Bờ kè ven biển trăm tỷ ở Nam Định tan hoang giữa mùa bão
Giữa mùa mưa bão, hơn 2km đường kè ven biển tại huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) từng ngày bị sụt lún, cuốn trôi ra biển. Cách đó không xa, hàng chục tàu hút cát cỡ lớn hoạt động hết công suất.
Bờ kè như bãi chiến trường
Những ngày tháng 9, khi liên tiếp thông tin về những cơn bão xuất hiện, thì tại xã Phúc Thắng, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), hàng chục khối bê tông cùng gạch lát trên tuyến đê kè tiếp tục trôi xuống biển.
Tuyến bờ kè ven biển Nghĩa Hưng bị sạt lở tan hoang
Theo người dân địa phương, tình trạng này đã diễn ra khoảng 2 năm nay, tuy nhiên chưa thấy đơn vị nào đứng ra khắc phục. Vào thời điểm tháng 4/2019, khu vực này mới chỉ xuất hiện 2 vị trí sạt lở, sụt lún là tại: K0+60 - K0+100 và K0+210 - K0+290. Thì đến nay, hơn 1km trên tổng số 2km bờ kè đã gần như sụt lún hoàn toàn. Toàn bộ mái kè bị sóng đánh sập đổ, nằm trải dài dưới nền cát; đường bê tông dày khoảng 20cm, rộng gần 5m bị gãy thành nhiều khúc, có đoạn lún sâu dưới 1m so với nền đất cũ. Nhiều mố kè bê tông và làn đường đi bộ được lát bằng gạch block lục lăng bị phá vỡ, dẫn đến hở hàm ếch rộng hơn 1m. Cách đó không xa, đường ống bê tông thoát nước được ghép bằng các cống bi bị phá tan, nằm rải rác khắp nơi.
Nếu chỉ quan sát bằng mắt, chúng tôi không nghĩ đây lại là công trình được đầu tư với số tiền lên tới hơn 100 tỷ đồng.
Dù với chiều dài chỉ khoảng hơn 2km, tuyến bờ kè này có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là chắn sóng, bảo vệ rừng phi lao phòng hộ, vườn hoa màu, hệ thống ao đầm thủy sản của người dân và khu du lịch Rạng Đông. Và trên hết là tài sản, tính màng hạng vạn người dân ven biển của huyện Nghĩa Hưng mỗi khi mưa bão kéo đến.
Theo tìm hiểu, đây là một trong những hạng mục thuộc dự án kè lấn biển, hạ tầng kinh tế biển nằm ngoài đê biển huyện Nghĩa Hưng do chính UBND huyện này làm chủ đầu tư. Người đứng đầu địa phương này khi đó là ông Sái Hồng Thanh, Chủ tịch UBND huyện (nay là Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện). Nhà thầu được lựa chọn thi công là Cty CP Tập đoàn Xuân Trường, đơn vị giám sát là Cty TNHH Tư vấn thiết kế Nhà Việt.
Công trình sử dụng từ năm 2013 với số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng
Dự án được đầu tư xây dựng từ năm 2011, chính thức đưa vào sử dụng năm 2013 với tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng. Từ khi xây dựng kè hoàn thành đến khoảng giữa năm 2017 công trình tương đối ổn định và không bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, sau cơn bão số 10, phía Đông của đoạn kè bị sập khoảng 150m. Tới năm 2018, UBND huyện Nghĩa Hưng đã đầu tư 2 tỷ đồng để sửa chữa và khắc phục sự cố. Liên tiếp trong năm 2019 và tới nay, bờ kè tiếp tục bị sụt lún, nát như tương bần trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Theo khảo sát của địa phương này, so với thời điểm bàn giao và đưa kè vào sử dụng, nền bãi cát tại đây đã sụt xuống trung bình khoảng 2m. Còn vì sao lại như vậy, câu trả lời vẫn bị bỏ ngỏ suốt 2 năm qua!
Trăm tỷ để đánh đổi 6 triệu mét khối cát?
Theo người dân địa phương, nguyên nhân rất có thể là hoạt động khai thác trên biển diễn ra cách vị trí bờ kè không xa (khoảng 300m). Bởi thời điểm trước 2017, bão số 10 chỉ làm sạt một đoạn ngắn sau đó đã được khắc phục. Nhưng từ khi hàng chục tàu hút cát hoạt động, hiện tượng sụt lún diễn ra mạnh mẽ và chưa có điểm dừng.
Thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Nam Định cho thấy, Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội được cấp quyền khai thác cát kể từ ngày 10/11/2017 bằng phương pháp lộ thiên tại Lô số 1A khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng.
Hoạt động khai thác cát cách bờ kè không xa
Sau đó, Sở này tiếp tục cấp 3 giấy phép khai thác cát khác cho Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội tại Lô số 1B, 2A, 2B. Tổng diện tích được cấp khép khai thác cát tại 4 giấy phép là 180ha với tổng trữ lượng 6.057.180 m3. Lượng cát này từ khi khai thác chủ yếu dùng để san lấp mặt bằng, phục vụ triển khai xây dựng Khu công nghiệp Rạng Đông. Đây là khu vực trong đê, vốn là vùng nuôi thủy sản, làm muối của nhiều hộ dân ven biển.
Cũng theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Sông Đà Hà Nội có trụ sở tại chính tại: Tầng 15 tháp A, Tòa nhà HH4 Mỹ Đình Sông Đà, Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Người đứng đầu là doanh nhân Đoàn Ngọc Ly, chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, sinh năm 1974. Ông Ly có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Cử nhân kinh tế. Vị này có nguyên quán tại xã Nghĩa Hòa, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Năm 2007, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thị trấn Quỹ Nhất được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Nghĩa Hòa với 6.274 nhân khẩu.
Từ khi có hoạt động khai thác cát, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng
Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội là đơn vị thành viên của Tổng công ty Sông Đà (Bộ Xây Dựng), được thành lập từ năm 2010 với số vốn điều lệ là 200 tỷ đồng. Thời điểm hiện tại, Tổng công ty Sông Đà đã thoái toàn bộ vốn góp tại đơn vị này.
Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội chính thức niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội vào ngày 17/10/2014.
Theo Giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp này hoạt động trong 6 lĩnh vực chính là: Khai thác đá, cát, sỏi, đất sét; Xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, công nghiệp, giao thông, thủy lợi, thủy điện; Xây dựng hạ tầng khu đô thị, khu công nghiệp, kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản…
Trong quá trình 10 năm hoạt động, Công ty cổ phần Sông Đà Hà Nội tham gia xây dựng nhiều hạng mục tại một số dự án như: Thủy điện Lai Châu, Thủy điện Huội Quảng, KCN Chúc Sơn, Thủy điện Nậm Chiến.
Nguyên nhân khiến công trình trăm tỷ bị hư hỏng vẫn là dấu chấm hỏi
Riêng tại Nam Định, doanh nghiệp này cũng tham gia thi công nhiều hạng mục như nhà máy Thi công nhà máy cấp nước công suất 20.000 m3/ngày đêm, nhà ở 5 tầng cho công nhân, nhà đa năng, tuyến đường ống cấp nước thô dài 7km… tại KCN Bảo Minh (huyện Vụ Bản).
Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND xã Phúc Thắng, ông Trần Văn Quân cho biết, trước hiện trạng này, chính quyền địa phương đã có báo cáo UBND và các cơ quan chuyên môn. Sau đó, tỉnh cũng đã thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá hiện trạng, nguyên nhân. Tuy nhiên, đến nay chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân của hiện tượng sạt lở này.
Doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin…
KẾ TOẠI