Bộ Thông tin Truyền Thông: Đề xuất ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng vào cuối năm 2020

19:34 | 09/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng vào cuối năm 2020.
Trong phiên họp sáng ngày 9/11, thuộc khuôn khổ Kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngay trong cuối năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công bố Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng: đề xuất người dùng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luậ Việt Nam, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em.
 
Bộ TT-TT công bố Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng 2020
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
 
Liên quan tới vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, từ tháng 4/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Chính phủ đã đồng ý về nội dung, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc thêm về thẩm quyền ban hành. “Chúng tôi trong tuần này sẽ đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về thẩm quyền ban hành và chắc chắn rằng trong năm 2020, Bộ quy tắc ứng xử này sẽ được ký ban hành” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
 
Cụ thể về nội dung, Bộ Quy tắc ứng xử đề xuất người sử dụng và nhà cung cấp dịch vụ mạng phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trong đó có quyền trẻ em. Cụ thể là yêu cầu người sử dụng mạng xã hội và nhà cung cấp dịch vụ mạng sẽ hướng dẫn giáo dục trẻ em, trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội an toàn, lành mạnh.
 
Bộ TT-TT công bố Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng 2020
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội XIV
 
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng một đề án bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng giai đoạn từ 2010 - 2025. Đề án đã đưa ra những giải pháp cơ bản để giải quyết vấn đề như: tạo được một đầu mối duy nhất trên không gian mạng để tiếp nhận các phản ánh về nội dung xâm hại trẻ em; ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để phát hiện sớm và chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, đề án trang bị bộ kỹ năng số cơ bản bao gồm: giáo dục nhận thức về môi trường mạng, kỹ năng để tự bảo vệ mình, nhận diện nguy cơ trên môi trường mạng và có hành động thích hợp.
 
“Hiện nay, đề án này đã được trình Thủ tướng Chính phủ, chắc chắn sẽ được ký trong năm 2020”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
 
 
Thùy Dương