Bộ Tài chính tạo mọi thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp

17:01 | 26/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Trong những năm qua, ngành thuế và hải quan đã có những cải cách mạnh mẽ được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá tích cực.

Sáng 26/11, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019, nhằm thông tin, tuyên truyền về các chính sách và thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực thuế, hải quan, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN) và tăng cường quan hệ hợp tác giữa DN với các cơ quan thuế, hải quan.

Bộ Tài chính tạo mọi thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp - ảnh 1
 Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2019.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, ngành thuế và hải quan có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, nguồn thu của Nhà nước và góp phần quan trọng trong tạo không khí thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh. Cộng đồng DN luôn ghi nhận sự cải cách mạnh mẽ của Bộ Tài chính mà cụ thể là ngành thuế và hải quan trong thời gian qua trong việc đồng hành, cảm thông, chia sẻ và có hướng dẫn về thủ tục để DN thực hiện đúng và kịp thời chỉnh sửa những lỗi mắc phải. Đặc biệt, nhiều vấn đề DN phản ánh đã được lắng nghe, trao đổi và có hướng xử lý giải quyết mang đến sự an tâm lớn của cộng đồng DN.
Ông Hoàng Quang Phòng cũng cho biết thêm, đây là năm thứ 14 Bộ Tài chính phối hợp cùng với VCCI lắng nghe các ý kiến phản ánh về các khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính thuế và hải quan, tiếp nhận các ý kiến đóng góp về xây dựng chính sách, thể chế nhằm hỗ trợ các DN giảm bớt các thủ tục còn phiền hà, chồng chéo, tạo môi trường thông thoáng, tích cực áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong giải quyết thủ tục.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như cơ chế phối hợp thực hiện công việc thường niên giữa hai cơ quan đã giải quyết kịp thời các ý kiến, phản ánh của DN và có cải cách phù hợp trong công tác quản lý, kiểm tra của hai ngành thuế và hải quan.
Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho DN, các nhà đầu tư trong việc phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính tạo mọi thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp - ảnh 2
 Tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Về thể chế chính sách, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Quản lý thuế mới; trong đó có nhiều nội dung về cải cách thủ tục hành chính cả về thuế cũng như hải quan.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 119 quy định về hoá đơn điện tử. Bộ Tài chính cũng ban hành Thông tư 68 (ngày 30/9/2019) hướng dẫn chi tiết về hóa đơn điện tử; đó là cơ sở quan trọng để cải cách trong việc sử dụng, quản lý hóa đơn, chứng từ.
Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành mới và sửa đổi 7 Thông tư; tham mưu ban hành Nghị định quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành làm cơ sở pháp lý quan trọng trong đột phá về cải cách hiện đại hóa hải quan.
Cụ thể, cơ quan thuế, hải quan đã tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế, quản lý hải quan. Theo đó, 99,87 % doanh nghiệp kê khai thuế điện tử; 99,53% doanh nghiệp nộp thuế điện tử, 93,61% doanh nghiệp hoàn thuế điện tử; có 133/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 (cuối năm 2019 sẽ lên 188/304 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4). Hệ thống hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% các đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan.  Đồng thời, cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã thực hiện đồng bộ, thông suốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, người khai hải quan.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo đó, thực hiện hợp nhất 401 Chi cục Thuế thành 190 Chi cục Thuế khu vực (giảm 211 Chi cục Thuế), nhưng việc quản lý thu trên địa bàn vẫn được đảm bảo so với trước khi hợp nhất. Đối với Tổng cục Hải quan đã giảm từ 174 Chi cục Hải quan xuống còn 162 chi cục.
Cùng với đó, cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc thực hiện công vụ; tuyên truyền, hỗ trợ, giải đáp, tháo gỡ kịp thời các khó khăn vướng mắc cho người nộp thuế; phát triển hệ thống đại lý thuế...
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Xuân Ha cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành các Nghị định. Bộ Tài chính cũng sẽ kịp thời ban hành, sửa đổi các thông tư, văn bản hướng dẫn các quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Hải quan; đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh chính đáng của DN.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng mong muốn DN Việt Nam chủ động tận dụng tốt các cơ hội để đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế của đất nước trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay.