Kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi tích cực
Xuất khẩu, đặc biệt là máy tính, điện tử, điện thoại, máy móc và dệt may, tăng trưởng tốt nhờ hoạt động tích cực tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Đầu tư công tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng, đến tháng 11 đã giải ngân được 73,5% chỉ tiêu hằng năm, với tổng cộng 22,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ vẫn chậm hơn so với mức trước đại dịch COVID-19 dù các lĩnh vực như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống và du lịch đã góp phần mang lại doanh số bán lẻ tốt trong suốt năm 2024.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án đường sắt cao tốc trị giá hơn 67 tỷ USD, được kỳ vọng góp phần tăng cường kết nối giữa thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế và môi trường bền vững.
Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29/11 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với thị trường chứng khoán trong nước. Luật có các điều khoản nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn và kiểm toán viên, nhằm cải thiện tính minh bạch và giám sát quy định, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tạo tiền đề để Việt Nam đạt được vị thế thị trường mới nổi trong giai đoạn 2025-2026.
Kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức tăng trưởng mạnh vào năm 2025, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kỳ vọng mức tăng 6,1%. Những dự báo này được củng cố nhờ nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ và đầu tư trực tiếp nước ngoài bền vững, bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu và thay đổi về chính sách thương mại.