Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: Nguồn lực đặc biệt của quốc gia là xã hội học tập
Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, xây dựng xã hội học tập không chỉ là công việc của ngành giáo dục mà của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, với vai trò nòng cốt của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Để trang bị những kỹ năng, năng lực khác thì phải lấy khả năng tự học, tự tích lũy kỹ năng của bản thân chính làm một thứ năng lực gốc rễ. Một dân tộc mà không có những con người tự học tập thì đó là một dân tộc thiếu năng lực để giải quyết vấn đề của mình.
Hình ảnh của buổi Hội nghị tổng kết đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận rằng, một xã hội học tập phát triển, năng động cũng được coi là nguồn lực của quốc gia. Do đó, phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia cũng là phát triển xã hội học tập tốt. Phát triển một xã hội biết học, một xã hội hiếu học, biết tạo ra những nhu cầu học tập và có đầy đủ khả năng thoả mãn mọi nhu cầu học tập là trách nhiệm của chúng ta. Để làm được điều đó, cần xây dựng được mỗi con người, mỗi cá nhân học tập suốt đời, sau đó mới có thể xây dựng một xã hội học tập.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, cần xác định rõ vai trò của các thành tố và các bên liên quan đến công cuộc phát triển xã hội học tập, trong đó bao gồm cả vai trò của các doanh nghiệp.
Việc đào tạo 3 - 4 năm trong trường đại học, hay thời gian ngắn trong trường nghề chưa chắc đã bắt kịp xu hướng nghề nghiệp mới sinh ra mỗi ngày, tri thức ngày càng rộng lớn, kỹ năng chúng ta cần ngày càng phong phú, cũng không thể đảm bảo người học ra trường phải làm được ngay, làm đúng nghề.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập là một chủ trương, một công việc rất lớn, rất quan trọng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức căn bản, cốt lõi, khả năng tự học, khả năng thích ứng đến từ các trường thì doanh nghiệp cũng cần phải tham dự đào tạo cùng, đào tạo tiếp để xây dựng được nền tảng nhân lực mang tính cá biệt cho nhu cầu riêng của đơn vị, doanh nghiệp. “Sức sống của một doanh nghiệp phụ thuộc vào việc doanh nghiệp đầu tư cho việc học của nhân viên như thế nào", theo Bộ trưởng phân tích.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” diễn ra ngày 18/6, theo hình thức trực tuyến, nhằm đánh giá những kết quả đạt được đồng thời phát hiện tồn tại và hạn chế của việc triển khai Đề án; trên cơ sở đó để đưa ra những giải pháp, mục tiêu cho việc xây dựng Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030”.
Phương Thúy
Xem thêm: Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học lọt vào bảng xếp hạng trường ĐH tốt nhất châu Á