưởng của 2 đợt dịch của 2 năm nên việc học tập và ôn luyện gặp nhiều khó khăn. Do đó, các nhà trường, giáo viên cần lưu ý thí sinh về quy chế thi, đặc biệt những vật dụng không được phép mang vào phòng thi để tránh những vi phạm không đáng có.
Về khâu in ấn đề thi, ông Trinh cho rằng, việc in sao đề thi là khâu thách thức hơn năm trước, bởi ngoài đảm bảo an toàn phải có biện pháp đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Do vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tiến hành việc rà soát về nguồn lực con người bao gồm khâu in sao vận chuyển đề thi, chấm thi, đặc biệt là chấm thi tự luận, đề nghị địa phương báo cáo ban chỉ đạo để có chuẩn bị tốt nhất.
Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, một điểm mới của năm nay là Bộ GD-ĐT sẽ có các đoàn kiểm tra/thanh tra bất kỳ tất cả các khâu của kỳ thi.
H.A
Xem thêm: Công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ thi vào lớp 10 tại TP HCM được tổ chức như thế nào?