Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 3,5 - 4%
Ngày 14/9, tại Hội nghị xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, để đạt được tăng trưởng kinh tế 3,4 -4% trong năm nay, nhưng cần phải kiểm soát được dịch tốt trong tháng 9 này, chuyển sang trạng thái bình thường mới từ quý IV.
Nếu GDP năm nay đạt 3,5 - 4% thì trong 2 năm liên tiếp Việt Nam không hoàn thành được kế hoạch tăng trưởng đề ra, không đạt được mục tiêu chung của kế hoạch 5 năm 2021 -2025, năm ngoái tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,92%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, dù mức tăng trưởng 3,5 - 4% thấp hơn nhiều so với dự báo ban đầu 6,5%, nhưng đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ khi dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế, gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hoàng hoá, dịch vụ, xuất khẩu...
Trong năm nay, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 10% và thu ngân sách có thể vượt dự toán. Tuy nhiên, cần sự nỗ lực của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó thái độ của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp rất quan trọng.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương thân thiện và đồng hành với doanh nghiệp, chứ không phải chỉ là những chỉ thị hành chính, nhũng nhiễu gây khó khăn cho các hoạt động của doanh nghiệp.
“Làm tốt chính là xúc tiến đầu tư tại chỗ, còn hơn nhiều đi xúc tiến, đi kêu gọi bên ngoài. Làm tốt thì tự khắc doanh nghiệp thấy được thân thiện của địa phương, của lãnh đạo, thì họ mới yên tâm đầu tư lâu dài” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, giãn cách xã hội trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tình hình lao động. Trong khi nguồn lực hỗ trợ cho công tác chống dịch lớn, ảnh hưởng đến thu - chi ngân sách.
Trong năm 2022, Bộ trưởng cho rằng, đây là thời điểm có nhiều yếu tố mới, vừa là thời cơ cũng là thách thức. Dịch bệnh khả năng còn kéo dài, phức tạp, khó lường nên nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận sống chung với dịch.
Trong năm 2022, nền kinh tế thế giới sẽ dần phục hồi, tuy nhiên đà phục hồi chậm hơn dự báo trước đây và cách biệt giữa các nước là khác nhau. Nước nào có độ tiêm chủng càng cao thì khả năng mở cửa càng sớm được thực hiện.
Từ những phân tích trên, Bộ trưởng cho biết các cơ quan phân tích và dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 6-6,5%. Bộ đang nghiên cứu, xây dựng để chuẩn bị trình các cơ quan liên quan.
Trong năm 2022, Bộ trưởng cho rằng vẫn phải bám sát kế hoạch dài hạn nhưng phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bùng phát mạnh trở lại. Cần cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao sức chống chịu, tính tự chủ, thích ứng với mọi tình huống có thể xảy ra.
“Thế giới thay đổi rất nhanh, nếu không xây dựng nền kinh tế có tính tự chủ và thích ứng thì chúng ta sẽ bị động bất ngờ. Ví dụ như dịch bệnh có thể diễn biến kéo dài, chưa nói đến đối mặt với thiên tai”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng góp ý với một số địa phương tăng trưởng cao nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp FDI như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh… Ông cho rằng không thể dựa vào 1-2 doanh nghiệp lớn, mà cần thận trọng về vấn đề này.
Các địa phương có thể duy trì các nhà đầu tư chiến lược, nhưng cũng phải đa dạng các lĩnh vực đầu tư và nhà đầu tư, không chỉ tập trung vào một nhà đầu tư, một ngành, một lĩnh vực riêng lẻ.
Các ngành này dù là công nghệ cao nhưng giá trị gia tăng vẫn thấp, chủ yếu tận dụng giá rẻ và lợi thế so sánh của Việt Nam, chứ không nhiều dự án tạo ra giá trị gia tăng cao.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 105 để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh trong lúc khó khăn của dịch bệnh như hiện nay, thái độ của chính quyền địa phương với doanh nghiệp là quan trọng quan trọng hơn cả những hỗ trợ nêu trên.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân), dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thể hiện sự điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng để phù hợp với diễn biến nhanh chóng và bất định của tình hình. Tuy nhiên đây chỉ là một kênh thông tin dự báo như Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng năm nay khoảng 4,8%, còn Đại học Kinh tế Quốc dân dự báo tăng trưởng trên 5% năm nay.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cũng cho rằng, có sự khác nhau giữa các dự báo mặc dù có giảm, nhưng vẫn là con số dương, tăng trưởng này cần được ghi nhận và khích lệ.
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), mặc dù khó khăn về sản xuất nhưng tại các thị trường xuất khẩu vẫn tăng ổn định, đặc biệt là tại thị trường Mỹ, tuy nhiên thị trường cung ứng lại thiếu. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Khanh cho rằng, dịch COVID-19 cũng khiến nhiều doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng và để phục hồi cần phải có thời gian. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp tranh thủ bước vào thị trường mới với sản phẩm mới, ngoài ra đây là dịp các nhà mua hàng cao cấp bắt đầu tìm kiếm các nguồn hàng khác từ các nhà sản xuất Việt Nam