Bộ LĐTB&XH đề xuất hỗ trợ hơn 130.000 tấn gạo cho những tỉnh nào?

11:02 | 19/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.

Cứu đói cho 8,6 triệu nhân khẩu

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm của người dân và người lao động, đặc biệt đối với những người bị giãn, hoàn, ngừng việc, bị mất việcmất thu nhập... không đảm bảo được đời sống có nguy cơ bị thiếu đói.

Thực hiện yêu cầu “không để ai bị thiếu ăn" tại Công điện số 1068/CĐ-TTg ngày 5/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại Công văn số 5644/VPCP-KTTH, căn cứ vào Điều 12, Chương III, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, chiều ngày 18/8, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số 130.175,67 tấn gạo để cứu đói cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu thuộc 24 tỉnh, bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 năm 2021.

Mức hỗ trợ cho mỗi nhân khẩu là 15kg gạo trong thời gian một tháng.

Bộ LĐTB&XH đề xuất hỗ trợ hơn 130.000 tấn gạo cho những tỉnh nào? - ảnh 1

Ảnh minh họa. 

Đắk Lắk đề xuất hỗ trợ 534,3 tấn gạo cho 35.626 khẩu; Đắk Nông hỗ trợ 577,1 tấn gạo cho 38.474 khẩu; Đồng Tháp hỗ trợ 5.883,4 tấn gạo cho 392.231 khẩu; Tây Ninh hỗ trợ 336,2 tấn gạo cho 22.417 khẩu; Cà Mau hỗ trợ 2.862,3 tấn gạo cho 190.822 khẩu; Vĩnh Long hỗ trợ 2.103,1 tấn gạo cho 140.213 khẩu; Long An hỗ trợ 807 tấn gạo cho 53.800 khẩu; Kiên Giang hỗ trợ 2.278,1 tấn gạo cho 151.878 khẩu; Trà Vinh hỗ trợ 1.738,9 tấn gạo cho 115.930 khẩu.

Khánh Hòa hỗ trợ 2.000 tấn gạo cho 133.334 khẩu; Bình Dương hỗ trợ 11.325 tấn gạo cho 755.000 khẩu; Bến Tre hỗ trợ 2.408,2 tấn gạo cho 160.551 khẩu; Bình Định hỗ trợ 1.000,5 tấn gạo cho  66.700 khẩu; An Giang hỗ trợ 3.362,2 tấn gạo cho 224.152 khẩu; Nghệ An hỗ trợ 341,1 tấn gạo cho 22.740 khẩu.

Tiền Giang hỗ trợ 3.006,2 tấn gạo cho 200.415 khẩu; Đồng Nai hỗ trợ 3.128,5 tấn gạo cho 208.567 khẩu; Bà Rịa-Vũng Tàu hỗ trợ 2.283,4 tấn gạo cho 152.233 khẩu; Phú Yên hỗ trợ 1.852,6 tấn gạo cho 123.511 khẩu; Đà Nẵng hỗ trợ 1.630,6 tấn gạo cho 108.709 khẩu; thành phố Cần Thơ hỗ trợ 5.015,4 tấn gạo cho 334.366 khẩu; Bình Thuận hỗ trợ 4.018,4 tấn gạo cho 267.899 khẩu; Ninh Thuận hỗ trợ 577,2 tấn gạo cho 38.480 khẩu; Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ 71.104,9 tấn gạo cho 4.740.330 khẩu.

Trước đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã nhận được công văn của 24 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đã rà soát, tổng hợp và đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số hơn 216.618,9  tấn gạo cứu đói cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu có nguy cơ bị thiếu đói do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 năm 2021. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xem xét và trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ tổng số hơn 130.175,6 tấn gạo để cứu đói cho hơn 8,6 triệu nhân khẩu trong thời gian một tháng.

Đoàn kết chống dịch

Sáng 19/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quy hoạch do Thường trực Chính phủ tổ chức. Tại Hội khị, Thủ tướng khẳng định, hiện các địa phương đang triển khai thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết 86 của Chính phủ, Nghị quyết 30 của Quốc hội, đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn. Thủ tướng lưu ý, phải thực hiện nghiêm ngặt việc cách ly giữa người với người, gia đình với gia đình, xã với xã, huyện với huyện, tỉnh với tỉnh, “ai ở đâu ở đó” thì mới có thể cách ly được nguồn lây, kiểm soát lây nhiễm. Để làm tốt việc giãn cách, cần lo cho dân, bảo đảm không ai bị thiếu ăn thiếu mặc, bảo đảm nhu cầu y tế của mọi người ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, an dân. Đồng thời, vận động, kêu gọi và hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch.

Việc giãn cách xã hội còn kéo dài trong khi nguồn lực con người, vật chất đều có hạn, nhất là các y, bác sĩ, điều dưỡng viên đã làm việc hết sức mình trong thời gian dài, phải quá tải. Thủ tướng kêu gọi các tỉnh, thành phố đã kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương mình, tiếp tục chi viện, ủng hộ, giúp đỡ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam cả về con người và cơ sở vật chất theo tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, vì TP. Hồ Chí Minh”.

“Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải thể hiện tình đoàn kết, thống nhất, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Trước đây, cả nước đã vì Bắc Ninh, Bắc Giang để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, bây giờ cả nước vì TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam. Tôi đề nghị chuẩn bị sẵn sàng để khi nào cần là có thể điều ngay, nhất là về lực lượng y, bác sĩ, điều dưỡng viên; cần nâng cao trình độ tay nghề về hồi sức cấp cứu mà các tỉnh, thành phố phía Nam đang có nhu cầu rất lớn. Kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở miền Nam thì chúng ta mới có thể kiểm soát được dịch bệnh trên cả nước”, Thủ tướng khẳng định. 

Văn Chương