Bỏ sử dụng hóa đơn giấy truyền thống từ tháng 7/2022
Theo Nghị định 123/2020, kể từ ngày 1/7/2022, hóa đơn giấy truyền thống sẽ chính thức bị "khai tử".
Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ sẽ có hiệu lực từ tháng 7/2022. Theo đó, Nghị định 123/2020 bãi bỏ các khoản 2 và khoản 4 Điều 35 Nghị định 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử. Điều 35 Nghị định 119/2018 quy định các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã cơ quan thuế theo quy định chậm nhất là ngày 1/11/2020. Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP mới, việc áp dụng sử dụng hóa đơn, chứng từ điện tử bắt đầu thi hành từ ngày 1/7/2020.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp không khỏi hoang mang khi không rõ việc sử dụng hóa đơn giấy sẽ hết hiệu lực khi nào, bao giờ sẽ bắt buộc chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Với văn bản Nghị định mới này, các tổ chức, doanh nghiệp đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, mua hóa đơn của cơ quan thuế,... vẫn có thể sử dụng hóa đơn dạng giấy tới hết ngày 30/6/2020.
Theo Lao Động, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) ông Nguyễn Đức Huy cho hay: "Chúng tôi vẫn khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp cần phải chủ động thay đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử càng sớm càng tốt. Theo lộ trình này, cơ bản đến tháng 7/2022 là không còn hóa đơn giấy nữa".
Theo Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 8/2020, cả nước có 300.000 doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử. Ngoài ra còn có khoảng 300 doanh nghiệp đang phát hành hóa đơn điện tử có ghi mã xác thực từ cơ quan thuế. Tại TP.HCM, tính đến hết tháng 9/2020 có 126.516 doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn điện tử, chiếm hơn 62% tổng số doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn.
Việc sử dụng hóa đơn điện tử có thể giúp các doanh nghiệp tiết kiệm 70-90% chi phí, không lo mất hoặc hỏng hóa đơn, không còn vấn đề hóa đơn giả, ghi sai địa chỉ, sai số thuế,... Các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử cũng sẽ được thực hiện các thủ tục hành chính thuế điện tử. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo qua mạng tới cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử, được sử dụng ngay sau khi được cơ quan thuế chấp nhận. Khi sử dụng hóa đơn điện tử, ngành thuế cũng có thể dễ dang phát hiện các hàng vi gian lận, trốn thuế hơn, thuận tiện cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ việc tra cứu dữ liệu.
Linh Chi (t/h)